.

Tạo động lực, môi trường thuận lợi thúc đẩy du lịch phát triển

.

Thống nhất với quan điểm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngày 8-11, thảo luận tại tổ về dự án Luật Du lịch (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Du lịch nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay.

Đại biểu Phạm Phú Quốc cho rằng, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, có tính dự báo hướng tới 10-20 năm tới nên Luật phải có tác động hướng tới dự báo sẽ phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Cụ thể, đại biểu đề nghị cần cập nhật các quan điểm, mục tiêu, giải pháp chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

Nói về điều kiện kinh doanh lữ hành quy định tại Điều 32 dự thảo Luật, các ý kiến cho rằng hoạt động kinh doanh lữ hành là một dạng kinh doanh có điều kiện, phải được cấp phép, vì liên quan đến con người, ngoại giao, an ninh quốc gia nhưng những quy định trong dự thảo còn khá mở và đơn giản. Người hoạt động kinh doanh lữ hành phải am hiểu về hoạt động lữ hành, hiểu tính chất hoạt động du lịch và phải có kiến thức pháp luật, kiến thức xử lý các tình huống có liên quan, phải được đào tạo.

Nhìn nhận chất lượng hướng dẫn viên Việt Nam hiện nay không đồng đều, tình trạng thiếu hụt hướng dẫn viên ở một số khu vực vào một số mùa cao điểm là có, khẳng định hướng dẫn viên quyết định đến 60-70% thành công của các tour, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng nếu các công ty thành lập ra, nhận tour, nhưng không có hướng dẫn viên, khi phục vụ cho khách lại ký hợp đồng với một hướng dẫn viên bất kỳ, không phải hướng dẫn viên cơ hữu sẽ dẫn đến nguy cơ khách không được phục vụ tốt.

Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Phạm Phú Quốc cho rằng kinh doanh lữ hành là ngành kinh doanh có điều kiện, tổng hợp của các dịch vụ, kết nối và có doanh thu lớn, dễ tổ chức nên cần quy định để thể hiện được quy mô của lữ hành, đảm bảo được số lượng nhân sự, số hướng dẫn viên có chuyên môn nghiệp vụ, để doanh nghiệp mang dáng dấp vững vàng. Khi cho phép thành lập doanh nghiệp lữ hành phải có quy mô và đủ các điều kiện liên quan, bảo đảm chất lượng.

Nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình với quy định xếp hạng chất lượng cơ sở lưu trú theo nguyên tắc tự nguyện. Hiện ở Việt Nam, các cơ sở lưu trú du lịch phát triển nhanh, nhiều, đặc biệt ở các khu vực trọng điểm về du lịch. Nhiều người bỏ tiền xây dựng khách sạn phục vụ cho du lịch. Tuy nhiên, sự tự giác, tinh thần trách nhiệm để gắn kết và cùng xây dựng cho ngành phát triển là chưa tốt. Để bảo đảm xây dựng du lịch Việt Nam có chất lượng, phát triển bền vững, lâu dài và xây dựng được thương hiệu du lịch Việt Nam liên quan đến mảng lưu trú, đại biểu đề xuất phải có những yêu cầu bắt buộc xếp hạng để tránh quảng cáo sai chất lượng dịch vụ, có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở, đánh đồng cơ sở được xếp hạng với những cơ sở không được xếp hạng, tự mạo nhận, ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu du lịch trong thời gian tới.

Theo Vietnamplus.vn

;
.
.
.
.
.