.
Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới

Giữ vững ổn định quốc phòng - an ninh; mở rộng hội nhập quốc tế

.

(Tiếp theo kỳ trước)

4. Giữ vững ổn định quốc phòng-an ninh tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của thành phố.
Quốc phòng và quân sự địa phương luôn được tăng cường chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả. Thành phố đã hoàn thành quy hoạch tổng thể các công trình quốc phòng đến năm 2020; xây dựng thế trận và các tiềm lực khu vực phòng thủ thành phố ngày càng vững chắc; thực hiện có hiệu quả chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, nhất là trong quá trình quy hoạch, xây dựng, triển khai các dự án đầu tư.

Công tác bồi dưỡng, giáo dục kiến thức quốc phòng và an ninh được triển khai sâu rộng. Chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của LLVT thường xuyên được tăng cường. Chỉ tiêu tuyển chọn, gọi thanh niên nhập ngũ hằng năm hoàn thành 100%, bảo đảm chất lượng tốt. Công tác đăng ký, quản lý lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ và công tác hậu phương quân đội được thực hiện nghiêm túc, chu đáo.

Công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo luôn thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết kịp thời một số tình huống xảy ra trên khu vực biên giới biển, thường xuyên đẩy mạnh việc tuyên truyền giáo dục trong nhân dân, nhất là trong học sinh ý thức về chủ quyền biển đảo, kiến thức về lịch sử xác lập và liên tục thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được  bảo đảm và giữ vững ổn định. Thành phố chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các âm mưu, hoạt động phá hoại an ninh quốc gia; đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, giải quyết tệ nạn xã hội đạt kết quả khá tốt.

Trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực; tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí.
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được triển khai sâu rộng và đồng bộ, tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, tăng cường tiềm lực chính trị-tinh thần, củng cố và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.

5. Hoạt động đối ngoại và hợp tác phát triển, hội nhập quốc tế được mở rộng.

Những năm đầu tách tỉnh, công tác đối ngoại của Đà Nẵng chủ yếu tập trung vào công tác đối ngoại chính trị, ngoại giao kinh tế nhưng chủ yếu thiên về tiếp nhận các dự án ODA và NGOs do các chính phủ và tổ chức quốc tế hỗ trợ. Năm 2006 được xem là thời điểm đánh dấu bước phát triển đối ngoại mạnh mẽ nhất khi lần đầu tiên Đà Nẵng được chọn làm địa điểm tổ chức các cuộc họp quan trọng của Hội nghị cấp cao APEC lần thứ XIV. Sự kiện này thể hiện sinh động hình ảnh và vị thế quốc tế ngày càng cao của Đà Nẵng.

Tiếp nối thành công đó, từ năm 2007 đến nay, hoạt động đối ngoại Đà Nẵng  đã có bước phát triển nhanh trên các mặt chính trị đối ngoại, văn hóa đối ngoại và đặc biệt là kinh tế đối ngoại (1). Với thế và lực mới, đối ngoại Đà Nẵng chuyển dần từ việc thụ động tiếp cận các dự án, cơ hội hợp tác sang việc chủ động hội nhập tự tìm kiếm các cơ hội hợp tác phù hợp với hoàn cảnh phát triển của thành phố.

Thành phố duy trì quan hệ đối ngoại, tăng cường hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh về môi trường đầu tư để thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường trong và ngoài nước (2). Hiện nay, thành phố ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ, các ngành dịch vụ chất lượng cao. Điều đó chứng tỏ sức hút của thành phố với tư cách là trung tâm kinh tế năng động khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

(Còn nữa)


(1) Đà Nẵng đăng cai tổ chức nhiều hội thảo quốc tế quan trọng: Tuần lễ hành lang kinh tế Đông - Tây 2007; Hội nghị doanh nhân APEC 2009; Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản 2009; Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao và nhiều hội nghị quan trọng trong năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2010; Hội chợ quốc tế EWEC 2012; Hội nghị cấp cao APEC 2017…

(2) Lũy kế, đến ngày 31-7-2016, thành phố có 17.589 doanh nghiệp đang hoạt động, tổng số vốn đăng ký đạt 73.851 tỷ đồng.; có 252 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn điều lệ đăng ký trên 81 ngàn tỷ đồng.

;
.
.
.
.
.