(Tiếp theo)
Bố trí vị trí neo đậu tàu thuyền công suất nhỏ
Cử tri phường Thọ Quang đề nghị thành phố nghiên cứu vị trí neo đậu các phương tiện khai thác ven bờ có công suất nhỏ của địa phương khi triển khai thi công Dự án Công viên Đại Dương bởi theo cử tri, địa điểm dự kiến bố trí hiện nay chưa hợp lý cho việc neo đậu phương tiện của nhân dân trong mùa mưa bão.
Về vấn đề này, UBND thành phố cho biết đã có quy định phương tiện khai thác hải sản dưới 20CV tại bãi ngang được phép neo đậu tại 2 vị trí, gồm: Khu vực từ Đồn Biên phòng Sơn Trà đến giáp bãi tắm Mân Thái, chiều dài 630m. Khu vực từ đường Trương Định đến cách khách sạn Fusion 100m, chiều dài 730m.
Theo khảo sát của các ngành liên quan và địa phương, tại khu vực này không còn vị trí nào khác để bố trí cho việc neo đậu tàu thuyền công suất nhỏ ngoài các vị trí thành phố đã bố trí. Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân trong việc neo đậu tại các vị trí này, UBND thành phố đã thống nhất cho xây dựng 3 chòi canh và bổ sung thêm 1 vị trí lên xuống tại khu vực neo đậu 1 có bề rộng 10m; đồng thời mở rộng 2 vị trí lên xuống tại khu vực 2 từ 6m lên thành 10m.
UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét quyết định việc thả phao bù cho tàu thuyền công suất nhỏ neo đậu phù hợp với quy hoạch, bảo đảm mỹ quan đô thị, hiệu quả kinh tế.
Ngoài ra, ngày 26-7-2016, UBND thành phố có Quyết định số 4991/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án “Giảm số lượng tàu cá công suất nhỏ hơn 20CV và thuyền thúng gắn máy công suất nhỏ hơn 20CV khai thác hải sản ở vùng biển ven bờ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020”; Quyết định số 7167/QĐ-UBND ngày 20-10-2016 ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm số lượng tàu cá theo Quyết định số 4991/QĐ-UBND ngày 26-7-2016”. Theo đó, số lượng phương tiện khai thác hải sản ven bờ neo đậu tại các vị trí này sẽ giảm dần từ năm 2016 đến 2020, giảm áp lực neo đậu tại khu vực này trong thời gian tới.
Kiểm tra diện tích đổ đất lấp sông tại dự án Hòa Xuân-Cẩm Lệ
Cử tri phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) và cử tri các quận Sơn Trà, Cẩm Lệ đề nghị thành phố kiểm tra diện tích đổ đất lấp sông tại dự án Hòa Xuân-Cẩm Lệ có đúng như cam kết của nhà đầu tư, không để nhà đầu tư vì lợi mà đổ đất lấp hết diện tích mặt nước.
Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của cử tri và theo ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, UBND quận Cẩm Lệ đã phối hợp với các đơn vị liên quan: Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch và Xây dựng, Trung tâm Đo đạc bản đồ tiến hành khảo sát, kiểm tra thực tế các mốc giới quy hoạch và tình hình san lấp của Công ty CP Tập đoàn Mặt trời tại dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân. Ngày 19-8-2016, các đơn vị liên quan thống nhất giao Viện Quy hoạch khảo sát và cắm lại các mốc ranh giới quy hoạch từ mốc R7 đến mốc R13 theo Quyết định số 225/QĐ-UBND ngày 9-1-2008 về việc phê duyệt tổng mặt bằng và Quyết định số 2572/QĐ-UBND ngày 7-5-2015 của UBND thành phố về việc điều chỉnh quy hoạch Tổng mặt bằng Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân.
Sau khi Viện Quy hoạch khảo sát, cắm lại các mốc, ngày 24-8-2016, UBND quận Cẩm Lệ đã cùng các đơn vị kiểm tra thực tế và kết luận: Công ty CP Tập đoàn Mặt trời không san lấp vượt ngoài ranh giới quy hoạch được UBND thành phố phê duyệt.
Quản lý khai thác cát trên sông Cu Đê
Cử tri xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) đề nghị thành phố xem xét lại chủ trương cấp phép cho Công ty cổ phần Trung Nam khai thác cát trên sông Cu Đê và cho rằng đây là một trong những nguyên nhân chính gây sạt lở hai bên bờ sông.
Trả lời ý kiến cử tri, UBND thành phố cho biết, ngày 5-8-2016, UBND thành phố cho phép Công ty cổ phần Trung Nam khai thác cát sông Cu Đê, đoạn An Định - Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang phục vụ Dự án Khu đô thị Golden Hills tại Giấy phép số 5297/GP-UBND, diện tích 1ha, khối lượng cát sông được phép khai thác 20.688m3, thời hạn 18 tháng. Ranh giới khu vực khai thác theo hồ sơ thiết kế khai thác cách hai bên bờ tối thiểu là 30m. Cát khai thác được tập kết tại bờ và vận chuyển bằng đường bộ, không được vận chuyển bằng đường thủy.
Tại cuộc họp triển khai giấy phép trên và kiểm tra mốc giới khu vực khai thác ngày 26-8-2016, có mời trưởng thôn các thôn Phò Nam, Nam Yên, An Định, Lộc Mỹ để kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, vận chuyển cát của công ty. Đồng thời, yêu cầu công ty trước khi tiến hành khai thác phải thông báo cho chính quyền địa phương và người dân tại khu vực được biết. Hiện nay, công ty chưa tiến hành khai thác cát tại khu vực trên.
Xử lý ô nhiễm môi trường do chế biến thủy, hải sản
Liên quan đến kiến nghị của cử tri quận Sơn Trà và cử tri phường Phước Ninh (quận Hải Châu) về việc Công ty Thủy sản Thọ Quang (chế biến thủy, hải sản) tại quận Sơn Trà thường xuyên gây mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phân công cán bộ trực kỹ thuật 24/24 giờ tại KCN Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng và Âu thuyền Thọ Quang nhằm giám sát lưu lượng xả thải của doanh nghiệp hoạt động trong KCN.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, phát hiện nguyên nhân phát sinh mùi hôi (nếu có) và tiếp nhận trực tiếp các phản ánh của người dân về mùi hôi thông qua số điện thoại đường dây nóng 3.707.898 để kịp thời xử lý, không để ảnh hưởng đến người dân khu vực xung quanh. Kết quả giám sát thời gian qua cho thấy, không phát hiện và cũng không nhận được phản ánh về mùi hôi phát sinh từ hoạt động của Công ty Thủy sản Thọ Quang (nay là Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Miền Trung). UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục theo dõi, xử lý khi phát hiện mùi hôi phát sinh tại khu vực.
Hà An tổng hợp
(Còn tiếp)