Chính trị - Xã hội

XE THƯ VIỆN LƯU ĐỘNG

Tại sao không?

08:26, 26/11/2016 (GMT+7)

Đề án xe thư viện lưu động do Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng thực hiện, được kỳ vọng sẽ đưa thư viện về mọi ngõ ngách phục vụ nhân dân...

Mô hình xe thư viện lưu động tại tỉnh Yên Bái hoạt động khá hiệu quả (ảnh do Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng cung cấp).
Mô hình xe thư viện lưu động tại tỉnh Yên Bái hoạt động khá hiệu quả (ảnh do Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng cung cấp).

Khó khăn đưa sách về cơ sở

Nhiều năm qua, mạng lưới thư viện, tủ sách dần được mở rộng từ thành phố xuống cơ sở. Tuy nhiên, nguồn sách báo của hệ thống các thư viện quận, huyện và phòng đọc sách cơ sở lại không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của bạn đọc bởi sách báo nghèo nàn, trang thiết bị thiếu thốn.

Mặc dù Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng đã tổ chức sử dụng phương tiện xe máy cá nhân mở rộng các hình thức phục vụ sách báo ngoài thư viện như: Túi sách lưu động, cho mượn sách báo tập thể, tổ chức luân chuyển sách báo đến phục vụ nhân dân các xã vùng ven thành phố… Song hoạt động này cũng không thường xuyên.

Lý giải điều này, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố cho biết, địa bàn huyện Hòa Vang khá rộng, có 4 xã miền núi đường sá đi lại khó khăn, không có phương tiện giao thông công cộng đến tận nơi. Hơn nữa, vận chuyển sách báo bằng xe máy nên số lượng mang đi phục vụ mỗi lần không nhiều, chỉ khoảng 100 - 150 bản.

Có thể thấy, thiếu thốn cơ sở vật chất phục vụ văn hóa đọc làm gia tăng khoảng cách về hưởng thụ văn hóa của người dân trung tâm thành phố so với các xã thuộc huyện Hòa Vang, đặc biệt người dân các thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), Phú Túc (xã Hòa Phú). Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết, xã Hòa Phú về đích nông thôn mới năm 2014, nhờ vậy, cơ sở vật chất văn hóa cơ bản hình thành nhưng để người dân hưởng thụ đúng nghĩa, cần có sự quan tâm đầu tư nhiều hơn. “Hiện tại, học sinh chủ yếu đọc sách tại các thư viện nhà trường. Các điểm đọc sách báo ở bưu điện văn hóa xã hoặc phòng đọc tại trung tâm văn hóa xã chưa đáp ứng nhu cầu người dân”, ông Hải nói.

Thư viện mi-ni di động

Gần đây, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng trình đề án xe thư viện lưu động nhằm tăng cường chất lượng phục vụ ở vùng ven.

Theo đó, xe thư viện lưu động được trang bị giá sách chứa từ 3.000- 4.000 cuốn sách; 8 máy tính, ghế ngồi, ti-vi, đầu DVD chiếu phim... Dự tính tổng kinh phí dự án này là 1,6 tỷ đồng. Theo kế hoạch, mỗi tuần 1 ngày, xe lưu động đến phục vụ cộng đồng dân cư cách thư viện thành phố trong bán kính từ 5-7km và mỗi tháng 4 lần (2 đến 3 ngày/lần), xe lưu động đến phục vụ các điểm trên địa bàn thành phố theo 2 tuyến (tuyến 1: Đà Nẵng đi các xã Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Nhơn, Hòa  Khương, Hòa Phú, Hòa Phong; tuyến 2: Đà Nẵng đi các xã Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Bắc); các ngày cuối tuần tổ chức phục vụ tại công viên, khu bãi biển... nơi tụ tập đông người.

Chia sẻ thêm về đề án, ông Phạm Hồng Thái cho biết, mô hình xe thư viện lưu động đã có ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa- Vũng Tàu, Yên Bái  trong những năm qua, góp phần nâng cao văn hóa đọc cho người dân. Xe thư viện lưu động gói gọn mô hình thư viện hiện đại trong không gian nhỏ, tiện lợi. Nếu có xe thư viện lưu động, cán bộ thư viện sẽ chủ động triển khai các hoạt động phục vụ ngoài thư viện, khai thác hiệu quả vốn sách báo của thư viện thành phố, đưa công nghệ thông tin đến gần với người dân hơn.

“Dự kiến khoảng 80% người dân ở các vùng ven thành phố có cơ hội được sử dụng thư viện lưu động, tăng số bản sách đọc bình quân hằng năm trên đầu người của Đà Nẵng lên từ 1- 1,5 cuốn/người/năm. Chúng tôi đã trình đề án lên các cấp lãnh đạo và kỳ vọng sẽ triển khai trong năm 2017. Đây là mô hình có tính khả thi trong bối cảnh cơ sở vật chất và con người cho thư viện, điểm đọc sách ở cơ sở còn thiếu thốn”, ông Thái chia sẻ.

HÀ THU

.