.
Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới

Đà Nẵng với chủ quyền quốc gia tại quần đảo Hoàng Sa

.

Ngày 6 tháng 11 năm 1996, Quốc hội khóa IX nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tại kỳ họp thứ năm, ra Nghị quyết tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, từ ngày 1 tháng 1 năm 1997, thành phố Đà Nẵng chính thức trở thành phố trực thuộc Trung ương. Huyện đảo Hoàng Sa là đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Đà Nẵng(1) .

Tuy nhiên, như mọi người đều biết, từ năm 1956, Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa lúc ấy do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hợp Quốc can thiệp. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lúc đó cũng đã ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này.

Trong bối cảnh đặc biệt như vậy, làm thế nào để thể hiện chủ quyền của mình đối  với đơn vị hành chính đặc biệt này trên lời nói và trong thực tiễn?. Ý thức được trách nhiệm với các thế hệ tiền nhân đã tốn xương máu đã khai thác và làm chủ mãnh đất thiêng liêng này, trong hai mươi năm qua, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng có nhiều hoạt động thiết thực để khẳng định và bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.

1. Khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc tại quần đảo Hoàng Sa và trên Biển Đông trên thực địa

Từ xa xưa các thế hệ tiền nhân đã chiếm hữu và khai thác trên các đảo đá quần đảo Hoàng Sa, đồng thời vùng biển khu vực quần đảo Hoàng Sa với diện tích 16.000km2 là ngư trường đánh bắt hải sản của ngư dân miền Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Việc Trung Quốc cưỡng chiếm các đảo, nhưng ngư dân ta vẫn tiến hành hoạt động đánh bắt cá bình thường tại vùng biển này. Đó cũng là sự thể hiện chủ quyền của Việt Nam trên thực địa.

Được sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền các địa phương thông qua các chính sách và biện pháp thiết thực đã khuyến khích và bảo hộ cho ngư dân hành nghề đánh bắt hải sản tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa, bởi đó không chỉ là một sự mưu sinh bình thường mà còn khẳng định sự có mặt thường xuyên của người Việt Nam tại vùng biển đảo thuộc chủ quyền của mình.

Thành phố cho ngư dân vay vốn để đóng tàu đi biển dài ngày, mua bảo hiểm cho 2.000 thuyền viên, hỗ trợ cho ngư dân khai thác hải sản theo hướng bền vững ở vùng biển chủ quyền Hoàng Sa.

Cộng đồng ngư dân Đà Nẵng tích cực hưởng ứng và tham gia phong trào “tự quản, tổ, đội tàu thuyền, bến bãi vùng biển” trong phong trào xây dựng và bảo vệ vùng biển. Từ phong trào này, nhiều mô hình, sáng kiến đã đem lại hiệu quả thiết thực trong cuộc đấu tranh để khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Hình thành tổ tự quản an ninh, trật tự; tổ tự quản bến bãi; tổ tàu thuyền an toàn đã góp phần giúp ngư dân mạnh dạn vươn ra khơi xa bám biển, nhất là vùng Hoàng Sa – một trong những ngư trường chính của ngư dân Đà Nẵng. Điều đáng nói, phong trào không chỉ có tính thiết thực về vấn đề đời sống, sản xuất của ngư dân mà quan trọng hơn chính là nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy sức mạnh của nhân dân trong cuộc đấu tranh để khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam (năm 2014), các tàu ngư chính của Trung Quốc ngăn cản, thậm chí đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng đang đánh bắt hải sản ở ngư trường truyền thống này, nhưng ngư dân Đà Nẵng không khuất phục và kiên cường bám biển.

Những việc làm thiết thực đó đã góp phần nâng cao ý thức về chủ thức về chủ quyền biển, đảo của ngư dân. Chính vì vậy, nhiều ngư dân Đà Nẵng và miền Trung dấn thân như “sói biển” Mai Phụng Lưu, thuyền trưởng Lê Văn Chiến, thuyền trưởng Nguyễn Thừa... cùng hàng nghìn ngư dân khác kiên cường bám biển. Trong cuộc đấu tranh để bảo vệ và khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và cả Trường Sa, nhiều ngư dân đã ra đi và mãi không về (2).

Thật cảm động khi đọc những thông tin mà Báo Dân Việt đăng lời tâm sự của Hồ Ngọc Thạnh, thuyền trưởng tàu cá ĐNa 90449, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng, rằng: “Nhiều người tưởng ngư dân chúng tôi là vô tư, chỉ biết đánh cá và uống rượu, không quan tâm chính sự. Điều đó là không đúng. Mình không đối đầu với họ, nhưng kiên quyết không bỏ biển, dù mỗi chuyến đi đôi khi chỉ đủ bù chi phí.

Họ đuổi mình vào, đêm tối [mình] lại ra khơi, không bao giờ Trung Quốc cấm được chúng tôi” (3). Và đúng như cách ví của Dân Việt, những ngư dân bám biển như Hồ Ngọc Thạnh cũng chính là “những cột mốc trên Biển Đông”.

(Còn nữa)

PGS, TS Trương Minh Dục Học viện Chính trị khu vực III


(1) Trước đó, theo Quyết định số 194 - HĐBT ngày 19 tháng 12 năm 1982, quần đảo Hoàng Sa là bộ phận của huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được nâng lên thành đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

(2) Báo Thanh Niên, ngày 21 tháng 7 năm 2011.

(3) Báo Dân Việt – bản điện tử của báo Nông thôn Ngày nay, cập nhật, ngày 15/6/2011.

;
.
.
.
.
.