.

"Có chức mà không có quyền thì không làm được gì cả"

.

ĐNĐT - “Có chức phải có quyền, mà có quyền phải có trách nhiệm, không nên để khi có thành tích thì quy cho cá nhân, có khuyết điểm, có vi phạm thì địa chỉ chạy lòng vòng. Có chức mà không có quyền quyết định thì không làm được gì cả”, ĐB Lê Minh Trung phát biểu về cơ chế phân cấp quản lý tại buổi thảo luận tại kỳ họp thứ ba HĐND thành phố khóa IX sáng ngày 7-12.

Đại biểu Lê Minh Trung phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh; Đặng Nở
Đại biểu Lê Minh Trung phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Đặng Nở

ĐB Trung cho biết: “Cử tri nói rằng thành phố chúng ta đã qua 20 năm phát triển rồi. Nền quản lý của chúng ta nên chuyển từ “bóng đá đường phố” sang “bóng đá chuyên  nghiệp”. Bóng đá đường phố hứng lên thì chạy ra đá, không thích thì chạy vào.

Còn bóng đá chuyên nghiệp, thành phố (lãnh đạo-PV) là trọng tài; sở, ngành là huấn luyện viên; quận, huyện là cầu thủ. Những cái gì thuộc về vấn đề thực thi nên để quận, huyện làm; sở, ngành định hướng, hướng dẫn. Huấn luyện viên và cầu thủ sai, trọng tài rút thẻ vàng thậm chí truất quyền thi đấu, quyền chỉ đạo. Nôm na vấn đề phân cấp nó là như vậy để thành phố cần tính toán phân cấp như thế nào cho hợp lý”.

Theo ĐB Trung, còn nhiều vấn đề ở quận, huyện phải xin ý kiến quá. Ví dụ quận muốn điều chuyển một chức danh cán bộ ở phường vẫn phải xin ý kiến lòng vòng. Luật Đất đai đã quy định thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân trong cộng đồng dân cư nhưng hiện nay thành phố tập trung hết việc này về Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường). Luật cũng quy định chính quyền quận, huyện có chức năng quản lý đất đai nhưng không được cấp sổ đỏ, sao quản lý được.

Hiện nay trên địa bàn quận Thanh Khê còn một số thửa đất nông nghiệp nằm trong đô thị. Quận đã nhiều lần đề nghị thành phố xem xét quy hoạch thành đất ở, cấp sổ đỏ người dân để đảm bảo công tác quản lý đất đai vừa hạn chế chuyển nhượng, xây dựng trái phép. ĐB Trung cho rằng trong phân cấp có những vấn đề phải phân cấp mạnh mẽ nhưng cũng có vấn đề thành phố phải giữ.

Về cơ chế, chính sách phải là vấn đề của thành phố, cấp thực thi là cấp quận, huyện, phường, xã. Góp ý về phân cấp, theo ĐB Võ Văn Thương cho rằng thành phố phải nắm những vấn đề về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, trật tự đô thị.

Chưa rõ nhân tố mới tạo tăng thu ngân sách đột biến.

Thảo luận về quản lý ngân sách, nhiều ý kiến đánh giá cao thuận lợi của năm 2017 là thành phố có cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách theo Nghị định số 144/2016/NĐ-CP. Tuy nhiên có một thách thức rất lớn trong cân đối thu chi ngân sách là phần thu ngân sách của thành phố điều tiết về Trung ương từ năm 2017 tăng đột biến từ 15% lên 32%.

Trong khi đó, nhân tố mới tạo ra tăng thu đột biến chưa rõ để bù vào phần tăng điều tiết đột biến về Trung ương. ĐB Nguyễn Thị Thúy Mai đề nghị các giải pháp: Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về thuế, tuyên truyền để người sử dụng sản phẩm, dịch vụ có thói quen lấy hóa đơn và coi đây là hành động đóng góp vào nguồn thu cho ngân sách thành phố; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế tập trung vào những lĩnh vực có nguy cơ thất thu cao; mở rộng công khai doanh thu, số thuế phải nộp của các doanh nghiệp, công khai tên doanh nghiệp nợ thuế chây ỳ trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời hằng năm tổ chức vinh danh 10 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất cho thành phố.

Thành phố được Trung ương chọn làm thí điểm trong công tác chống thất thu thuế nên cần thí điểm xây dựng phần mềm liên thông giám sát doanh số của doanh nghiệp. Nhiều ý kiến đồng tình công tác quản lý thu ngân sách phải thực hiện trên quan điểm thu đúng, thu đủ, nuôi dưỡng nguồn thu chứ không tận thu.

Đến năm 2020 phải dứt điểm 13 điểm nóng ô nhiễm môi trường

ĐB Huỳnh Minh Chức nêu ý kiến: Từ năm 2008 thành phố đã đề ra mục tiêu chấm dứt 10 điểm nóng môi trường trên địa bàn thành phố, thế nhưng đến năm 2010 chưa xóa được điểm nào còn phát sinh thêm 3 điểm nóng mới (Cụm CN Thanh Vinh, KCN Hòa Cầm, KCN Hòa Khánh mở rộng). ĐB đề nghị những người đứng đầu các cơ quan có liên quan phải đưa ra lời hứa chấm dứt 13 điểm nóng ô nhiễm môi trường vào năm 2020, đồng thời thành phố phải có quy định xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và tập thể các cơ quan tham mưu xử lý vấn đề này không đúng, không trúng và không đúng thời hạn.

Các ĐB Nguyễn Thành Tiến, Huỳnh Bá Thành lo ngại về việc thành phố dự kiến đầu tư Khu liên hiệp xử lý chất thải ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí và nguồn nước ngầm, ảnh hưởng đến nguồn nước sông Cầu Đỏ là nơi cấp nước sinh hoạt cho thành phố. Theo ĐB Nguyễn Thành Tiến, nguồn nước mưa đổ từ dãy núi Phước Tường có thể tràn xuống bãi rác mới gây ô nhiễm môi trường. Nếu đầu tư công nghệ cao e là chi phí xử lý rác sẽ tăng cao. ĐB đề nghị thành phố cần tổ chức một cuộc hội thảo khoa học chuyên đề về bãi rác mới của thành phố trước khi quyết định đầu tư.

SƠN TRUNG

;
.
.
.
.
.