.

Kiến tạo sông Hàn thành tài sản vô giá

.

ĐNĐT - Ngày 24-11, Hội đồng tuyển chọn của Ban tổ chức cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch và thiết kế cảnh quan hai bên bờ sông Hàn” nghe các tác giả, nhóm tác giả thuyết trình đồ án dự thi. Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tham dự cuộc thẩm định chất lượng các đồ án.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu chào mừng các đơn vị tư vấn thiết kế quốc tế dự thi. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu chào mừng các đơn vị tư vấn thiết kế quốc tế dự thi. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Phát biểu chào mừng các đơn vị tham gia cuộc thi, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nói: “Đây là cuộc thi đặc biệt bởi chính quyền thành phố đã mời gọi nhiều đơn vị tư vấn thiết kế trong và ngoài nước tham gia quy hoạch cảnh quan sông Hàn… Cuộc thi có quy mô quốc tế và sự tham gia của các đơn vị tư vấn thiết kế trong cuộc thi này là sự gặp gỡ của trái tim yêu sông Hàn, yêu Đà Nẵng. Mỗi cái chạm nhẹ vào dòng sông Hàn là chạm đến trái tim. Đây là dịp để những người quan tâm, yêu mến thành phố thể hiện cảm xúc, thăng hoa nhiều ý tưởng và cùng nhau dệt nên bức tranh hiện đại, kiến tạo cảnh quan thiên nhiên sông Hàn thành giá trị, tài sản vô giá”.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chia sẻ thêm: “Sông Hàn là tài sản thiên nhiên quý giá, nên việc tiếp cận quản lý, đầu tư phát triển đô thị phải được tôn trọng, gìn giữ, không phí phạm để sau này không phải hối tiếc và cũng không có cơ hội sửa chữa”.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nêu quan điểm tiếp cận, ứng xử trong quy hoạch và thiết kế kiến trúc sông Hàn là sử dụng không gian đô thị hợp lý để tạo dựng sản phẩm chất lượng kiến trúc lâu bền, phát huy tính truyền thống lịch sử - văn hóa địa phương, gắn kết với thiên nhiên hình thành không gian kiến trúc hiện đại, tạo sự phát triển kinh tế bền vững của đô thị Đà Nẵng.

Lãnh đạo thành phố chúc mừng các đơn vị tham gia dự thi. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Lãnh đạo thành phố chúc mừng các đơn vị tham gia dự thi. Ảnh: TRIỆU TÙNG

PGS-TS-KTS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc đô thị quốc gia, Thư ký Hội đồng tuyển chọn chia sẻ: Sông Hàn của Đà Nẵng luôn gợi nhiều cảm xúc nên các thành viên trong Hội đồng tuyển chọn đã đầu tư đề bài, chia sẻ thông tin dữ liệu, tạo sức hút để giới kiến trúc trong nước và quốc tế tham gia.

Bà Loan cho biết, 7 nhóm tác giả tham gia đồ án dự thi hiện là những đơn vị tư vấn thiết kế hàng đầu, có chất lượng chuyên môn cao. Sông Hàn thực sự là cơ duyên kết nối nhiều trái tim yêu Đà Nẵng.

Tại buổi thuyết trình, nhóm tác giả gây ấn tượng khi trình bày đồ án có chủ đề “Sông Hàn xanh”, với hình ảnh một sông Hàn riêng biệt, khác biệt so với những dòng sông trên thế giới.

Một đồ án khác tiếp cận sông Hàn theo hướng hiện đại, đưa sông Hàn thành cột sống của một đô thị phát triển trước những thách thức về đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Điểm mạnh của đồ án thiết kế quy hoạch kiến trúc này là gắn kết giữa hiện đại và truyền thống khi đưa Đà Nẵng chạm ngõ với bức tranh phong cảnh từ phía Hội An, kiến tạo một vùng đệm làng mạc thanh bình phía xa nơi thượng nguồn sông Cầu Đỏ có những con nước êm đềm…

Những vùng quy hoạch, thiết kế kiến trúc cảnh quan được định hình dù chưa có sự thống nhất về xử lý chất liệu tự nhiên gắn với giải pháp công trình nhưng tiếng nói chung, cái nhìn chung là hình thành sông Hàn thành dòng sông cảnh quan có không gian chung cho cộng đồng, không gian lễ hội, công viên…

Một đồ án gây ấn tượng về việc kiến tạo sông Hàn thành tấm bưu thiếp cảnh quan của Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Một đồ án gây ấn tượng về việc kiến tạo sông Hàn thành tấm bưu thiếp cảnh quan của Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Một gợi mở cho quy hoạch và thiết kế kiến trúc cảnh quan sông Hàn được đề xuất là sông Hàn không cần làm thêm cầu ngang bởi hiện tại dòng sông đang mang nhiều công trình trình kiến trúc có chất lượng, đó là những cây cầu, những tòa tháp cao tầng - những điểm nhấn kiến trúc của thành phố.

Qua đó, một thông điệp được gửi gắm là hãy để sông Hàn có bản sắc, sinh thái và nhân văn, để sông Hàn có không gian mà ở đó thu vào tầm mắt là một bức phong cảnh tươi đẹp. Sông Hàn phải là tấm bưu thiếp sang trọng mời chào.

Sinh cảnh công viên làng quê ở thượng nguồn sông Hàn
Sinh cảnh công viên làng quê ở thượng nguồn sông Hàn trong một đồ án. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Một ý tưởng khác ví sông Hàn tựa cuốn sách mở với: Hành lang xanh - Kết nối xanh - Công trình xanh. Chủ đồ án cũng gợi mở về ý tưởng đầu tư phát triển mảng xanh cho dòng sông Hàn thông qua “Quỹ cây xanh”. Theo đó, vùng quy hoạch sẽ thực hiện xã hội hóa phát triển cây xanh, công trình xanh… thông qua tính phí m2 diện tích công trình xây dựng để hỗ trợ quỹ; tạo sự đồng thuận trong xã hội về giá trị kinh tế mà tài nguyên và cảnh quan xung quanh đem lại chung cho cộng động, trong đó có cả nhà đầu tư.

Được biết, sau 12 ngày chính thức công bố cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng, cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch và thiết kế kiến trúc cảnh quan hai bên bờ sông Hàn” đã thu hút đông đảo các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước đăng ký dự thi. Tổng cộng 39 hồ sơ đăng ký dự thi, với cơ cấu như sau: 13 hồ sơ của Việt Nam, trong đó có 4 hồ sơ từ thành phố Đà Nẵng; 12 hồ sơ của các liên danh quốc tế và Việt Nam; 14 hồ sơ quốc tế và liên danh quốc tế.

Cơ cấu theo châu lục - quốc gia cơ bản như sau: châu Âu có 13 hồ sơ đến từ các quốc gia: Pháp, Đức, Ireland, Bỉ, Tây Ban Nha, Ý, Đan Mạch; châu Úc: 2 hồ sơ; châu Á (không kể Việt Nam): 11 hồ sơ, đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Malaysia .

Trong số các đơn vị đăng ký, xuất hiện nhiều đơn vị có tên tuổi và uy tín trên thế giới, nhiều đơn vị từng hoạt động mạnh mẽ tại Việt Nam; đồng thời xuất hiện nhiều đơn vị mới, nhiều nhóm tư vấn trẻ nhiệt huyết và năng động. Cuộc thi cũng thu hút nhiều đơn vị tư vấn lớn của Việt Nam và Đà Nẵng.

Kết quả sau 2 vòng xét chọn, lấy ý kiến và bỏ phiếu, Hội đồng đã thống nhất chọn 12 đơn vị tư vấn có năng lực tốt nhất và phù hợp nhất đối với cuộc thi. Kết thúc cuộc thi có 7 đồ án tham gia dự thi.

"Cuộc thi đã tập hợp được nhiều phương án, ý tưởng mới, táo bạo, độc đáo thiết thực và có tính khả thi. Phần lớn các phương án đều tổ chức không gian công trình dịch vụ công cộng, du lịch đang xen nhau mà chưa tổ chức hình thành từng cụm chức năng khác biệt và không, hoặc ít có quan hệ với nhau như: chức năng dịch vụ, thương mại du lịch với giáo dục, hành chính, nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu quy hoạch, thiết kế kiến trúc cảnh quan sông Hàn cần đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật và không gian vệt trục trung tâm đô thị…"

KTS Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.