.

Không lơ là với "giặc lửa"

.

Nguy cơ cháy nổ vẫn luôn tiềm ẩn ở mức cao, diễn biến phức tạp và có xu hướng tiếp tục gia tăng về số vụ cháy cũng như thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra; đặc biệt là vấn đề thoát nạn ở nhà cao tầng, nhà kinh doanh mặt phố, nhà không có lối thoát nạn thứ hai.

Đó là những cảnh báo của Đại tá Trần Đình Chung, Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Đà Nẵng trước tình hình cháy, nổ thời gian qua.

Diễn tập chữa cháy được các cơ quan chức năng tổ chức thường xuyên, nhưng ý thức về phòng cháy và chữa cháy trong nhân dân vẫn chưa tốt.   				                								                  Ảnh: ĐẮC MẠNH
Diễn tập chữa cháy được các cơ quan chức năng tổ chức thường xuyên, nhưng ý thức về phòng cháy và chữa cháy trong nhân dân vẫn chưa tốt. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Thời gian qua, trên cả nước liên tục xảy ra các vụ cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Điều đáng lo ngại là nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn ở mức cao và dự báo tiếp tục gia tăng. Đại tá Trần Đình Chung, Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) thành phố Đà Nẵng có những chia sẻ về giải pháp giảm đến mức thấp nhất tình trạng cháy nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra.

* Xin ông cho biết về tình hình cháy nổ trên địa bàn Đà Nẵng thời gian qua và dự báo trong thời gian đến?

Đại tá Trần Đình Chung
Đại tá Trần Đình Chung

- Trong 11 tháng đầu năm 2016 (số liệu tính từ 16-11-2015 đến 15-10-2016), trên địa bàn thành phố xảy ra 39 vụ cháy, làm 1 người chết, 7 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 3,9 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2015, số vụ cháy tăng 10 vụ, tăng 1 người chết, tăng 4 người bị thương. Nguyên nhân cháy do chập điện 30 vụ (chiếm 76%), sơ suất trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 6 vụ (chiếm 15%), 3 vụ cháy rừng.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn xảy ra 285 sự cố cháy nhỏ, thiệt hại không đáng kể, không nằm trong chỉ tiêu thống kê vụ cháy. Chủ yếu là cháy cỏ rác ở các khu vực công cộng, cháy trên trụ điện, bảng quảng cáo, các trạm thu phát sóng mạng di động viễn thông và một số sự cố cháy nhà dân. Nguyên nhân chủ yếu là do chập điện và đốt cỏ rác gây cháy lan.

Hiện tại, thành phố còn tồn tại nhiều khu dân cư nằm sâu trong kiệt hẻm, các điều kiện phục vụ chữa cháy hết sức khó khăn, đặc biệt là nguồn nước chữa cháy, ngay trong các khu dân cư vẫn có nhiều cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, hóa chất… tăng cao.

Trong những năm đến, quá trình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố sẽ gia tăng việc đầu tư xây dựng nhiều công trình cao tầng. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực kinh tế tư nhân được hình thành, do điều kiện cơ sở vật chất khó khăn nên việc sử dụng mặt bằng vừa là nơi để hàng hóa, vừa là nơi ở, nhất là các nhà cửa hàng kinh doanh mặt phố sẽ nhiều hơn.

Tình hình trên cho thấy nguy cơ cháy nổ vẫn luôn tiềm ẩn ở mức cao, diễn biến phức tạp và có xu hướng tiếp tục gia tăng về số vụ cháy cũng như thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra; đặc biệt là vấn đề thoát nạn ở nhà cao tầng, nhà kinh doanh mặt phố, nhà không có lối thoát nạn thứ hai.

* Ông vừa nhắc đến thực trạng thoát nạn ở các nhà cao tầng, nhà kinh doanh mặt phố. Cụ thể vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Thành phố Đà Nẵng có 140 ngôi nhà từ 5 tầng trở lên, 40 ngôi nhà từ 10 tầng trở lên, trong đó có 3 tòa nhà “siêu” cao tầng (cao trên 100m) và nhiều trung tâm thương mại, khu phức hợp và khu chung cư cao cấp, nhà ở xã hội. Những nhà cao tầng được xây dựng mới gần đây có thiết kế hiện đại và đầy đủ giải pháp về PCCC như: hệ thống tạo áp buồng thang kín, bố trí đủ cầu thang thoát nạn, lắp đặt cửa chống cháy, hệ thống thông gió, hút khói hành lang, tầng hầm...

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn cùng với quỹ đất hạn chế nên nhiều chủ đầu tư tiết kiệm chi phí PCCC, tăng công năng, diện tích sử dụng, không thực hiện đầy đủ giải pháp về PCCC và thoát nạn như: không thiết kế loại thang N1, trang bị phương tiện, thiết bị PCCC không bảo đảm chất lượng hoặc trang bị đối phó.

Trong các tòa nhà có nhiều đơn vị thuê văn phòng làm việc nhưng đa số các đơn vị này nhầm tưởng trách nhiệm bảo đảm an toàn PCCC là của đơn vị chủ quản. Do vậy, họ thường có tâm lý chủ quan lơ là, chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm dẫn đến nhiều sơ hở, thiếu sót trong công tác PCCC. Một bộ phận không nhỏ nhân viên ý thức chấp hành PCCC còn hạn chế, chưa được tập huấn, sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu. Một số nhà cao tầng, tòa nhà phức hợp, kinh doanh nhiều loại hình dịch vụ như: vui chơi giải trí, văn phòng, chung cư…, lượng người thường xuyên có mặt rất lớn, độ tuổi, giới tính khác nhau. Do vậy, khi xảy ra cháy nổ, việc tổ chức thoát nạn gặp nhiều khó khăn; đặc biệt, trong các căn hộ cao cấp còn thiết kế hệ thống cung cấp khí gas cho từng hộ nên nguy cơ xảy ra cháy nổ luôn thường trực nếu không được kiểm tra, kiểm soát đầy đủ.

* Sau vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng ở quán karaoke tại Hà Nội vừa qua làm 13 người tử vong, thiệt hại tài sản rất lớn, khiến người dân hoang mang, xin ông cho biết thực trạng bảo đảm PCCC ở các cơ sở kinh doanh karaoke, bar tại Đà Nẵng?

- Theo thống kê của Bộ Công an, từ đầu năm 2016 đến nay, cả nước có 23 vụ cháy cơ sở kinh doanh karaoke. Tại Đà Nẵng, hiện nay có 216 cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ karaoke, bar, vũ trường (trong đó, karaoke 210 cơ sở, vũ trường 1 cơ sở, quán bar 5 cơ sở). Đây là loại hình kinh doanh có điều kiện và luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao, khi xảy ra sự cố thường gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Đặc điểm nguy hiểm cháy nổ đối với các cơ sở kinh doanh karaoke bắt nguồn từ chỗ các cơ sở này thường được thiết kế rất kín để tránh tiếng ồn, mặt trước tòa nhà hầu như bị che chắn bởi các biển quảng cáo, điều kiện thông gió gần như không có nên khi xảy ra cháy sẽ gây hiện tượng tụ khói, khó khăn cho việc tổ chức cứu nạn, cứu hộ và chữa cháy. Đặc biệt, do kết cấu vật liệu cách âm và các vật dụng chủ yếu là chất dễ cháy như nệm mút, xốp… nên tốc độ cháy lan rất nhanh, tỏa nhiều khói, khí độc.

Một nguyên nhân khác đến từ việc thay đổi công năng sử dụng từ nhà ở thành cơ sở karaoke nhưng chủ sử dụng không chú ý đến điều kiện bảo đảm an toàn PCCC. Đa số chủ cơ sở kinh doanh karaoke chưa quan tâm bảo đảm an toàn cho chính cơ sở của họ và khách hàng.

Chúng tôi đã chỉ đạo cho các đơn vị phụ trách địa bàn tham mưu UBND quận, huyện có văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp quản lý PCCC đối với cơ sở hoạt động kinh doanh vũ trường, karaoke; rà soát bất cập trong thực hiện quy định pháp luật về PCCC để đề xuất biện pháp xử lý…

Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Đà Nẵng điều tra nguyên nhân vụ cháy tại 151 Đống Đa (quận Hải Châu).
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Đà Nẵng điều tra nguyên nhân vụ cháy tại 151 Đống Đa (quận Hải Châu).

* Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ PCCC, lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố tập trung những giải pháp gì, thưa ông?

- Với dự báo tình hình cháy nổ còn nhiều diễn biến phức tạp, lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố Đà Nẵng xác định mục tiêu phải xây dựng Quy hoạch hệ thống cơ sở PCCC trên địa bàn một cách đồng bộ, hiệu quả nhằm đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ cho quá trình xây dựng và phát triển thành phố.
Trong thời gian đến, đơn vị tập trung những nhiệm vụ trọng tâm gồm tập trung đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC.

Trong đó, tập trung hướng dẫn các kỹ năng thoát nạn trong đám cháy, cách xử lý tình huống ban đầu khi có sự cố cháy nổ và hướng dẫn biện pháp sử dụng điện, gas an toàn… Bên cạnh đó là công tác kiểm tra, củng cố lực lượng PCCC dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở bảo đảm về số lượng và chất lượng, đủ sức xử lý nhanh các tình huống cháy ngay từ ban đầu.

Tiếp tục vận động, khuyến khích người dân tự trang bị phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; nhất là các hộ kinh doanh cá thể, nhà mặt phố liền kề; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về PCCC, bảo vệ tuyệt đối an toàn PCCC cơ sở, địa bàn trọng điểm và các sự kiện chính trị, văn hóa diễn ra trên địa bàn thành phố trong năm 2017; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn PCCC; tổ chức lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng chiến đấu, cứu chữa hiệu quả, chủ động phòng cháy, sẵn sàng chữa cháy, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng.

Để bảo đảm an toàn PCCC đối với chợ và trung tâm thương mại, chúng tôi khuyến cáo mỗi hộ kinh doanh chỉ trưng bày hàng mẫu và hàng bán trong một ngày với số lượng tối thiểu, không để hàng hóa lấn chiếm khoảng cách giữa các lô, sạp đã quy định.

Đối với siêu thị, trung tâm thương mại cần lưu ý bố trí cầu thang thoát nạn riêng biệt, có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho từng tầng, từng khu vực, từng ngành hàng, có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn trên đường và hướng thoát nạn.

Đối với khu dân cư, cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân nêu cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa cháy, nổ cũng như ý thức trách nhiệm vì cộng đồng trong hoạt động PCCC. Đối với nhà ở, không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy ở nơi đun nấu.

Không nên dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà; trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy; khi sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy… phải có người trông coi. Không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị tàn tật, người tâm thần sử dụng các thiết bị điện.

Đối với các công trình cao tầng, cơ quan, tổ chức và cá nhân quản lý công trình cần niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy cơ xảy ra cháy. Nơi đun nấu, nơi được phép sử dụng lửa phải có quy định bảo đảm an toàn PCCC và giải pháp ngăn cháy lan; đồng thời lắp đặt thiết bị bảo vệ (aptomat) cho hệ thống điện của toàn bộ công trình, từng tầng, từng phòng và từng thiết bị điện có công suất lớn.

Đối với người đứng đầu cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, chủ hộ gia đình phải nêu cao ý thức trách nhiệm trong tự kiểm tra an toàn PCCC, tự trang bị các phương tiện chữa cháy, thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, công nhân viên, người lao động, con em trong gia đình tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn PCCC.

Đây là yếu tố cốt lõi, cơ bản góp phần phòng các nguyên nhân gây cháy nổ. Khi có cháy nổ, cần báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC qua số máy 114, hoặc Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ kịp thời, tránh tình trạng khi xử lý không được thì mới gọi lượng lượng Cảnh sát PCCC.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Đến nay, Đà Nẵng có tổng cộng hơn 10.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ lớn nhỏ; 5 khu công nghiệp, dịch vụ; 1 khu công nghệ cao. Trong đó, có 3.699 cơ sở thuộc diện Cảnh sát PCCC thành phố quản lý về PCCC (1.928 cơ sở nguy hiểm cháy nổ) với khoảng 140 nhà cao tầng, khách sạn từ 5 tầng trở lên, 84 chợ, 7 cụm kho và 93 cửa hàng và 27 tàu kinh doanh xăng dầu, hàng trăm cửa hàng kinh doanh gas... Ngoài ra, thành phố có 53.000ha rừng, nhiều trụ sở làm việc của các văn phòng cơ quan Trung ương, chính quyền, doanh nghiệp, khu vui chơi, giải trí, khu nghỉ dưỡng nghỉ cao cấp... và các công trình trọng điểm quốc gia như hầm đường bộ Hải Vân, trạm biến áp 500kV.

ĐẮC MẠNH thực hiện

;
.
.
.
.
.