Chính trị - Xã hội

Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới

Công ty Cổ phần Dệt May 29-3: Đồng hành 30 năm đổi mới đất nước

08:15, 09/12/2016 (GMT+7)

Công ty CP Dệt May 29-3 nguyên là Tổ hợp dệt 29-3 ra đời vào ngày 29-3-1976. Sau 2 năm hoạt động, tổ hợp này được chuyển đổi thành xí nghiệp công tư hợp doanh và chính thức lên quốc doanh vào ngày 30-4-1984 với tên gọi Nhà máy dệt 29-3.

Sản phẩm khăn các loại của Công ty CP Dệt may 29-3 là mặt hàng xuất khẩu của công ty. 									    Ảnh: ĐỨC THỊNH
Sản phẩm khăn các loại của Công ty CP Dệt may 29-3 là mặt hàng xuất khẩu của công ty. Ảnh: ĐỨC THỊNH

Cũng như bao doanh nghiệp khác, lúc bấy giờ nhà máy hoạt động trong bối cảnh cực kỳ khó khăn. Cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp đã đẩy doanh nghiệp vào con đường thụ động. Muốn có nguyên liệu sản xuất phải ra tận Hà Nội xin chỉ tiêu.

Muốn bán hàng phải được Ủy ban Vật giá duyệt giá thành và quyết định giá bán (nếu bán cho mậu dịch quốc doanh địa phương); trường hợp bán cho các công ty cấp 1 nhà máy phải ra tận Hà Nội để xin duyệt giá. Thêm vào đó chính sách giá - lương - tiền ra đời vào cuối năm 1986 đã tăng phần khó khăn cho doanh nghiệp - đã có lúc nhà máy trả lương, trả thưởng cho anh chị em bằng sản phẩm để anh chị em công nhân tự xoay xở vì thiếu tiền mặt.

Trước bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế đất nước, của doanh nghiệp thì dự thảo Nghị quyết 306 của Bộ Chính trị về phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của đơn vị kinh tế ra đời và được cụ thể hóa bằng Quyết định 76 - HĐBT ngày 26 tháng 6 năm 1986 của Hội đồng Bộ trưởng về việc ban hành các qui định tạm thời về bảo đảm quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở.

Tiếp đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI diễn ra tại Hà Nội từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 11 năm 1986 đã chuyển tải thông điệp đến toàn dân “Đại hội hoạch định đường lối đổi mới toàn diện, đề ra những chủ trương chính sách mới, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, giải phóng năng lực sản xuất ...” như là luồng sinh khí hứa hẹn cuộc hồi sinh và phát triển nền kinh tế đất nước.

Điều hết sức phấn khởi lúc bấy giờ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng là một trong những địa phương được Trung ương chọn làm thí điểm dự thảo Nghị quyết 306 của Bộ Chính trị theo Chỉ thị số 155-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ngày 26-6-1986 và Nhà máy dệt 29-3 vinh dự  được tỉnh chọn làm thí điểm chủ trương này.

Việc đầu tiên, nhà máy vận dụng phương án 2.200 calo để xây dựng phương án lương sản phẩm bảo đảm tiền lương của người lao động có thể tái sản xuất sức lao động đã tạo thành động lực kích thích phong trào thi đua. Nhà máy đã vận dụng quy định của Chính phủ kèm theo quyết định 217-HĐBT ngày 14 tháng 11 năm 1987 về các chính sách đổi mới kế hoạch hóa và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đối với xí nghiệp quốc doanh “Xí nghiệp tự thực hiện nghiên cứu khoa học kỹ thuật hoặc ký kết hợp đồng với các cơ sở sản xuất khác, các trường học hoặc các cơ quan nghiên cứu khác và cá nhân nhà khoa học và kỹ thuật để thực hiện”.

Trên tinh thần đó, nhà máy đã ký hợp đồng với khoa Nhiệt, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng nghiên cứu sản xuất thành công nồi hơi 2 tấn hơi/giờ - mở ra tiền đề việc liên kết gắn lý luận với thực tiễn, gắn nhà trường với doanh nghiệp. Nhà máy đã cơ cấu lại thị trường tiêu thụ sản phẩm, từ 100% sản phẩm khăn bông chỉ được mậu dịch quốc doanh thu mua thì bước sang năm 1988 gần 70% sản lượng sản phẩm nhà máy xuất khẩu sang Liên Xô và Cộng hòa Dân chủ Đức theo nghị định thư giữa hai chính phủ.

Đến thăm Nhà máy Dệt 29-3 vào ngày 18 tháng 2 năm 1989, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ghi vào sổ vàng truyền thống: “Tôi rất vui mừng được đến thăm xí nghiệp dệt khăn 29-3 nơi bước đầu áp dụng có kết quả cơ chế quản lý kinh tế mới. Rõ ràng từ khi xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, chuyển mạnh sang hạch toán kinh doanh, giao quyền chủ động cho cơ sở thì xí nghiệp đã đạt được những thành tựu rõ rệt trên nhiều lĩnh vực. Xí nghiệp được mở rộng, tăng thêm máy mới, thiết bị hiện đại, mặt hàng được cải tiến, khách hàng ưa chuộng, tăng thêm thu nhập cho cán bộ công nhân viên ...”.

Ngày 3 tháng 11 năm 1989, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đến thăm nhà máy và ghi vào sổ truyền thống “Xí nghiệp dệt 29-3 là một trong các xí nghiệp của Quảng Nam - Đà Nẵng được thí điểm thực hiện cơ chế quản lý mới từ khi có nghị quyết (dự thảo) của Bộ Chính trị 306.

Đến nay xí nghiệp đã tự chủ được các mặt. Năng động, sáng tạo, chuyển hướng sản xuất gắn được với thị trường, chủ động về tài chính, kinh doanh có lãi, tăng được đóng góp ngân sách cho Nhà nước, tăng thu nhập cho công nhân và đã tích lũy mở rộng được sản xuất, giải quyết được việc làm cho lao động ngày càng nhiều hơn.

Rõ ràng cơ chế quản lý mới đã đi vào cuộc sống hướng đi và phát triển của xí nghiệp là đúng đắn và có hiệu quả ...”.

Giữa lúc nhà máy đang ăn nên làm ra, dự án chuẩn bị tiếp nhận dây chuyền 200 máy dệt Liên Xô được 2 Chính phủ ký kết theo Hiệp định 19 tháng 5, bao công sức, tiền bạc đầu tư giải phóng mặt bằng gần 60.000m2 tại cơ sở 2 dở dang thì tình hình chính trị tại Liên Xô và các nước Đông Âu bị khủng hoảng. Sản phẩm nhà máy xuất theo nghị định thư không còn tiếp tục. 70% năng lực sản xuất tại nhà máy bị ngưng trệ, hàng trăm công nhân mất việc làm. Trước bờ vực nhà máy có nguy cơ phá sản, lãnh đạo nhà máy vận dụng khẩu hiệu hành động “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”, kêu gọi cán bộ, công nhân viên tự nguyện cho nhà máy mượn tiền để phát triển thêm ngành may mặc. Từ những khoản tiền chắt chiu của anh chị em đóng góp được trên 500 triệu đồng, nhà máy đầu tư một xí nghiệp may giải quyết được việc làm cho 300 lao động dôi dư.

Với sự ra đời xí nghiệp may, nhà máy được tỉnh cho phép chuyển đổi thành công ty với tên gọi Công ty Dệt may 29-3 có chức năng sản xuất, xuất nhập khẩu trực tiếp mở ra thời kỳ mới cho công ty cơ cấu lại thị trường từ xuất khẩu sang Liên Xô, Đông Âu sang thị trường Đài Loan, Nhật và các nước Tây Âu…

(Còn nữa)

Chỉ tính gần 10 năm hoạt động theo mô hình cổ phần hóa, các chỉ tiêu đều tăng một cách đáng khích lệ (nếu so sánh 2015 với 2006)

- Giá trị sản xuất công nghiệp hơn 7 lần

- Doanh thu tiêu thụ hơn 6 lần

- Kim ngạch xuất khẩu hơn 6 lần

- Nộp ngân sách hơn 14 lần

- Tổng số lao động trên 4.200 người

- Thu nhập bình quân người lao động đạt gần 7 triệu đồng/người.

Dự kiến năm 2016 các chỉ tiêu tăng từ 10% đến 15%, công ty quyết định sắp xếp để người lao động được nghỉ Tết 11 ngày và tiền thưởng tháng lương thứ 13 bình quân 10 triệu đồng/người; người thấp nhất không dưới 8 triệu đồng.

Huỳnh Văn Chính

.