Chính trị - Xã hội

Hưởng ứng ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25-11

Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ

08:08, 25/11/2016 (GMT+7)

“Nổi bật trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) ở huyện Hòa Vang thời gian qua là tình trạng bạo lực “ngầm” không còn nhiều, nghĩa là chị em đã biết lên tiếng. Ngoài ra, nhận thức của cộng đồng về định kiến giới và hành vi bạo lực đối với phụ nữ cũng dần thay đổi”, chị Lê Huyền Trâm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hòa Vang chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh (áo sọc) thành viên Tổ phản ứng nhanh, thôn Cẩm Toại Đông, dành thời gian đến hỏi thăm, tìm hiểu hoàn cảnh chị em hội viên để kịp thời hỗ trợ.
Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh (áo sọc) thành viên Tổ phản ứng nhanh, thôn Cẩm Toại Đông, dành thời gian đến hỏi thăm, tìm hiểu hoàn cảnh chị em hội viên để kịp thời hỗ trợ.

Nam giới tiên phong

Huyện Hòa Vang có hai xã Hòa Phong và Hòa Khương được chọn thí điểm triển khai dự án “Huy động cộng đồng phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại thành phố Đà Nẵng” do Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women) tài trợ. Gần 3 năm qua, nhiều mô hình ra đời góp phần tác động nhận thức của cộng đồng đối với bạo lực, bạo hành phụ nữ ở vùng nông thôn.

Anh Nguyễn Nhỏ, Trưởng thôn Cẩm Toại Đông (xã Hòa Phong), thành viên Câu lạc bộ (CLB) “Nam giới tiên phong trong phòng, chống bạo lực phụ nữ, trẻ em gái” thuộc Hội Nông dân xã chia sẻ, CLB hiện có 25 thành viên là nam giới, thông qua các buổi tập huấn, tuyên truyền, từng thành viên bắt đầu thay đổi nhận thức. “Bản thân tôi khi tham gia CLB, xác định phải tiên phong, thay đổi ở chính gia đình mình, người thân, bạn bè rồi đến khuyên nhủ người khác”, anh Nhỏ tâm sự.

Nhiều thành viên tham gia CLB cũng thừa nhận, nhìn lại thời gian trước, họ khá nặng nề về giới, gia trưởng, đi làm về nếu vợ chưa cơm nước, nhà cửa bề bộn là sẵn sàng “đá thúng, đụng nia”, gây gổ. Bây giờ, họ đã biết phụ giúp vợ lau nhà, bắc nồi cơm nên không khí trong gia đình vui vẻ hơn và từ đó họ có chút “vốn liếng” để đi làm… ông hòa giải.

Chị Nguyễn Thị Thương, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Phong cho biết, hiện trên địa bàn xã có 2 CLB “Nam giới tiên phong trong phòng, chống bạo lực phụ nữ, trẻ em gái” (50 thành viên), 2 CLB “Cha mẹ học sinh phòng, chống BLGĐ” (60 thành viên) và 15 Tổ phản ứng nhanh (15 thôn). Đây là lực lượng nòng cốt tuyên truyền và sẵn sàng có mặt để can thiệp, hòa giải các vụ BLGĐ ở khắp các thôn, xóm. Đối với CLB “Cha mẹ học sinh phòng, chống BLGĐ” dù mới đi vào hoạt động nhưng đã phát huy hiệu quả. Bởi các thành viên trong CLB là các bậc phụ huynh và ông bà có con, cháu trong độ tuổi đi học nên dễ dàng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm dạy dỗ và bảo vệ con cái, nhất là trẻ em gái trước tình trạng bạo lực học đường và xâm hại tình dục.

Nhiều giải pháp hỗ trợ

Trao đổi về công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ trên địa bàn huyện, chị Lê Huyền Trâm chia sẻ, bên cạnh hoạt động tuyên truyền, Hội LHPN các cấp trên địa bàn huyện lồng ghép nội dung này vào các mô hình như: “3 biết, 2 hỗ trợ”, “3 trong 1”, “Gia đình hạnh phúc”… Từ các mô hình này, các chị tìm cách tiếp cận những gia đình có hành vi bạo lực và nguy cơ bạo lực. Ban đầu là đến để biết mặt, biết nhà rồi dần dà biết hoàn cảnh, biết nguyên nhân vì sao dẫn đến bạo hành.

Sau khi xác định được nguyên nhân, các cấp Hội cơ sở tùy từng trường hợp có giải pháp cụ thể. Những trường hợp vì đời sống kinh tế khó khăn dẫn đến mâu thuẫn sẽ được tạo điều kiện cho vay vốn làm ăn, hỗ trợ sinh kế. Khi cuộc sống bớt ngột ngạt bởi cơm áo, gạo tiền, lời qua tiếng lại theo đó cũng giảm. Những trường hợp người vợ bị bạo hành vì “dám” ý kiến chuyện “ăn chơi quá đà” của chồng thì được nhỏ to tâm sự, lúc với chồng, lúc với vợ để họ nhận ra vấn đề.

“Hiện nay, số vụ BLGĐ trên địa bàn huyện giảm hẳn so với trước, nhưng tình trạng BLGĐ cũng vẫn đang diễn biến phức tạp, có những vụ dai dẳng, các tổ phản ứng, hòa giải đành bó tay. Tuy nhiên, điều đáng mừng là chị em đã biết lên tiếng, chia sẻ khi rơi vào tình huống bị bạo lực; nhận thức của cộng đồng, nhất là nam giới đang có chuyển biến. Đó là dấu hiệu tích cực trong công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ trên địa bàn huyện vốn còn nhiều khó khăn”, chị Lê Huyền Trâm nói.

Dự án “Huy động cộng đồng phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại thành phố Đà Nẵng” do UN Women tài trợ, được triển khai tại các xã Hòa Phong, Hòa Khương (huyện Hòa Vang) và phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu). Thời gian đến, Hội LHPN thành phố thực hiện kế hoạch tiếp theo của dự án gồm:  tiếp tục thúc đẩy hoạt động nam giới tiên phong trong phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái thông qua tập huấn, bổ sung các kiến thức và kỹ năng để các thành viên nòng cốt có thể điều hành các buổi sinh hoạt tại cộng đồng; tổ chức sinh hoạt, triển khai các kiến thức tại cộng đồng dân cư; giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình hay đến các ban, ngành và tổ chức liên quan tại huyện Hòa Vang và quận Hải Châu nhằm tạo sự quan tâm, đóng góp, hỗ trợ và cải thiện mô hình can thiệp trên nhóm nam giới của dự án.

Bài và ảnh: HÀ THU

.