Ngày 4-11, Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại hội trường về Kết quả giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.”
2.061 xã đạt tiêu chí nông thôn mới
Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt những kết quả quan trọng.
Đến ngày 31-12-2015, cả nước có 1.526 xã (chiếm 17,1% tổng số xã) đạt tiêu chí nông thôn mới, bình quân tiêu chí/xã là 12,9 tiêu chí, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010. Đến nay, 2.061 xã (chiếm 23%) đã đạt tiêu chí nông thôn mới, 27 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới. Sau 5 năm thực hiện, các tiêu chí Chương trình xây dựng nông thôn mới được cải thiện rõ rệt, có mức tăng tích cực so với năm 2011. Một số tiêu chí đạt cao như quy hoạch (98,74%), an ninh trật tự (93,7%), điện (82,38%), giáo dục (77,86%), thủy lợi (61,37%), thu nhập (56,48%)... Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống 8,2% năm 2015 (bình quân giảm 1,84%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,07% năm 2011 xuống còn dưới 28% năm 2015. Riêng những xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên đạt 28,4 triệu đồng năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% xuống còn 3,6%.
Trong 5 năm, cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỷ đồng. Quốc hội đã phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ cho Chương trình giai đoạn 2014-2016 là 15.000 tỷ đồng.
Thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển khu vực nông thôn
Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ cần tiếp tục theo dõi việc áp dụng Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, để kịp thời sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới; xây dựng bộ tiêu chí nâng cao làm cơ sở để các địa phương áp dụng cho các xã đã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới. Các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình cần được ban hành kịp thời, đồng bộ; hướng dẫn cụ thể, đầy đủ các biểu mẫu báo cáo, chỉ tiêu thống kê để có sự thống nhất trong số liệu báo cáo từ Trung ương đến địa phương. Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến nông nghiệp, nông thôn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản; ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ đọng trước khi bố trí vốn cho các dự án khởi công mới; xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm trước năm 2019, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới. Các địa phương tự cân đối ngân sách (trừ tỉnh Quảng Ngãi) phải chủ động sử dụng ngân sách địa phương để cơ bản xử lý dứt điểm số nợ đọng trước tháng 6 năm 2018. Không cho phép doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư, thi công dự án nông thôn mới khi chưa được bố trí vốn. Bổ sung tiêu chí về nợ đọng xây dựng cơ bản trong việc thẩm định và xét công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới.
Đối với nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh sau khi có Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, cần làm rõ để xác định trách nhiệm người đứng đầu địa phương đã để xảy ra nợ đọng. Kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định trong thực hiện Chương trình. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào dịch vụ và hạ tầng nông nghiệp nông thôn.
Ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển khu vực nông thôn, chính sách khuyến khích đặc biệt cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; gắn kết 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học). Phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong việc thực hiện một số dịch vụ công. Đổi mới chính sách về đất đai để vừa tích tụ ruộng đất cho sản xuất tập trung quy mô lớn vừa bảo đảm quyền sử dụng đất của người dân. Có chính sách thực hiện hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.
B.T