.

Vì bữa ăn an toàn

.

Thời gian qua, Ban chỉ đạo (BCĐ) liên ngành về An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thành phố triển khai nhiều kế hoạch thực hiện, trong đó tập trung kiểm tra, xử lý những tổ chức, cá nhân kinh doanh, chế biến, vận chuyển thực phẩm bẩn...; từ đó góp phần thực hiện mục tiêu “an toàn thực phẩm” trong chương trình “Thành phố 4 an”.

Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiên Hồng (ảnh), Phó Giám đốc Sở Y tế, thành viên BCĐ liên ngành về ATVSTP thành phố xung quanh vấn đề này.

* Trong vấn đề bảo đảm ATVSTP, các quán ăn đường phố luôn được chú ý vì không bảo đảm chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn. Vậy Sở Y tế quản lý lĩnh vực này như thế nào, thưa ông?

- Về công tác quản lý đối với loại hình thức ăn đường phố, Sở Y tế ban hành quy định phân cấp nhiệm vụ và tham gia quản lý Nhà nước trong toàn ngành; trong đó giao trạm y tế tham mưu UBND xã, phường quản lý loại hình này. Hiện nay, danh sách tất cả các cơ sở thức ăn đường phố cố định đều được các trạm y tế xã, phường quản lý. Các trạm cũng hướng dẫn những hàng quán này thực hiện 10 điều về ATVSTP theo quy định của Bộ Y tế và được các BCĐ liên ngành xã, phường kiểm tra việc thực hiện.

Các hộ kinh doanh thức ăn đường phố đa phần có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, từ thực tế này, trong năm 2016, UBND thành phố đề ra mục tiêu đến năm 2017 xây dựng mô hình bảo đảm ATVSTP thức ăn đường phố (khu ẩm thực, tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống) trên toàn địa bàn.

Hiện nay, Sở Y tế đã xây dựng dự thảo và lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành, UBND quận, huyện về Đề án quản lý thức ăn đường phố trình UBND thành phố phê duyệt.

* Đà Nẵng hiện có hàng trăm ngàn công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp. Xin ông cho biết, việc bảo đảm ATVSTP trong bữa ăn hằng ngày cho công nhân được thực hiện như thế nào?

- Các nhà máy, xí nghiệp hiện đang tổ chức bữa ăn cho công nhân ngay tại cơ sở. Nhưng hiện nay, hoạt động bảo đảm ATVSTP được cải thiện đáng kể về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, nguyên liệu chế biến. Với định mức 15.000 đến 20.000 đồng/suất ăn, đa phần các doanh nghiệp trực tiếp hợp đồng với cơ sở chế biến cung cấp suất ăn cho công nhân. Một số doanh nghiệp có bộ phận y tế theo dõi, giám sát tại công ty. Các doanh nghiệp cung cấp suất ăn sẵn cho công nhân đều được quản lý, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm ATVSTP và hằng năm đều được Chi cục ATVSTP kiểm tra. Những năm gần đây, toàn thành phố chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào ở khu công nghiệp, khu chế xuất.

* Một trong những nguyên nhân gây ngộ độc, mất an toàn thực phẩm chính là việc sử dụng phụ gia, hóa chất thiếu kiểm soát. Việc quản lý, kiểm tra trên lĩnh vực này ở Đà Nẵng như thế nào?

- Trên địa bàn thành phố hiện có 6 cơ sở kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm. Qua kiểm tra cho thấy, các cơ sở này đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP, có lưu trữ hồ sơ công bố đối với từng loại phụ gia thực phẩm, các phụ gia được bày bán có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chưa phát hiện cơ sở kinh doanh chất phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế. Tuy nhiên, vấn đề đóng gói phân lẻ để bán tại các quầy trong chợ nhỏ vẫn khó kiểm soát. Việc này đang được các ngành chức năng tăng cường kiểm tra và hướng dẫn người kinh doanh ghi rõ nhãn hiệu hàng hóa, mặt hàng, sản phẩm trên các gói lẻ để dễ kiểm soát, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.

* Chế tài xử lý về ATVSTP hiện nay theo ông đã đủ mạnh đối với người sản xuất, buôn bán, kinh doanh thực phẩm bẩn, nhất là khi Bộ luật Hình sự sửa đổi vẫn chưa có hiệu lực?

- Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATVSTP có mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính là 100 triệu đồng dành cho cá nhân và 200 triệu đồng dành cho tổ chức. Mức xử phạt này theo tôi là đủ mạnh về mặt hành chính. Ngoài việc xử phạt bằng tiền còn có xử phạt bổ sung như: tịch thu sản phẩm, ngừng kinh doanh sản xuất…

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn quận Cẩm Lệ.
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn quận Cẩm Lệ.

Tuy nhiên, trong nghị định chưa đề cập việc xử lý hình sự nên chưa có sức răn đe đối với các hành vi vi phạm về ATVSTP. Theo Ðiều 317 tại dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi có quy định vi phạm về ATVSTP; trong đó, truy tố hình sự đối với hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về ATVSTP thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Nếu dự luật này được thông qua và có hiệu lực vào đầu năm 2017, đây sẽ là mức xử lý có sức răn đe đối với nhóm đối tượng có hành vi sản xuất, vận chuyển, buôn bán thực phẩm không bảo đảm an toàn.

* Xin ông cho biết, thời gian đến, ngành Y tế có những kế hoạch cụ thể gì để bảo đảm công tác ATVSTP, nhất là dịp trước, trong và sau Tết sắp đến?

- Vào các dịp lễ, Tết, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao, nhất là đối với thực phẩm chế biến sẵn lẫn thực phẩm có khả năng lưu trữ dài ngày nên nguy cơ xảy ra ngộ độc rất lớn. Vì vậy, hằng năm, Bộ Y tế và Sở Y tế đều có kế hoạch bảo đảm ATVSTP trước, trong và sau Tết dương lịch cũng như Tết Nguyên đán. Hiện nay, Sở Y tế tiến hành xây dựng Kế hoạch bảo đảm ATVSTP Tết dương lịch 2017 và Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Công tác triển khai được thực hiện ở cả 3 tuyến (thành phố, quận, huyện, xã, phường). Công tác truyền thông sẽ tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ gây mất ATVSTP, cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn, các quy định sản xuất nông nghiệp sạch. Về công tác thanh tra, kiểm tra chủ yếu tập trung ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân phối thực phẩm.

* Cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản thành phố: Còn quá nhiều bất cập

Để bảo đảm thực phẩm sạch cho thành phố, phải giải quyết được một số khó khăn, bất cập hiện nay. Thứ nhất là vướng mắc về thể chế. Việc quản lý Nhà nước về ATVSTP hiện nay dựa trên các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng lại có quá nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa được ban hành. Ví dụ mới đây, khi kiểm tra, chúng tôi phát hiện trong nho Trung Quốc có đến 8 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật, 2 hoạt chất trong số đó là Hexaconazole và Difenoconazole đều vượt ngưỡng cho phép. Việc kiểm tra, xử lý thực phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được thực hiện trên cơ sở đối chiếu các nội dung tại Quyết định số 48/2007 của Bộ Y tế và Thông tư số 68/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, bản thân hai văn bản pháp quy này chưa hoàn thiện, một số hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vẫn chưa được quy định mức giới hạn cho phép. Thứ hai, năng lực phòng kiểm nghiệm. Theo quy định pháp luật, cơ quan quản lý Nhà nước lấy mẫu và phải gửi phòng kiểm nghiệm được chỉ định. Nhưng có một số chỉ tiêu dù lấy mẫu nhưng phòng kiểm nghiệm lại chưa thể thực hiện công việc xét nghiệm do chưa được chỉ định bằng văn bản hướng dẫn và cho phép của các bộ có thẩm quyền. Bên cạnh đó, Luật Thanh tra quy định, muốn thực hiện thanh tra phải báo trước cho cơ sở 5 ngày, như vậy không còn yếu tố bất ngờ nữa. Ngoài ra, nguồn nhân lực, đặc biệt là tuyến quận, huyện, phường, xã còn hạn chế khi chỉ có cán bộ kiêm nhiệm. Quản lý ATVSTP là vấn đề thực thi pháp luật, nghĩa là người cán bộ phải am hiểu luật, chuyên môn trong lĩnh vực mình được phân công; nếu kiêm nhiệm sẽ không thể sâu sát, nắm rõ vấn để xử lý.

Xử phạt nhiều tổ chức, cá nhân

Theo BCĐ liên ngành về ATVSTP thành phố, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố kiểm tra, xét nghiệm 487 mẫu thực phẩm, trong đó có 461 mẫu đạt (chiếm 94,7%). Sở Y tế chủ trì, tổ chức kiểm tra 880 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và phát hiện 35 cơ sở vi phạm các tiêu chuẩn về ATVSTP. Trong khi đó, theo Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an thành phố, lực lượng này phối hợp với Chi cục Thú y thành phố tổ chức tuần tra đêm, chốt chặn trên các tuyến đường trọng điểm như Hoàng Văn Thái, Tôn Đức Thắng, Điện Biên Phủ, Đống Đa... nhằm ngăn chặn tình trạng vận chuyển sản phẩm động vật vi phạm về ATVSTP. Lực lượng Công an kiểm tra và phát hiện 6/7 cơ sở giết mổ, kinh doanh thực phẩm vi phạm, xử phạt với số tiền hơn 20 triệu đồng, tiêu hủy hơn 1.000kg sản phẩm động vật không có nguồn gốc...

PHAN CHUNG thực hiện

;
.
.
.
.
.