.
Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng

Thêm nét son trên chặng đường 40 năm

.

Ngày 28-12-1976, Bộ trưởng Điện và Than ra Quyết định số 3799QĐ/TCCB-3 thành lập Sở Quản lý và phân phối điện Quảng Nam - Đà Nẵng, tiền thân của Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng ngày nay.

Từ những ngày đầu gian khó với những cụm máy móc cũ kỹ, lạc hậu, qua 40 năm dựng xây và phát triển, sau bao khó khăn, thử thách, Điện lực Đà Nẵng hôm nay đã xác lập và giữ vững vai trò cung ứng điện ổn định - liên tục - với chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và đời sống nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Nguồn nhân lực ngày càng lớn mạnh về chất và lượng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển vượt bậc của Điện lực Đà Nẵng. 					          Ảnh: P.V
Nguồn nhân lực ngày càng lớn mạnh về chất và lượng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển vượt bậc của Điện lực Đà Nẵng. Ảnh: P.V

Đi lên trong gian khó

Thời khắc lịch sử 29-3-1975, với thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, thành phố Đà Nẵng được giải phóng. Hòa cùng niềm vui đất nước, những người thợ điện Đà Nẵng hăng hái bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại quê hương.

Song, cũng như bao thành phố khác, nền kinh tế Đà Nẵng sau giải phóng bị chiến tranh tàn phá nặng nề, quy mô công nghiệp nhỏ bé, đất đai bỏ hoang; ngành điện đối diện nhiều khó khăn, nhà máy điện Đà Nẵng với những cụm máy cũ kỹ, lạc hậu, tiếp quản từ chế độ cũ, chỉ có thể phát điện cho khu vực trung tâm và một số cơ sở quan trọng, điện cho sản xuất hầu như không đáng kể.

Sản lượng điện thương phẩm năm đầu sau chiến tranh chỉ hơn 28,6 triệu kWh, tỷ lệ tổn thất điện năng lên đến 17,87%. Nhân lực khi ấy chỉ vỏn vẹn 248 người - với 11 lao động có trình độ đại học, cao đẳng, 4 lao động có trình độ trung cấp, 200 công nhân kỹ thuật và 33 lao động phổ thông - cùng “chung lưng đấu cật” giữa bộn bề khó khăn.

Mất cân đối giữa nguồn cung và nhu cầu phụ tải, chất lượng điện những năm đầu giải phóng luôn trong tình trạng không ổn định. Người thợ điện Đà Nẵng khi ấy thuộc lòng phương thức “Bình thường một không hai có; gặp khó một có hai không; sấm chớp mưa dông toàn không chẳng có”. Điện chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển thành phố, tình trạng “đói điện” thường xuyên diễn ra, nhiều khu vực vẫn là vùng “trắng điện”.

Trước nhu cầu cấp bách về điện cho sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, Đảng ủy Sở Quản lý và phân phối điện Quảng Nam - Đà Nẵng tập trung thực hiện chủ trương “Điện đi trước một bước” với mục tiêu giữ vững nguồn điện diesel, từng bước liên kết và mở rộng hệ thống nguồn lưới điện, bảo đảm cấp điện kịp thời, phục vụ công nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển thành phố.

Và sau 10 năm tăng cường phục hồi, tiếp nhận và đầu tư các máy phát điện, nguồn diesel đã tăng lên 65 máy với công suất đạt khoảng 51.225kW. Nhà máy thủy điện Phú Ninh chính thức hòa vào mạng lưới chung đã phần nào đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn điện tại chỗ. Hệ thống lưới điện từng bước được liên kết mở rộng, lần lượt các đường dây kết nối các nhà máy điện với cụm diesel, phục vụ công nông nghiệp được xây dựng.

Lưới điện và phạm vi cấp điện đã vươn đến một số huyện: Hòa Vang, Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn và Đại Lộc. Ước mơ có điện đã trở thành hiện thực đối với người dân một số vùng nông thôn của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; năm 1985 sản lượng điện thương phẩm đạt 85,85 triệu kWh, tăng 2,99 lần so với năm 1976.

Đổi mới và trưởng thành

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đánh dấu sự chuyển hướng lịch sử của đường lối đổi mới kinh tế, mở ra thời kỳ phát triển cho nền kinh tế cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Ngành điện Việt Nam tập trung xây dựng nhà máy thủy, nhiệt điện, mạng lưới truyền dẫn, đồng thời tiến hành cải tiến về phân phối điện.

Với ngành điện, bằng quyết tâm cao, sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong đường lối đổi mới, Sở Quản lý và phân phối điện Quảng Nam – Đà Nẵng đã tranh thủ mọi nguồn lực để tăng cường phát triển nguồn lưới điện. Lần lượt các nhà máy thủy điện An Điềm (1991) và nhiệt điện Cầu Đỏ (1989) đi vào hoạt động.

Đến năm 1990, Đà Nẵng đón nhận niềm vui lớn: chính thức nhận điện lưới quốc gia qua trạm 110kV Xuân Hà – Đà Nẵng. Niềm vui càng nhân lên khi đường dây 500kV – công trình lịch sử của đất nước – được ngành điện hoàn thành vào năm 1994. Hệ thống điện quốc gia Việt Nam từ đây được hình thành trên cơ sở tuyến đường dây huyết mạch 500kV Bắc - Nam.

Tháng 6-1995, trạm 110kV Cầu Đỏ được đưa vào vận hành, Đà Nẵng chính thức nhận điện lưới quốc gia qua trạm 500kV Đà Nẵng, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng đối với ngành điện thành phố hôm nay.

Là thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 1997, Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Điện lực Đà Nẵng sau chia tách đã xác định tập trung mọi nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện, nâng cao chất lượng, giảm tổn thất điện năng và tập trung hoàn thành chủ trương điện khí hóa nông thôn.

Bằng quyết tâm mạnh mẽ, khả năng nhận điện từ lưới quốc gia ngày càng được nâng cao qua các trạm 110kV quận Ba (1998), Hòa Khánh (1999), Liên Trì (2000), An Đồn (2001), Liên Chiểu (2002); các dự án SIDA 1, SIDA 2, ADB Hòa Khánh lần lượt triển khai đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu xóa cấp điện áp 6kV, 15kV; đưa điện áp lưới hạ thế từ 0,2kV lên 0,4kV; đưa lưới điện hạ áp vào sâu trong các hẻm kiệt; xóa bán điện qua công-tơ tổng.

Song song với việc đầu tư, nâng cấp lưới điện nội thành, Điện lực Đà Nẵng đã tiếp nhận lưới điện trung hạ áp nông thôn và đưa điện về các xã miền núi huyện Hòa Vang. Năm 2003, Tà Lang - Giàn Bí, 2 thôn cuối cùng của huyện Hòa Vang đã có điện, hoàn thành mục tiêu 100% thôn, xã có điện lưới quốc gia, thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn Đà Nẵng. Đến cuối năm 2013, 11/11 xã thuộc huyện Hòa Vang được đánh giá hoàn thành và đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn mới.

Chuyển đổi mô hình hoạt động sang Công ty TNHH MTV năm 2006, bằng sự đồng lòng, đoàn kết của cả tập thể, sự nhạy bén trong quản lý điều hành, Điện lực Đà Nẵng đã từng bước xây dựng, củng cố vững chắc hệ thống nguồn lưới điện. Ngày 25-12-2014, sản lượng điện thương phẩm đạt mốc 2 tỷ kWh, và đến năm 2015 đạt 2,254 tỷ kWh, gấp 78,6 lần so với 1976.

Tỷ lệ tổn thất điện năng giảm chỉ còn 3,59%, dẫn đầu các công ty điện lực thành viên Tổng Công ty Điện lực miền Trung và là một trong 3 đơn vị thực hiện tốt nhất Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Nếu sau ngày giải phóng năm 1975, nguồn điện cung cấp chỉ là vài cụm máy diesel với công suất dưới 11MVA thì đến năm 2016, quy mô quản lý đã tăng lên 7 trạm 110kV với tổng công suất 582MVA; lưới điện phân phối hiện nay rộng khắp từ miền núi đến đồng bằng, thành thị đến nông thôn với 30,172km đường dây 110kV; 2.642,21km đường dây trung hạ thế; 2.934 trạm biến áp phụ tải với tổng dung lượng 1.518,911 MVA.

Những cơ sở vững chắc phát triển nguồn lưới điện tạo nên bước tiến mới trong công tác kinh doanh điện năng. Cùng với việc giảm thời gian thi công, nghiệm thu cấp điện mới cho khách hàng xuống dưới 2 ngày; chỉ số tiếp cận điện năng xuống dưới 10 ngày; độ tin cậy cung cấp điện, thời gian cấp điện trở lại sau sự cố, thời gian giải quyết đơn thư khách hàng... luôn bảo đảm quy định và ngày càng tốt hơn.

Điện lực Đà Nẵng đã không ngừng đổi mới cả về bề rộng lẫn chiều sâu, công nghệ thông tin, công nghệ mới được ứng dụng mạnh mẽ trong quản lý điều hành cũng như mọi mặt hoạt động. Từ việc đưa website chăm sóc khách hàng dùng điện vào hoạt động, triển khai hóa đơn điện tử; hệ thống chăm sóc khách hàng qua SMS, thư điện tử; thu thập dữ liệu công-tơ điện tử từ xa; thanh toán tiền điện qua ngân hàng... đến việc ứng dụng, khai thác hiệu quả hệ thống miniSCADA, công nghệ GIS trong quản lý lưới điện, sửa chữa nóng trên lưới đang mang điện, vệ sinh rửa sứ cách điện,…

Những nỗ lực đó đã tạo tiền đề để chỉ số hài lòng của khách hàng sử dụng điện trên địa bàn thành phố năm sau luôn cao hơn năm trước. Đây là những nét son, đánh dấu cho sự trưởng thành của Điện lực Đà Nẵng, tạo cơ sở phát triển bền vững của ngành điện thành phố.

Song song hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo đảm cấp điện an toàn - ổn định - liên tục; nhiều năm qua, công tác xã hội, từ thiện luôn được công ty quan tâm duy trì và không ngừng nhân rộng với kinh phí bình quân khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.

Riêng trong 2 năm 2015 - 2016, đã có 14 ngôi nhà tình nghĩa được công ty hỗ trợ xây dựng để trao tặng các hộ nghèo, gia đình chính sách song song với nhiều hoạt động ý nghĩa khác như thăm hỏi, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng; Trung tâm thương binh nặng Hội An, Trung tâm phụng dưỡng, điều dưỡng người có công cách mạng; ủng hộ xây dựng nhà văn hóa đa năng tại huyện đảo Trường Sa; trao tặng 100 suất quà đến gia đình chính sách, hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố... Cùng với công ty, các điện lực trực thuộc cũng đã có nhiều hoạt động nghĩa tình trên địa bàn đơn vị đứng chân; qua đó nhận nhiều tình cảm, sự ủng hộ của người dân, khách hàng sử dụng điện.

Sau 40 năm, công ty đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhì (2010), Huân chương Độc lập hạng ba (2005), Huân chương Lao động hạng nhất (1996) cùng nhiều cờ, bằng khen, giấy khen và danh hiệu thi đua cao quý khác… Tất cả là tài sản tinh thần vô giá, là động lực để công ty tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong chặng đường tiếp theo.

Phát triển bền vững - Thắp sáng niềm tin

Đà Nẵng hôm nay, sau hơn 40 năm giải phóng, đã khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới. Thay cho những khu ổ chuột ven hồ Thạc Gián – Vĩnh Trung, những dãy nhà chồ bờ đông sông Hàn là những trung tâm thương mại khang trang, hiện đại, chuỗi nhà hàng, khu nghỉ mát cao cấp ven bờ đông sông Hàn, trải dài từ bán đảo Sơn Trà đến tận giáp ranh Quảng Nam. Đà Nẵng hôm nay, bên cạnh biểu tượng truyền thống Ngũ Hành Sơn, sông Hàn, còn được biết đến như là thành phố của những cây cầu hiện đại: cầu quay Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý… đã dần trở thành biểu tượng mới của thành phố.

Đà Nẵng hôm nay là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Hòa cùng niềm vui của thành phố, chúng ta - những người thợ điện Đà Nẵng có quyền tự hào vì những phấn đấu miệt mài, sự gắn bó khăng khít của ngành công nghiệp “xương sống” luôn đồng hành cùng sự phát triển của thành phố để làm nên thành công, góp phần mang hình ảnh Đà Nẵng hiện đại, năng động, thành phố của những sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội, thành phố lung linh ánh điện trên những con đường, trên những công trình mỗi lúc về đêm,… đến với bạn bè năm châu.

40 năm, thêm một nét son được đánh dấu trên chặng đường hình thành và phát triển của Điện lực Đà Nẵng, đánh dấu bản lề cho sự phát triển bền vững của công ty. Hàng loạt công trình đầu tư xây dựng nguồn lưới điện được triển khai và đưa vào vận hành như TBA 110kV Hòa Liên, nâng công suất các TBA 110kV An Đồn và Xuân Hà; xây dựng mới các TBA 110kV Hòa Xuân, Ngũ Hành Sơn,…

Xây dựng trung tâm điều khiển, trạm biến áp không người trực theo lộ trình lưới điện thông minh. Ứng dụng công nghệ sửa chữa nóng lưới điện; ứng dụng công nghệ thông tin chăm sóc khách hàng qua thiết bị di động, xây dựng văn phòng điện tử, dịch vụ điện lực linh động,… 2016 là năm tạo dấu ấn lớn lao của tập thể đoàn kết, trên dưới một lòng – nơi táo bạo, quyết liệt trong điều hành khi lãnh đạo dám nghĩ, dám làm và đội ngũ người lao động sáng tạo, tận tụy cùng chung sức dựng xây công ty hướng đến những mục tiêu mới.

Nhìn lại chặng đường 40 năm đã qua, hôm nay với đội ngũ nguồn nhân lực gồm 952 người lao động (tính đến tháng 12-2016) - 952 đôi tay cùng chung sức đồng lòng, gấp 3,9 lần những ngày đầu thành lập, chúng ta tự hào với lịch sử, với quá trình phát triển lớn mạnh.

Để có được thành quả ấy, chúng ta biết ơn sâu sắc nhân dân, chính quyền tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng trước đây và thành phố Đà Nẵng hôm nay, là người dân, là các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp của quê hương Đà Nẵng. Chúng tôi trân trọng, biết ơn Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ Điện lực Đà Nẵng để có được hệ thống nguồn lưới điện mạnh mẽ như hiện nay. Chúng tôi cũng xin tri ân bao thế hệ lãnh đạo, những người thợ điện Đà Nẵng đã không quản ngại gian khó của những ngày đầu sau giải phóng, nỗ lực, bền bỉ đặt những viên gạch đầu tiên cho quá trình đổi mới, dựng xây.

Hướng đến tương lai, với mô hình tổ chức chuyên nghiệp, lực lượng lao động tinh nhuệ, chúng ta có quyền tin tưởng vào thế hệ trẻ hôm nay sẽ kế thừa truyền thống tốt đẹp của cha anh, phát huy những giá trị bền vững của bao thế hệ người thợ điện Đà Nẵng, làm nên những thành công mới, thắp sáng thành phố Đà Nẵng, thắp sáng niềm tin ngành điện trong lòng khách hàng, trong lòng người dân thành phố.

NGÔ TẤN CƯ

Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.