.

Từ ý tưởng đến hành động

.

Tin học hóa quy trình cấp giấy phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu ô-tô, xe gắn máy không nhằm mục đích thương mại; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án; bố trí thêm Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện Hòa Vang tại UBND xã Hòa Sơn… là những ý tưởng cải cách hành chính (CCHC) lọt vào vòng chung khảo cuộc thi “Công chức, viên chức, người lao động thành phố Đà Nẵng với CCHC”, do Công đoàn Viên chức thành phố phối hợp Sở Nội vụ tổ chức.

Công đoàn Cục Hải quan thành phố đề xuất ý tưởng “Tin học hóa quy trình cấp giấy phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu ô-tô, xe gắn máy không nhằm mục đích thương mại” với mục tiêu tiết kiệm thời gian và chi phí thực hiện. (Ảnh do đơn vị cung cấp)
Công đoàn Cục Hải quan thành phố đề xuất ý tưởng “Tin học hóa quy trình cấp giấy phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu ô-tô, xe gắn máy không nhằm mục đích thương mại” với mục tiêu tiết kiệm thời gian và chi phí thực hiện. (Ảnh do đơn vị cung cấp)

Tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân

Nhằm đẩy nhanh thời gian cấp phép, tránh tình trạng di chuyển nhiều lần của tổ chức, cá nhân xin cấp phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu ô-tô, xe gắn máy, nhóm tác giả Nguyễn Tiến Thành và Trần Thị Mỹ Hạnh (Công đoàn Cục Hải quan thành phố) đề xuất thực hiện việc khai báo trước thông tin xin cấp phép và gửi file hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu qua mạng Internet để cán bộ, công chức (CBCC) Hải quan có cơ sở kiểm tra và hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân thực hiện.

Theo đó, hồ sơ xin cấp phép sẽ được tiếp nhận ngay lập tức sau khi nhận được khai báo của đối tượng xin cấp phép. Trên cơ sở này, nếu hồ sơ chưa hợp lệ, công chức Hải quan sẽ phản hồi thông tin hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ cho đến khi hồ sơ hợp lệ.

Nếu hồ sơ hợp lệ, công chức Hải quan sẽ yêu cầu đối tượng xin cấp phép nộp hồ sơ chính thức lên Cục Hải quan (đây là quy định bắt buộc) để sử dụng cho việc thực hiện việc xác minh với các cơ quan có liên quan rồi mới thực hiện cấp phép. Đối tượng xin cấp phép chỉ đến Cục Hải quan một lần duy nhất để thực hiện đối chiếu hồ sơ giấy (bản chính thức) và bản khai điện tử.

Mọi hướng dẫn thủ tục được trao đổi phản hồi trực tiếp qua lại giữa cơ quan Hải quan và đối tượng xin cấp phép thông qua chương trình phần mềm có sẵn. Nhóm tác giả trên khẳng định, việc khai báo trước thông tin này sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí thực hiện cho cả đối tượng nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe cũng như cơ quan Hải quan.

Trong khi đó, để CCHC hiệu quả, tác giả Nguyễn Thị Bàng (Công đoàn Tòa án Nhân dân thành phố) đề xuất tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án với yêu cầu mỗi cán bộ Tòa án nói chung là phải thành thạo trong việc sử dụng các ứng dụng tin học, các phần mềm để phục vụ tốt công việc. Đồng thời, đưa công nghệ thông tin vào mọi hoạt động của Tòa án từ khâu nhận đơn thư, hồ sơ tài liệu đến việc thụ lý, giải quyết hồ sơ án và lưu trữ hồ sơ trên cơ sở dữ liệu; tiến hành số hóa hồ sơ đầu vào, số hóa việc phân công án cho Thẩm phán, bảo đảm tính công bằng, khách quan, tránh được tình trạng thiên vị (phân án dễ hay khó cho thẩm phán nào), góp phần tránh tình trạng tiêu cực, chạy án.

Ngoài ra, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức và công dân khi thực hiện dịch vụ hành chính công, tác giả Trần Đại Lâm (Công đoàn Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng) đề xuất ý tưởng “Bố trí cơ sở 2 của Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện Hòa Vang tại UBND xã Hòa Sơn”.

Giải pháp này hướng đến mục tiêu rút ngắn quãng đường, thời gian di chuyển, công sức và kinh phí của công dân, tổ chức khi sử dụng các dịch vụ hành chính công thuộc thẩm quyền cung cấp của UBND huyện Hòa Vang.

Một khi Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện Hòa Vang (cơ sở 2) chính thức đi vào hoạt động, công tác giải quyết thủ tục hành chính cho công dân, tổ chức được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông với quy trình cụ thể, minh bạch.

Thay đổi tác phong, lề lối làm việc của CBCC

11 ý tưởng lọt vào vòng chung khảo cuộc thi “Công chức, viên chức, người lao động thành phố Đà Nẵng với CCHC” đã đưa ra những giải pháp mang tính khả thi cao, có thể áp dụng vào thực tế. Trong đó, có những ý tưởng nhấn mạnh đến yếu tố nhân lực, tức là những “công bộc” của dân- những người thường xuyên tiếp xúc với tổ chức, công dân đến giao dịch dịch vụ hành chính công. Công đoàn Cục Thuế thành phố cho rằng mỗi CBCC khi thực hiện nhiệm vụ phải nhận thức đầy đủ các quy định về văn hóa ứng xử, đạo đức công vụ. Đặc biệt, khi thực hiện nhiệm vụ phải đồng hành hưởng ứng, bám sát các chủ trương chung của thành phố; phải quán triệt chủ trương cải cách, chấp nhận sự thay đổi có lợi cho nước, cho dân. Chính thái độ lắng nghe dân, trọng dân và sự chuyên nghiệp, tận tâm của mỗi CBCC sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan quản lý Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Tác giả Nguyễn Thị Thanh Hải (Công đoàn Văn phòng Thành ủy) khẳng định, con người là nhân tố quyết định mọi vấn đề. Những chủ trương, đường lối đúng đắn đều chỉ là lý thuyết nếu con người không vận dụng nó vào thực tiễn. Vì vậy, để tạo sự thay đổi trong công tác CCHC, trước hết cần đổi mới về tư duy; thay đổi lề lối làm việc, tác phong công tác, cách làm, cách hành động từ chính những con người đang trực tiếp làm việc trong nền hành chính Nhà nước. “Bằng những hành động nhỏ bé của mỗi người CBCC, bằng chính niềm tin, sự quyết tâm, đồng lòng của một tập thể lớn, tôi tin rằng chúng ta sẽ sớm xây dựng được một nền hành chính trong sạch, vững mạnh. Mỗi người CBCC của chúng ta như một viên gạch nhỏ và nhiều viên gạch “chắc, đẹp” như vậy sẽ giúp chúng ta xây dựng được một mái nhà chung vững chãi, bền đẹp với hy vọng rằng mỗi người CBCC hãy tự vươn lên, đội ngũ sẽ vươn lên, khi đó bộ máy hành chính của chúng ta sẽ vững mạnh, phát triển và thành công”, tác giả Nguyễn Thị Thanh Hải nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Ban tổ chức cuộc thi “Công chức, viên chức, người lao động thành phố Đà Nẵng với CCHC”, 11 ý tưởng lọt vào vòng chung khảo đều mang tính khả thi cao, có thể áp dụng vào thực tiễn công việc của các cơ quan, đơn vị. Và điều đó cũng cho thấy sự đầu tư kỹ lưỡng, đầy trách nhiệm của những đơn vị dự thi. Đây chính là sự thành công của cuộc thi lần này và là tiền đề để Công đoàn Viên chức có thể triển khai những cuộc thi tương tự trong thời gian đến nhằm góp phần chung tay cùng chính quyền thành phố thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, hướng đến xây dựng một chính quyền vì dân phục vụ.

Nguyễn Thị Tuyết Nhung

;
.
.
.
.
.