.

20 năm - một chặng đường "phát triển vì con người"

.

Ngày nay, trong tâm trí mọi người dân Đà Nẵng, thành phố hiện lên với hình ảnh của những cây cầu bắc qua sông Hàn kiêu sa, lộng lẫy; những ngôi trường khang trang đạt chuẩn quốc gia; những khu vui chơi giải trí hiện đại; những khu nghỉ dưỡng, khách sạn vươn tầm khu vực; những cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế đầy màu sắc; sân bay quốc tế Đà Nẵng sạch đẹp, lịch sự, thân thiện; Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Phụ sản - Nhi với trang thiết bị hiện đại; những nhà máy, xí nghiệp với quy mô lớn đang ngày đêm hối hả sản xuất…

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng Nguyễn Thanh Quang (giữa) trao đổi bên lề buổi tiếp xúc cử tri quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: TRÂM ANH
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng Nguyễn Thanh Quang (giữa) trao đổi bên lề buổi tiếp xúc cử tri quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: TRÂM ANH

Có thể thế hệ trẻ khó lòng hình dung một Đà Nẵng 20 năm trước - một thành phố cấp 3 trực thuộc tỉnh, với những xóm nhà chồ, vài cây cầu sắt, những con đường bụi bặm vùng nội ô, hay những ngôi trường đơn sơ, trẻ em đến trường thậm chí còn mặc những chiếc áo vá vai…

Thế nhưng, có một điều chắc chắn, khi nhắc về quê hương, các thế hệ người dân Đà Nẵng đều mang trong mình niềm tự hào, một cảm xúc khó tả không thể cân đo đong đếm về diện mạo đô thị ngày một hiện đại với hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng phát triển…

Mỗi người dân đều hiểu rằng, phía sau sự “thay da đổi thịt” đó, phía sau những thương hiệu mang bản sắc riêng của thành phố là một động lực quan trọng - sự “phát triển vì con người” mà thành phố đã và đang hướng đến.

Mỗi chính sách, mỗi chủ trương, sự đồng lòng của các thế hệ lãnh đạo và người dân xuất phát từ mục tiêu chung: phát triển vì con người, của con người và do con người. Đến giờ phút này, chúng ta có thể mạnh dạn khẳng định thành phố Đà Nẵng có được ngày hôm nay chính là nhờ mục tiêu và các chủ trương đúng đắn “vì con người” mà Đảng bộ và nhân dân thành phố đề ra và thực hiện khá kiên trì, hiệu quả.

Hai mươi năm qua, chúng ta thực hiện công cuộc quy hoạch, chỉnh trang đô thị mạnh mẽ. Hơn 110.000 hộ dân đồng thuận cùng thành phố để di dời, giải tỏa, “sắp xếp lại giang sơn”; thành phố đã xây dựng hàng chục cây cầu, hàng ngàn con đường mới, với hàng trăm km đường cùng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nhiều công trình trọng điểm, là điểm nhấn của thành phố lần lượt mọc lên hai bên bờ sông Hàn; hạ tầng viễn thông, cảng biển, sân bay đều có những bước phát triển mạnh…

Chính cách làm mới về huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là chủ trương “khai thác quỹ đất, tạo nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng”, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đã tạo cho Đà Nẵng sức bật mới, một sự đổi thay nhanh chóng và diệu kỳ:

Không gian đô thị không ngừng được mở rộng, từ chỗ diện tích vùng nội ô chật hẹp chỉ hơn 5.600ha, đến nay đã tăng gần gấp 4 lần so với năm 1997, từ chỗ quay lưng với biển đã hình thành nên một thành phố có biển là mặt tiền thoáng đãng, từ việc chỉ có 360 đường phố thì hiện đã có gần 2.000 con đường mới. Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, liên tục dẫn đầu cả nước về các chỉ số phát triển kinh tế, tổng thu nhập bình quân đầu người năm 2016 ước đạt hơn 3.000 USD, cao gấp 7 lần so với năm 1997…

Từ chủ trương phát triển vì con người, đến nay, điều kiện sống của các tầng lớp dân cư thành phố được cải thiện khá rõ nét: Nếu năm 1997, thành phố có gần 19% nhà ở là nhà tranh tre vách đất thì nay hầu như không còn những nhà loại này.

Diện tích đất ở bình quân của nhóm người có thu nhập thấp đã đạt 13m2/nhân khẩu, tính bình quân toàn thành phố đạt 20,3m2/nhân khẩu, một tỷ lệ tương đối lớn so với các thành phố lớn trong cả nước và các thành phố thuộc khu vực miền Trung.

Ngành y tế được đầu tư mở rộng cả quy mô lẫn chất lượng, nhiều bệnh viện được xây dựng mới khang trang, hiện đại: Năm 1997, thành phố chỉ có 2 bệnh viện tư, đến nay có 8 bệnh viện tư, 22 phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân và trên 1.819 phòng khám y tế tư nhân, số giường bệnh hiện tăng gấp 3 lần so với năm 1997; về đích sớm trong công tác thanh toán bệnh phong, hoàn thành tiêu chí quốc gia về y tế xã - phường, bảo hiểm y tế...

Mạng lưới các trường, lớp từ bậc học mầm non đến THPT không ngừng được mở rộng và từng bước quy hoạch phù hợp với hệ thống giáo dục quốc dân, đáp ứng với yêu cầu phát triển đô thị và với nhu cầu học tập của mọi người dân, mọi lứa tuổi.

Đến năm học 2015-2016, toàn thành phố có 378 đơn vị, trường học; Đà Nẵng đã hoàn thành xong chương trình xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS và hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ trong độ tuổi 15-35. Từ năm 1997 đến nay, thành phố đã đạt được 793 giải quốc gia, 23 giải quốc tế và khu vực châu Á...

Bác Hồ từng dạy rằng: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm, Đảng và Chính phủ có lỗi…”. Nếu không đề cao và xác định mục tiêu phát triển là vì lợi ích nhân dân, vì cuộc sống người dân thì mọi sự phát triển đều lệch lạc, cho dù tăng trưởng kinh tế có đạt được đến cấp độ nào.

Vì vậy, trong quá trình xây dựng và phát triển, lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm, chú trọng đến quyền lợi và cơ hội phát triển của mọi đối tượng, nhất là những người thuộc diện khó khăn, nhằm tạo môi trường đô thị lành mạnh, bình đẳng cho mọi người; luôn đặt nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân song hành cùng quá trình đô thị hóa, xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm và có tính liên tục.

Trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, biết làm, luôn sáng tạo, thành phố đã đề ra và dốc hết sức thực hiện các chính sách an sinh xã hội gắn chặt với các chương trình đầy tính nhân văn: “Thành phố 5 không” (không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người để cướp của), “Thành phố 3 có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa - văn minh đô thị), “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, “Thành phố môi trường”… và nay trước ngưỡng cửa 20 năm là “Thành phố 4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội).

Tinh thần nhân văn sâu sắc của các chương trình đó như những tiếng trống liên hồi, thúc giục mọi tầng lớp nhân dân thành phố chung tay cùng cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực để gặt hái những thành công. Mục tiêu “không có hộ đặc biệt nghèo” cơ bản hoàn thành, Đề án giảm nghèo giai đoạn 2009-2015 về đích trước 3 năm (năm 2012), giai đoạn 2013-2017 về đích trước 2 năm (năm 2015).

Đến cuối năm 2015, Đà Nẵng không còn hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố (thành phố 800.000 đồng/người/tháng, nông thôn 600.000 đồng/người/tháng). Toàn thành phố không có học sinh bỏ học, khống chế loại tội phạm “giết người để cướp của” và kiểm soát chặt chẽ “người nghiện ma túy trong cộng đồng”.

Thành phố đã đưa vào sử dụng 176 khối nhà chung cư với gần 9.000 căn hộ. Từ năm 2014 đến nay, thành phố đã sửa chữa, xây mới gần 3.366 nhà ở cho các gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số. Hằng năm giải quyết việc làm cho hơn 320.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ước đạt 55%...

Với chủ trương đúng đắn và nhất quán: luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, sự tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng trong thời gian qua đã tạo điều kiện để phát triển khá toàn diện về con người, văn hóa đô thị, bảo vệ và cải thiện môi trường sống.

Chính những thành tố này đã trở thành nhân tố “bà đỡ”, tác động tích cực trở lại vào sự phát triển mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của Đà Nẵng. Tôi thích cách nói ẩn dụ của một nhà văn lớn khi ông đề cập đến những đổi thay của Đà Nẵng đã tác động tích cực đến hành vi ứng xử và lối sống của người dân nơi đây: “Tôi nhớ đường Đống Đa và đường Nguyễn Tri Phương.

Không phải đường phố, còn tệ hơn cả đường làng, ổ voi chứ không phải ổ gà. Rác ngập ra đường, bám chân người đi qua. Thường vẫn vậy, rác trên đường, rác ngay trước cửa nhà, dây cả vào nhà thì cũng dây cả vào tâm trạng con người. Tôi xin lỗi, tôi biết ngày ấy, người ta, người dân Đà Nẵng cũng sẵn sàng thả mình sống nhếch nhác. Trước hết từ việc đổ bừa rác ra đường, rồi cả chính trong nhà mình nữa, chính mình nữa, từ ăn mặc cho đến cư xử nhếch nhác cũng chẳng buồn quan tâm. Cho đến một hôm, chính con đường ấy được cương quyết mở rộng ra, làm lại, tráng nhựa láng bóng, thật sự hiện đại.

Lạ thay, bỗng dưng con người ở hai bên đường thấy chính mình phải thay đổi… theo cho bằng con đường. Một con đường rồi nhiều con đường. Một khu phố rồi cả thành phố…”(2). Rõ ràng, để có được những thành quả đó chính là khi người dân thấy được quyền lợi, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và phát triển của thành phố, nhận thức sâu sắc được sự hòa nguyện của ý Đảng - lòng dân, của lợi ích riêng - chung, tạo thành một khối đoàn kết, tự nguyện và ủng hộ hết mình chính quyền thành phố trong mọi chủ trương, chính sách, minh chứng tiêu biểu là việc thực hiện di dời, giải tỏa, tái định cư hơn 110.000 hộ dân.

Tuy một số hộ dân còn đôi chút băn khoăn nhưng không hề xảy ra một vụ khiếu kiện tập thể hay những vụ chống đối quyết liệt, làm ảnh hưởng đến sự phát triển đi lên của Đà Nẵng.

Đánh giá quá trình phát triển và trưởng thành của Đà Nẵng trong thời gian qua, nhiều lãnh đạo thành phố đã khẳng định: “Cái được lớn nhất của Đà Nẵng chính là được lòng dân”. Chỉ khi nào chính quyền “vì nhân dân phục vụ”, vì quyền lợi, vì sự phát triển của người dân; luôn chú ý đúng mức và giải quyết thỏa đáng những khó khăn, vướng mắc của người dân, nhất là những đối tượng khó khăn, yếu thế của xã hội thì mới tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, tạo nên một xung lực to lớn, giúp “Đảng nói dân tin - Mặt trận, đoàn thể vận động dân hưởng ứng - chính quyền làm dân ủng hộ”.

Khi có sự ủng hộ của nhân dân thì chúng ta mới có cơ hội thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương hướng về dân, vì nhân dân; từ đó mới thấy tinh thần gắn bó, trách nhiệm với dân, tôn trọng, học hỏi ở dân và ngày càng có trách nhiệm hơn với dân trong từng cấp chính quyền cũng như mỗi cán bộ, đảng viên.

Chính sức mạnh đoàn kết của hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân đã khích lệ, cổ vũ mọi người - từ lãnh đạo cao nhất đến những người dân bình thường đều mong muốn đóng góp sức người, sức của cho công cuộc xây dựng, phát triển thành phố, tạo nên thương hiệu “Thành phố của những cây cầu”, “Người Đà Nẵng”, “Đà Nẵng tình người”…

Vì vậy, những ngày kỷ niệm 20 năm thành phố Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, mỗi chúng ta đều có quyền tự hào mà nói rằng: Thành công này là của chúng ta, đổi thay này là vì mỗi chúng ta!

Rồi 20 năm sau nữa, bên bờ sông Hàn lộng gió này sẽ xuất hiện thêm nhiều công trình kỳ vĩ và hiện đại, Đà Nẵng sẽ trở thành một thành phố thông minh dựa trên các lĩnh vực công nghệ đột phá, một trung tâm giao thương quốc tế, một thành phố du lịch - dịch vụ cạnh tranh với các thành phố lớn, đẹp của khu vực và thế giới.

Người dân Đà Nẵng sẽ đủ đầy, văn minh, lịch thiệp hơn nhiều lần hôm nay. Song, với chúng ta, bài học “phát triển vì con người”, “vì nhân dân” vẫn sẽ mãi là “bài học đầu tiên và muôn thuở” không bao giờ cũ. Đó cũng là mệnh lệnh, là quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng anh hùng viết tiếp những trang sử huy hoàng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nguyễn Thanh Quang

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng


(*) Nguyên Ngọc, “Tâm sự đầu năm với Đà Nẵng”, đặc san Xuân  Canh Dần - 2010, tr. 11.

;
.
.
.
.
.