Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng mà tiền thân là Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng được UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cho phép thành lập vào năm 1991, trước khi Hội Khuyến học Việt Nam ra đời 5 năm.
Đầu năm 1997, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và cũng ngay sau đó, Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 42/QĐ-UB ngày 03-3-1997 của UBND thành phố Đà Nẵng trên cơ sở tách ra từ Hội Khuyến học Quảng Nam-Đà Nẵng.
Tổ chức khuyến học được thành lập mới tại Đà Nẵng là sự tiếp nối phong trào khuyến học được xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ 20 và tiếp tục được duy trì cho đến ngày giải phóng do cụ Huỳnh Thúc Kháng, nguyên quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một chí sĩ yêu nước, một người học rộng tài cao khởi xướng.
Từ 1997 đến năm 2013, ông Phạm Đình Hảo giữ chức vụ Chủ tịch Hội; ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành Ủy Đà Nẵng làm Chủ tịch danh dự của Hội. Nhiệm kỳ V (2013-2018) là thời kỳ nhiệm vụ công tác khuyến học chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng trao thưởng cho các em đạt giải thưởng Khuyến tài Huỳnh Thúc Kháng năm học 2015 - 2016. Ảnh: Phương Trà |
Phát huy truyền thống khuyến học và hiếu học của nhân dân xứ Quảng, trong 20 năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ. Hoạt động khuyến học đã thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội và đã đạt được một số thành tựu lớn, góp phần đáng kể vào quá trình xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng từ 1997 đến nay:
- Một là, khơi dậy và phát huy truyền thống khuyến học và hiếu học thông qua các hoạt động hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường, động viên kịp thời phong trào thi đua 2 tốt, ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học, góp phần vào công tác an sinh xã hội của thành phố.
Thông qua cấp học bổng dài hạn, ngắn hạn và đột xuất cho học sinh mồ côi, học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh có gia cảnh khó khăn, khuyết tật, học sinh là con cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; hàng vạn học sinh đã được nhận học bổng, hàng nghìn học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn đã được giúp đỡ trở lại trường, góp phần thực hiện có kết quả Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy, không để trẻ em nào phải bỏ học vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn.
Nhờ đó, Đà Nẵng đã trở thành một trong những địa phương có tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng thấp nhất nước. Để động viên tinh thần hiếu học của học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Hội Khuyến học thành phố cũng chú trọng khuyến khích học sinh vượt khó học giỏi thông qua giải “Học sinh vượt khó học giỏi”.
Tổ chức khen thưởng cho học sinh vượt khó học giỏi, học sinh đỗ đại học là hoạt động khuyến học sôi nổi thường niên của các địa phương, các tộc họ nhằm khích lệ các em trước khi bắt đầu năm học mới. Hằng năm, UBND thành phố và Đại học Đà Nẵng tổ chức khen thưởng cho các em học sinh đỗ thủ khoa vào các trường đại học trong cả nước và tại các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng. Đặc biệt, từ năm học 2016-2017, Hội Khuyến học và Sở GD-ĐT tổ chức giải thưởng “Học sinh xuất sắc toàn diện tiêu biểu” với phần thưởng danh dự của đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh.
Cùng với việc trao học bổng cho học sinh con hộ nghèo, học sinh hiếu học vượt khó, Hội Khuyến học thành phố và các cấp Hội hằng năm tổ chức vinh danh những học sinh xuất sắc tiêu biểu, khen thưởng học sinh giỏi thông qua giải Khuyến tài Huỳnh Thúc Kháng (đến nay đã qua 18 lần trao giải với 527 học sinh xuất sắc được khen thưởng) và giải khuyến tài của các quận, huyện. Phong trào khen thưởng học sinh giỏi nhân ngày 1-6 đã trở thành hoạt động tôn vinh học sinh hiếu học, học sinh giỏi không chỉ của ngành giáo dục và Hội Khuyến học mà là phong trào chung của tất cả các địa phương, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức xã hội và cộng đồng nhân dân trong toàn thành phố. Đã xuất hiện nhiều tấm gương hiếu học, học giỏi làm rạng danh thành phố (đã có 25 em học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế), được lãnh đạo thành phố có chính sách khen thưởng đậm tính động viên khuyến học cho cả trò lẫn thầy.
- Hai là, huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội vì mục đích khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tổng kinh phí huy động từ sự đóng góp của nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội từ thiện, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, tổ chức nước ngoài tài trợ xây dựng Quỹ khuyến học của thành phố và các địa phương trong 20 năm qua gần 150 tỷ đồng.
Số tiền ấy đã được dùng để giúp đỡ học bổng và phương tiện học tập cho hàng vạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn và động viên khen thưởng hàng vạn học sinh có thành tích học tập tốt. Riêng 5 năm gần đây, bình quân mỗi năm Quỹ khuyến học toàn thành phố đã huy động được 15 tỷ đồng; trong đó, đóng góp của nhân dân và các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức xã hội từ thiện chiếm tỷ lệ 70%; tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ chiếm 20% và tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài thành phố ủng hộ chiếm 10%.
Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm vẫn tiếp tục gắn bó, đồng hành cùng Hội Khuyến học thành phố bằng các chương trình tài trợ học bổng khuyến học khuyến tài trong nhiều năm như ngành ngân hàng thành phố Đà Nẵng, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng, Tổ chức Care the People (từ thiện Ý), tổ chức Đông Tây Hội ngộ với các chương trình học bổng dài hạn Spell cho học sinh THCS, THPT và học bống Spell goes to College cho sinh viên đại học, cao đẳng, Tổ chức Passerelles Numeriques Vietnam (PNV- Pháp ), Công ty CP Dược phẩm Imexpharm, Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng, Tổng Công ty công trình giao thông 5, Công ty CPXD Bắc Nam 79, Báo Công an Nhân dân, Báo Công an Đà Nẵng, Công ty Bảo hiểm Prudential, Hội đồng hương Đà Nẵng tại TP. Hồ Chí Minh, Hội đồng hương Hòa Vang tại TP. Hồ Chí Minh …
Suốt 20 năm qua, có biết bao tấm lòng vàng đến với khuyến học, từ những người lao động thu nhập thấp như các anh trong Đội xe thồ tự quản đến các doanh nhân thành đạt, từ những công dân bình thường đến các vị lãnh đạo thành phố và các cơ quan, đơn vị đã hưởng ứng chủ trương “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ khuyến học”, đã đăng ký giúp đỡ dài hạn cho nhiều em học sinh khó khăn; đã ủng hộ kinh phí cho Hội Khuyến học trao học bổng cho học sinh nghèo.
Và cũng xiết bao cảm động khi Hội Khuyến học đón nhận nghĩa cử cao đẹp đầy lòng nhân ái của các vị mạnh thường quân đặc biệt như ông Phạm Hồng Quang, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà, Trưởng ban Dân vận Đặc khu ủy đã viết di chúc cho con cháu cúng toàn bộ tiền phúng điếu đám tang của mình cho Hội Khuyến học để giúp học bổng cho học sinh nghèo; cựu Đại tá Lâm Quang Minh (94 tuổi) đã dành một phần tiền bán nhà để trao cho Hội Khuyến học giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn; bà Nông Thị Ngọc Minh, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố đã dành tiền lương hưu của mình mỗi năm tặng hàng chục suất học bổng cho học sinh dân tộc Cơtu đang theo học tại Trường THCS Hòa Bắc; ông Nguyễn Bá Thanh lúc sinh thời, hằng năm cũng bảo trợ học bổng cho hàng chục em học sinh nhà nghèo…
Đặc biệt, trong những nhà tài trợ học bổng khuyến học cho học sinh nghèo hiếu học thành phố, có một mô hình khuyến học tiêu biểu, độc đáo rất đáng được vinh danh. Đó là quỹ học bổng ngành ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng chủ trì, quy tụ các ngân hàng thương mại trên địa bàn hình thành nên quỹ học bổng này.
Từ năm 2013 đến nay đã có 1.800 em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn được nhận học bổng khuyến học với tổng số tiền là 1,8 tỷ đồng từ sự đóng góp của các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính trên địa bàn, trong đó, các ngân hàng đóng góp số tiền lớn như: Ngân hàng TMCP Kiên Long, BIDV, ACB, Sacombank, Sài Gòn, Đông Á, Eximbank, Xăng dầu… Một mô hình khuyến tài cũng xứng đáng vinh danh là sự đồng hành của Công ty CP Dược phẩm Imexpharm với giải thưởng Khuyến tài Huỳnh Thúc Kháng trong suốt 12 năm liền tài trợ cho giải, đã và đang động viên phong trào học sinh giỏi thành phố.
Một điều cũng rất vui mừng là một bộ phận các em học sinh, sinh viên đã từng nhận học bổng của Hội Khuyến học nay đã trưởng thành, quay trở lại tự nguyện giúp đỡ đàn em đang gặp khó khăn như là một cử chỉ trả ơn sự giúp đỡ của xã hội, của Hội Khuyến học và các mạnh thường quân trước đây.
(Còn nữa)
TRẦN ĐÌNH LIỄN