.

Gửi tình qua những vần thơ cuối đời

.

Chúng tôi hay trò chuyện với ông Trương Quang Đươc vào những dịp gặp nhau ở Hà Nội, nhất là dịp Tết đến xuân về hay những buổi gặp mặt đồng  hương đầu năm, thường tổ chức sau rằm tháng giêng. “Mùa xuân gặp mặt lệ thành đã từ lâu”.

Còn nhớ, cũng vào quãng này năm 2014, chúng tôi ghé đến thăm ông tại nhà riêng, trên đường Đặng Thai Mai, Tây Hồ, Hà Nội.

Năm ấy ông vẫn khỏe mặc dù trước đó có nhiều dấu hiệu về bệnh tình vốn có của tuổi già.

Biết ông không thể ngồi lâu nên câu chuyện giữa chủ và khách dự kiến mươi phút như đã “giao kèo” nhưng kéo dài hơn một giờ đồng hồ bởi những tâm sự chung riêng mà ông muốn chuyển tải, gửi gắm ở các thế hệ hậu sinh.

Vậy nên, khi biết chúng tôi đều là cán bộ của ngành tài chính, thuế, hải quan, là chỗ đồng hương, với trách nhiệm của người đi trước, ông dặn dò: làm ngành này (ngành tài chính) bắt buộc phải thật chí công, vô tư. Cơ quan quản lý, “tay hòm chìa khóa” cần phải như vậy.  

Từ tháng 5-1989 đến tháng 4-1994, ông giữ trọng trách Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan. Ông tâm tình: Những năm ông làm Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan công việc bận bịu vô cùng, bởi trong giai đoạn này đang có nhiều chuyển đổi mạnh mẽ trên nhiều phương diện, nhất là về hội nhập, hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính, chống buôn lậu và gian lận thương mại, trong đó có việc áp dụng nhiều chính sách mới về thuế xuất nhập khẩu.

Ông nói tiếp: Trong ngành tài chính, thuế, hải quan lúc nào cũng cần tôi luyện cái tâm cho sáng, thật sáng; có bản lĩnh; cố nhiên cũng phải tinh thông nghề nghiệp mới đảm đương được công việc lâu dài. Vào ngành, rồi nhận nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ chống buôn lậu tại các cửa khẩu mà nhăm nhăm lo chuyện riêng tư là nguy, nếu không gặp họa là lạ. Làm cán bộ quản lý, đứng đầu ngành mà không sâu sát, “gần người hiền tiến cử người tài, thương kẻ khó nhọc”, cùng chung lưng đấu cật với anh em để hoàn thiện, hoàn thành mọi việc đáp ứng nhu cầu đổi mới của đất nước, mong đợi của xã hội, trông mong của cộng đồng doanh nghiệp mà chỉ lo cái chức, cái quyền thì chẳng quản trị, cải cách được gì.
Ông cho rằng, đất nước có nhiều ngành lĩnh vực khá nhạy cảm, ngành thuế, hải quan cũng vậy, rất dễ bị cám dỗ, nếu không có bản lĩnh thì dễ bị sa ngã.

Nói tới đây, ông dừng lại hồi lâu, đoạn nhấp chén nước chè và đọc hai câu thơ vừa chợt đến, như gói ghém quá khứ, như một phương châm sống và trong chừng mực nào đó là kinh nghiệm riêng chung:

“Dẫu lời đường mật đừng theo
Dẫu trong nanh vuốt hùm beo
                        chẳng sờn”.

Đến đây, chúng tôi dừng câu chuyện và hẹn dịp khác đến để cùng đàm đạo thơ ca mà ông cũng rất yêu thích khi kim đồng hồ trên tường điểm 11 giờ trưa.

Có một nhà thơ định nghĩa: Thơ là hoa hồng ném qua cửa sổ để lại mùi thơm và tiếng vang. Đối với ông hoàn toàn không phải như vậy. Ông làm thơ cốt cho vui, như một thú tiêu khiển trong ngư, tiều, canh, độc.

Tết rồi, tôi đến thăm ông ở Bệnh viện Quân đội 108 khi nghe tin ông ốm nặng. Hình như vẫn còn nhớ lời hẹn cũ chăng, gặp chúng tôi, ông mang ra một bài thơ và một câu đối mà ông vừa hạ bút để cùng luận bình.

Thấy ông yếu nhiều, yếu nhiều lắm so với lần gặp trước, chúng tôi chúc ông khỏe và đón nhận hai tác phẩm được in ấn cẩn thận bằng sự trân quí cùng những nổi niềm lo âu vời vợi dẫu mùa xuân đang căng phồng nhựa sống. Vẫn chưa hết, hôm sau, ông gửi thư điện tử tặng chúng tôi một bức ảnh mà ông rất thích được chụp tại chương trình thơ nhân dịp Tết Nguyên tiêu tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà ông đã tham gia. Trong ảnh, ông đứng  bên câu đối được viết bằng chữ Quốc ngữ và chữ Hán phóng to, bên trên là cờ Tổ quốc.

Chúng tôi không ngờ đó là câu đối, bài thơ cuối cùng của ông.

Theo Hàn Mặc Tử, thơ là sự phản bội sự bí mật, sâu lắng của lòng mình. Nghe tin ông mất chúng tôi tìm và đọc lại bài thơ ông tặng, mới hay cả cuộc đời ông dành trọn lòng tin yêu vào ngày mai, như mùa xuân không bao giờ lụi tàn, dẫu vô thường bất biến.

“Mạc vị xuân tàn xuân lạc tận. Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” của Mãn Giác Thiền sư đã mách bảo như vậy. Và thơ ông cũng  mách bảo như vậy.  

“Trời hừng sáng rộn ràng
Mây ráng chiều thanh thản
Cả cuộc đời trong sáng      
Chí không để lụi tàn...”

“Lịch sử điểm từng trang
 Hiền tài đâu có cạn
Đường đi càng đúng hướng
Tới đích vượt thời gian...”

Và nữa,

“Tre dìu măng mọc thẳng
 Lá giục mầm lên xanh...”

(Bài: Chí không để lụi tàn).

Hôm đám tang ông trời bỗng dưng dịu lạnh, báo hiệu chuyển mùa, hoa nhiều vô kể. Hoa của tình yêu thương, hoa của lòng kính trọng, hoa của lòng phân ưu. Hoa của hoa và hoa của thơ.

Trong giờ phút trang nghiêm, chúng tôi, những người con đất Quảng xa quê cùng Ban Liên lạc đồng hương Đà Nẵng tại Hà Nội kính cẩn, mặc niệm trong tĩnh tại hướng về di ảnh ông trong trầm hương lan tỏa: Vĩnh biệt ông. Vĩnh biệt một con nguời - một nhân cách lớn.

Hồ Phú Hội

(Ban Liên lạc đồng hương Đà Nẵng tại Hà Nội)

;
.
.
.
.
.