Chính trị - Xã hội

PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI THUỐC LÁ

Tác hại từ khói thuốc lá

08:24, 28/11/2016 (GMT+7)

Đúng hẹn vào buổi chiều đầu tháng 11, chúng tôi đến Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng để gặp một “nhân chứng sống” đang phải chịu nỗi ám ảnh kinh khủng của khói thuốc. Khi chúng tôi đến, “nhân vật” đã ngồi trên chiếc ghế đá ở góc sân bệnh viện, gương mặt người vợ thất thần trước tai ương do thuốc lá ập đến, còn người chồng-bệnh nhân trong quá trình xạ trị thì trầm ngâm ngồi cạnh vợ và... rít từng hơi thuốc dài vì “thèm quá chịu không nổi”!

Cấm thì cấm, hút thì hút... TRONG ẢNH: Hút thuốc trước căng-tin Ga Đà Nẵng.
Cấm thì cấm, hút thì hút... TRONG ẢNH: Hút thuốc trước căng-tin Ga Đà Nẵng.

Chị kể đúng 3 năm trước chứng kiến giờ phút cha ruột trút hơi thở cuối cùng tại Khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng, tấm thân gầy gò của cha cứ  gồng lên sau mỗi hơi thở vì cổ họng như bị ai bóp chặt do căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Vậy mà giờ đây, chồng chị lại dính căn bệnh giống cha ngày nào. Đã vậy, anh còn thêm bệnh ung thư dạ dày. “Tôi sợ! Khi nghĩ đến hình ảnh chồng rồi sẽ giống ba tôi trước đây”, chị nói như khóc.

Trong những dãy hành lang dài ở Bệnh viện Ung bướu, tôi không bắt gặp bất kỳ một bệnh nhân hay người nhà nào cầm điếu thuốc trên tay, vì nội quy ở bệnh viện là “cấm tiệt” thứ “chết chóc” đó. Thế nhưng, ở dưới chân những chiếc ghế đá đặt khắp nơi trong khuôn viên bệnh viện này lại đầy những tàn thuốc! Mang điều này hỏi bác sĩ Nguyễn Thị Hằng, Khoa Xạ trị thì chỉ nhận được cái lắc đầu ngao ngán: Trong phòng cấm nên họ ra ngoài hút đó nhà báo ơi! Rất nhiều bệnh nhân bị ung thư vô đây khi khai thác bệnh sử thì đều khai có “thâm niên” cả chục, hoặc vài chục năm hút thuốc lá.

Nhiều người mới ung thư giai đoạn đầu, tức là cơ hội chữa hết bệnh hoàn toàn rất cao nhưng không ít người, nhất là những người từ 60 tuổi trở lên chọn cách thà chịu chết chứ không chịu bỏ thuốc (!?). Bên cạnh đó, có không ít bệnh nhân hoàn toàn tin tưởng vào chức năng đầu lọc của điếu thuốc và cho rằng đầu lọc sẽ loại bỏ độc tố trong điếu thuốc nên... cứ hút vô tư. Đây là điều đáng báo động. Bởi lẽ, nếu hút thuốc không có đầu lọc, độc tố sẽ “ào ạt” vào cơ thể, vì vậy tác hại thấy rất rõ. Nhưng với thuốc lá có đầu lọc, nhiều phân tử độc tố rất nhỏ lọt vào cơ thể và chui sâu vào nội tạng người hút nên bệnh đến chậm hơn, lại khó phát hiện, cơ hội thoát bệnh cũng nhỏ đi rất nhiều.

Câu chuyện bệnh nhân “không sợ chết vì thuốc lá” cũng là điều làm cho những bác sĩ ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi thành phố đau đầu trong công tác điều trị. Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Huy, Phó khoa Hồi sức Cấp cứu, có đến gần 50% các ca cấp cứu tại bệnh viện rơi vào bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Một người bị ung thư phổi chưa chắc chỉ do nguyên nhân hút thuốc lá gây nên, tuy nhiên 100% bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là người hút thuốc lâu năm. Đây là căn bệnh không thể điều trị dứt. Thế nhưng, rất nhiều bệnh nhân không chịu hợp tác điều trị mà cứ tìm mọi cách tiếp tục hút thuốc.

Còn theo các điều dưỡng của bệnh viện này, việc nhắc nhở bệnh nhân không được hút thuốc vất vả hơn cả công việc chuyên môn. Do khuôn viên bệnh viện khá rộng, lại có nhiều cây xanh và thảm cỏ nên nhiều bệnh nhân cứ lên cơn nghiện lại rời giường bệnh ra đây hút thuốc. Đến bệnh viện, chúng tôi cũng phát hiện cảnh hai bệnh nhân cùng bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tranh thủ hít lấy hít để những điếu thuốc lá vừa mua được. Tâm sự với chúng tôi, một bệnh nhân cho rằng, cũng chỉ vì thuốc lá mà vợ bỏ đi khi đứa con sinh ra bị đục thủy tinh thể mà các bác sĩ cho rằng do người mẹ hút thuốc lá thụ động lúc mang thai.

Gần như “đoạn kết” của những người có thời gian hút thuốc lâu năm đều gặp nhau tại các bệnh viện. Rất nhiều câu chuyện đau lòng, hối tiếc từ những tâm sự trong những tháng ngày đau đớn vì bệnh tật. Thế nhưng, lại có quá ít người đoạn tuyệt hoàn toàn với cái khói thuốc chết chóc này.

Bài và ảnh: Trần Luân Sơn

.