Ngày 1-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận các nội dung liên quan đến vấn đề về tài chính, ngân sách, đầu tư công…
Cụ thể, sáng 1-11, Quốc hội thảo luận về Kế hoạch tài chính 5 năm; Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sẽ phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều 1/11, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Về Báo cáo Kế hoạch tài chính 5 năm, Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước 5 năm 2011-2015 và định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội được trình bày trong phiên họp toàn thể chiều ngày 20/10 khẳng định thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân các mặt hạn chế của việc thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước 5 năm (2011-2015).
Đồng thời, Báo cáo cũng nêu lên những vấn đề cụ thể liên quan đến Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, trong đó về các giải pháp cơ bản, Ủy ban cơ bản tán thành với nhiều nhóm giải pháp thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm đề ra trong Báo cáo của Chính phủ và nhấn mạnh thêm một số giải pháp như: cần triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp về quản lý ngân sách Nhà nước; hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế; quản lý chặt chẽ chi ngân sách Nhà nước; quản lý chặt chẽ bội chi; đa dạng hóa các kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chú trọng tái cơ cấu đầu tư công; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước…
Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ trình Quốc hội vào chiều 20/10 nêu rõ mục tiêu đầu tư giai đoạn 2016-2020 là: thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển nền kinh tế, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020) và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020).
Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cũng nêu lên những nhóm giải pháp lớn, trong đó có huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Thu hút tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020) và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020). Tăng cường quản lý đầu tư công, trong đó có tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội được trình bày trong phiên họp toàn thể tại hội trường chiều 20/10 khẳng định cơ bản tán thành với những nhận định về thuận lợi, khó khăn, thách thức trong huy động, quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 được thể hiện trong Báo cáo của Chính phủ và cho rằng, Chính phủ cần tính đến các phương án, có kịch bản cụ thể, khả thi, bảo đảm huy động đủ nguồn lực cho đầu tư song hạn mức vay nợ không được vượt ngưỡng cho phép; sát sao trong điều hành để khắc phục yếu kém, hạn chế trong sử dụng vốn vay; có giải pháp cơ cấu lại nợ; bảo đảm ổn định các chỉ số vĩ mô về nợ công và an ninh tài chính quốc gia.
Về giải pháp, Ủy ban cơ bản đồng tình với các giải pháp thể hiện trong Báo cáo của Chính phủ, đồng thời lưu ý Chính phủ một số nội dung như: Việc phân bổ vốn vay cần căn cứ vào kế hoạch, chiến lược phát triển, tuân thủ nguyên tắc, thứ tự ưu tiên đã được xác lập, tạo căn cứ cho việc điều chỉnh, cắt giảm đầu tư để giữ vững chỉ tiêu giới hạn nợ trong trường hợp các chỉ số vĩ mô không đạt kế hoạch đề ra. Việc phê duyệt các công trình, dự án sử dụng vốn vay cần được xem xét thận trọng hơn trên cơ sở giới hạn mức vay nợ, cân nhắc tính cấp thiết, hiệu quả của từng công trình, dự án. Cần kiểm soát các khoản nợ tiềm ẩn phát sinh từ nợ của khu vực doanh nghiệp Nhà nước có nguy cơ chuyển thành nợ công...
Chinhphu.vn