.
PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI THUỐC LÁ

Đủ chiêu lách luật để bán thuốc, hút thuốc

.

Đến thời điểm hiện nay, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã có hiệu lực hơn 3 năm nhưng những điều “nghiêm cấm” trong luật vẫn chưa thể thực hiện, nếu không muốn nói là thực hiện... không nổi.

Đủ chiêu lách luật để quảng cáo thuốc lá. TRONG ẢNH: Tủ quảng cáo thuốc lá trong quán cà-phê.
Đủ chiêu lách luật để quảng cáo thuốc lá. TRONG ẢNH: Tủ quảng cáo thuốc lá trong quán cà-phê.

Điều 9 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có quy định rất rõ về các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu; quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị trực tiếp thuốc lá tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức.

Thế nhưng, không khó kiểm chứng những điều này khi trên địa bàn thành phố cũng như tất cả địa phương trên cả nước, hầu như ở quán cà-phê, nhà hàng, và nhất là quán nhậu nào cũng đều xuất hiện nhan nhản những “chân dài thuốc lá” nhiệt tình đi bán-tiếp thị sản phẩm thuốc lá. Đối tượng hút thuốc chủ yếu là nam giới nên các nhà kinh doanh thuốc lá tuyển dụng đội ngũ đông đảo những cô gái trẻ, có ngoại hình đẹp, được huấn luyện kỹ năng thuyết phục khách hàng dùng sản phẩm.

Theo tâm sự của nhiều nam giới là những “tín đồ thuốc lá”, trong lúc ngồi cà-phê hay quán nhậu mà bên cạnh có một “chân dài” nhỏ nhẹ tiếp chuyện, rồi tặng bật lửa, móc chìa khóa xinh xinh... thì việc mua bao thuốc là điều gần như tất yếu. Thậm chí, nhiều hãng thuốc lá còn “vẽ” ra một số trò chơi đố vui có thưởng nho nhỏ ngay tại bàn cà-phê, bàn nhậu để khách trả lời...

Và bao giờ cũng vậy, kết thúc là khách được thưởng những đồ vật không mấy giá trị, nhưng khách lại bỏ tiền mua một gói về... hút thử. Cứ như vậy, gần như đội ngũ “chân dài thuốc lá” từng ngày, từng giờ “nhét” thuốc lá vào tay “thượng đế”, để rồi người chưa hút thì tập hút, người hút rồi thì hút cho đến khi... nghiện.

Đặc biệt, nhà kinh doanh thuốc lá bao giờ cũng có chính sách ưu tiên với những quán cho nhân viên tiếp thị vào hoạt động. Phổ biến là hình thức trang bị bàn ghế, ly, gạt tàn thuốc, đèn trang trí, tranh ảnh đẹp, lạ và độc. Còn với những nhà hàng, quán nhậu lớn, có lượng tiêu thụ thuốc lá tốt, cuối năm có một chuyến du lịch tặng cho chủ quán cũng là điều phổ biến.

Điều đáng ngạc nhiên là trong khi các hãng thuốc lá ngang nhiên vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thì gần như chẳng có doanh nghiệp nào hoặc “chân dài thuốc lá” nào bị xử phạt. Theo bác sĩ Võ Thu Tùng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Sở Y tế Đà Nẵng - cơ quan thường trực thực hiện công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại thành phố, đến nay vẫn chưa có trường hợp nào bị xử phạt về hành vi này.

Ngay cả hành vi hút thuốc nơi công cộng cũng chưa có trường hợp nào ở thành phố bị xử phạt. Cũng theo bác sĩ Thu Tùng, luật chủ yếu nhằm bảo vệ những người không hút thuốc, chứ chưa phải là “cấm hút thuốc lá”. Vì thế, không riêng Đà Nẵng, hầu hết các địa phương trên cả nước vẫn còn ưu tiên công tác tuyên truyền là chính.

Cũng trong Điều 9 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có nêu: Nghiêm cấm hành vi người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán, thuốc lá. Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá. Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Thế nhưng, thực tế có thể nói sự vi phạm diễn ra tràn lan, xảy ra ở đủ mọi thành phần, lứa tuổi, vị trí công việc. Trên địa bàn thành phố cứ “ra ngõ gặp quầy bán thuốc lá”, thậm chí trước cửa, trong căng-tin bệnh viện, trường học... đều có bán thuốc lá. Đặc biệt, đáng lo ngại là cả người bán, người mua, người sử dụng chẳng mấy ai quan tâm đến mốc 18 tuổi như luật quy định.

Chính vì vậy, hình ảnh các em học sinh cấp 1, cấp 2 đi mua thuốc cho người lớn vẫn có. Ngay cả phim ảnh cũng “chung tay” vi phạm, khi có khá nhiều hình ảnh trên màn hình người lớn vô tư phì phà điếu thuốc, cho dù vợ con ngồi xung quanh.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.