Sự phát triển của Đà Nẵng trong 20 năm qua được chứng minh nhiều trong các báo cáo và cả trên thực tế. Sự phát triển đó cũng được công nhận không chỉ trong nước mà còn của quốc tế; là nhận xét, đánh giá trong các cấp lãnh đạo và cả của người dân. Ai đến Đà Nẵng đều cảm nhận sự hấp dẫn, thú vị của thành phố, nếu chưa đến thì cũng cảm nhận qua hình ảnh và dư luận, mong muốn ít nhất một lần được đến. Có được cái kết đó không phải điều dễ dàng, nó phản ánh chất lượng của sự phát triển, có những thời điểm được dư luận đánh giá là “ấn tượng Đà Nẵng, hiện tượng Đà Nẵng...”, nổi lên những nét riêng, với sự bức phá, sáng tạo, chủ động.
Sự phát triển ấn tượng của Đà Nẵng mang đậm dấu ấn các thế hệ lãnh đạo thành phố.Ảnh: MINH TRÍ |
- Ấn tượng phổ biến lâu nay về Đà Nẵng, là một thành phố có quy mô vừa tầm, không to quá và cũng không nhỏ quá, tuy nhiên, Đà Nẵng lại là thành phố có vai trò vị trí trọng yếu cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; là đầu mối giao thông quan trọng của đất nước và khu vực. Trước năm 1975, Đà Nẵng chủ yếu là một thành phố tiêu dùng và phục vụ chiến tranh. Cảm nhận sâu sắc sau hơn 40 năm xây dựng và phát triển từ sau ngày giải phóng là Đà Nẵng đã thực sự thay da đổi thịt, đã có một diện mạo khác và là một trong những địa phương có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển chung của cả nước.
Đặc biệt, trong 20 năm vận hành theo cơ chế là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, thành phố đã có những đổi mới mạnh mẽ về tư duy và cách làm, đã phấn đấu chiếm lĩnh từng mục tiêu đề ra một cách vững chắc, đạt được nhiều kết quả quan trọng và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là về công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng, mở mang đô thị, phát triển du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công tác cải cách hành chính, giải tỏa đền bù, công tác cán bộ…
Những năm lại đây, khi nói đến Đà Nẵng là nói đến quy hoạch, phát triển đô thị, đặc biệt trong điều kiện khó khăn chung, nhưng Đà Nẵng vượt lên và đạt kết quả nổi bật trên lĩnh vực này. Quy hoạch tổng thể Đà Nẵng khá hợp lý, quản lý đô thị rất tốt, quy mô đô thị được mở rộng. Có thể thấy, ngay từ đầu Đà Nẵng đã có một tầm nhìn về quy hoạch rõ ràng và có trách nhiệm nhất quán. Trên cơ sở nắm vững quy hoạch đó, đồng thời nắm chắc các nguồn vốn đất đai, ngân sách, tài chính, thành phố đã có những quyết định đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, dám làm và dám chịu trách nhiệm đến cùng. Chỉnh trang hợp lý, hiện đại; đô thị hóa rất nhanh, nhưng nhanh trong trật tự, có kế hoạch, quy hoạch, nhanh trong quản lý đô thị hóa.
Về mặt lý thuyết ai cũng biết cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, lịch sử phát triển xã hội loài người nói chung, lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm nay của dân tộc ta nói riêng đã cho thấy, sự nghiệp cách mạng của quần chúng chỉ đi đúng hướng và đạt được thành công như mong muốn khi có được sự lãnh đạo đúng đắn của những người đứng đầu.
Và ở Đà Nẵng những năm qua, rất đáng mừng là Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, đặc biệt là người đứng đầu luôn nắm vững vai trò lãnh đạo của mình đối với mọi hoạt động và sự phát triển của Đà Nẵng. Lãnh đạo Đà Nẵng luôn tìm kiếm, đưa ra các cơ chế và chính sách mạnh dạn, nhưng phù hợp với xu thế phát triển, phù hợp với lòng dân để thu hút các nguồn lực, biến nguồn lực tiềm năng thành nguồn lực thực tế, tăng giá trị sử dụng, giá trị quỹ đất vốn có của địa phương, hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư. Và trong điều kiện ngân sách khó khăn không phải địa phương nào cũng làm được, hoặc muốn làm nhưng cũng không làm được - là dấu ấn lãnh đạo ở thành phố.
Những năm đầu sau chia tách, trong điều kiện kinh tế còn eo hẹp, đời sống còn thấp, kết cấu hạ tầng đô thị lạc hậu, thành phố đề ra chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, vận động nhân dân đóng góp hàng trăm tỷ đồng và hàng chục ngàn mét vuông đất để triển khai các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Tiếp theo là chủ trương “tạo vốn từ quỹ đất” đã đem lại hiệu quả quan trọng, khai thác tốt nguồn nội lực và tạo cho ngân sách nguồn vốn khá lớn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, trong đó hạ tầng giao thông được đầu tư nhanh theo hướng “kéo dài bờ biển, kéo dài dòng sông”, làm biến chuyển một thành phố từ thực trạng “quay lưng ra sông, ra biển”, sang một thành phố hiện đại “nhìn thẳng ra Biển Đông” của Tổ quốc.
Thành phố cũng nhanh chóng hoàn thành việc xóa những khu dân cư ổ chuột, khu nhà chồ nhếch nhác ven bờ sông Hàn, ven bờ biển Thuận Phước; mở rộng và xây mới hàng loạt các khu dân cư và khu đô thị mới, cũng như xây nhiều khu công nghiệp tập trung..., làm tiền đề, điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư đến Đà Nẵng.
Với đặc điểm hành chính - đô thị nhỏ gọn, trong quản lý, thành phố từng bước tập trung hóa chức năng, quản lý thống nhất đô thị qua một đầu mối, như: chức năng quy hoạch (thống nhất qua Hội đồng quy hoạch - kiến trúc và cơ quan thường trực là Sở Xây dựng).
Quản lý đất đai cũng đưa về một đầu mối qua Sở Tài nguyên - Môi trường, không phân cấp quá sâu cho quận, huyện như một số thành phố lớn khác. Xây tòa nhà Trung tâm Hành chính là theo cách quản lý tập trung như ở các đô thị trên thế giới. Đà Nẵng cũng có một thời kỳ “lách luật” để đi theo hướng quản lý tập trung đầu mối nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý, vai trò, quyền lực và trách nhiệm người đứng đầu, hướng đến một đô thị sống tốt, lấy người dân làm trung tâm; mọi chỉ tiêu phát triển mang tính bền vững, tăng trưởng kinh tế gắn với chất lượng cuộc sống của người dân và hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
Càng về sau, các quan điểm đúng trong xây dựng thành phố theo hướng hiện đại; thu hút đầu tư công nghệ cao, thân thiện môi trường, từ chối những dự án có khả năng gây ô nhiểm môi trường; mạnh dạn đề ra mục tiêu xây dựng Đà Nẵng là thành phố yên bình, thành phố đáng sống... dần được hình thành, triển khai thực hiện.
- Đà Nẵng cũng luôn coi trọng việc củng cố sự vững mạnh của hệ thống chính trị, dựa vào hệ thống chính trị để tổ chức, vận động quần chúng nhân dân, lấy sức bật từ sự đồng thuận làm nền tảng tinh thần, động lực mới cho phát triển.
Là một thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh. Kinh tế đạt tốc độ tăng trương khá cao, GRDP bình quân hàng năm tăng trên 10%, GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 2.900 USD. Đời sống vật chất và văn hóa của người dân cũng dần được cải thiện.
Trong quá trình đó, thành phố phải di dời giải tỏa và tái định cư cho hơn 120.000 hộ dân. Một khối lượng công việc to lớn như vậy nếu không có hệ thống chính trị vững mạnh, không được sự đồng tình ủng hộ và thục hiện của nhân dân thì chắc cùng không sao làm nổi? Với người dân kiên trung, giàu truyền thống cách mạng, giàu tâm huyết với sự nghiệp đổi mới, luôn đặt đại cuộc lên trên cá nhân, sẵn sàng hy sinh, đóng góp cho cái chung; với đội ngũ cán bộ, đảng viên có tinh thần trách nhiệm, có năng lực tổ chức thực hiện; với vai trò của Mặt trận tổ quốc, của các hội, các đoàn thể nhân dân đã được phát huy đúng mức và đều tay… người Đà Nẵng đã làm nên được điều đó - là ấn tượng Đà Nẵng.
- Đà Nẵng luôn luôn kết hợp hài hòa giữa phát triển toàn diện, đồng bộ với phát triển trọng điểm, giữa những vấn đề bức xúc hiện tại với những vấn đề phục vụ cho phát triển lâu dài.
Qua từng kỳ Đại hội Đảng bộ, nhiệm kỳ HĐND thành phố bên cạnh phương nhiệm vụ, giải pháp, các chỉ tiêu tổng hợp của kế hoạch hằng năm và 5 năm mà cả nước và mỗi tỉnh đều có, thì Đà Nẵng còn đưa được ra các đột phá chiến lược cho từng nhiệm kỳ, chương trình mục tiêu hành động cho từng giai đoạn, chủ đề phấn đấu cho từng năm rất rõ ràng, hợp lòng dân, dễ nhớ, dễ kiểm tra và kiên trì thực hiện: 12 Chương trình thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Chương trình “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có”, Chương trình “Thành phố môi trường”; “Năm công tác cán bộ và cải cách hành chính”, “Năm giải tỏa đền bù, tái định cư”, “Năm Doanh nghiệp”, “Năm văn hóa, văn minh đô thị”… đều được nhất quán, tự giác thực hiện trong nhiều năm qua, đã đạt được những kết quả rất đáng trân trọng. Hiện nay tiếp tục là Chương trình “thành phố 4 an”.
Điều đó làm cho yên dân, cảm nhận sự hài lòng của người dân địa phương, du khách trong và ngoài nước đến thành phố, là cách làm sáng tạo, chủ động của Đà Nẵng trong khi nhiều địa phương khác chưa làm được.
(Còn nữa)
Phạm Quý