.
Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới

Nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đồng thuận

.

(Tiếp theo kỳ trước)

6. Năng lực lãnh đạo của Đảng bộ thành phố, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền được nâng lên, kỷ cương, kỷ luật được tăng cường.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố không ngừng được nâng cao là nhân tố hàng đầu bảo đảm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố. Đảng bộ thành phố không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội, bồi đắp cho sự gắn bó máu thịt của nhân dân với Đảng, phát huy và khơi dậy tiềm năng, sáng tạo của nhân dân để xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố.

Việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị 06-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và tiếp đến Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã đi vào đời sống, từng bước trở thành ý thức thường xuyên trong đông đảo cán bộ, đảng viên và có sức lan tỏa trong xã hội, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.

Thực hiện chặt chẽ, đồng bộ các nhóm giải pháp theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Tinh thần tự phê bình, phê bình, xây dựng, tính tiên phong gương mẫu được phát huy; đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng được nâng cao. Công tác tư tưởng được coi trọng; đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, kịp thời đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, góp phần phòng chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, giữ vững trận địa chính trị, tư tưởng, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Chất lượng và hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức cơ sở Đảng được nâng lên, lãnh đạo giải quyết kịp thời nhiều vấn đề phát sinh, khó khăn, bức xúc của nhân dân. Chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng cao, đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên được cải tiến, đi vào thực chất.

Công tác bồi dưỡng, giáo dục, phát triển đảng viên chuyển biến tích cực cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng; số tổ chức đảng kết nạp đảng viên trẻ, nữ và học sinh, sinh viên… được kết nạp Đảng đều tăng. Hằng năm, thành phố có trên 70% số tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch, vững mạnh, trong đó 15% đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu; trên 60% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có trên 6% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Công tác phát triển đảng viên được chú trọng, bình quân mỗi năm phát triển hơn 2.000 đảng viên mới, bảo đảm yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng; tổng số đảng viên toàn Đảng bộ thành phố hiện nay lên hơn 50.000 với trên 600 tổ chức cơ sở Đảng.

Thành phố đã chú trọng sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; đã tiến hành thí điểm mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp; tăng thêm chức danh phó bí thư đảng ủy đối với một số phường xã; củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các tổ chức dưới phường, xã.

Công tác xây dựng chính quyền được đẩy mạnh, phát huy hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, điều hành. Vai trò của HĐND thành phố được phát huy. Việc triển khai thực hiện chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường đạt kết quả tích cực.

Thành phố đã tiến hành điều chỉnh địa giới hành chính, đồng thời tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố theo hướng ngày càng hợp lý hơn và tinh gọn, phù hợp với tiêu chí xây dựng chính quyền đô thị; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan chính quyền từng bước nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.  

Công tác nội chính, cải cách tư pháp được tập trung triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Đã thực hiện tăng thẩm quyền xét xử cho tòa án cấp quận, huyện; củng cố tổ chức bộ máy, kiện toàn cơ quan thi hành án dân sự theo mô hình mới ở 2 cấp; xã hội hóa hoạt động công chứng; nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử và các hoạt động tố tụng, nhất là tranh tụng tại tòa. Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân; củng cố, kiện toàn các cơ quan tư pháp và các tổ chức bổ trợ tư pháp. Quan tâm thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

Một trong những thành tựu nổi bật của Đà Nẵng hai mươi năm qua là công tác cải cách hành chính. Thành phố đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư; triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp; đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh; nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư theo hướng cởi mở, thông thoáng, chủ động tìm kiếm, tiếp cận, mời gọi đầu tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về thành phố, đa dạng hóa phương thức xúc tiến đầu tư… đưa kinh tế đối ngoại thành phố phát triển lên một bước mới.

Những nỗ lực chung về cải cách hành chính tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố sâu rộng trên tất cả lĩnh vực, góp phần đưa Đà Nẵng đến thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng tỉnh, thành theo nhiều chỉ số.

Từ năm 2005-2015, thành phố Đà Nẵng luôn thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu và có chỉ số tốt về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (xếp thứ nhất, nhì nhiều năm liền); chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (dẫn đầu 4 năm liên tiếp); chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (xếp thứ nhì trong 2 năm 2012, 2013, đứng đầu về tiêu chí thủ tục hành chính công); chỉ số cải cách hành chính (dẫn đầu 2 năm liên tiếp 2012, 2013). Nhiều mô hình mới, cách làm mới của thành phố Đà Nẵng được Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước ghi nhận, nghiên cứu.

7. Dân chủ được mở rộng, vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội được phát huy.

Hai mươi năm qua, Đà Nẵng đã tích cực thực hiện sáng tạo nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, không ngừng mở rộng dân chủ trong toàn xã hội, luôn phấn đấu để đạt được mục tiêu: “Đảng nói, dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động, dân theo; Chính quyền làm, dân ủng hộ”.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội tiếp tục được củng cố về tổ chức, đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; có nhiều hình thức phù hợp trong việc vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, phát huy vai trò nòng cốt trong việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự đồng thuận xã hội trong các tầng lớp nhân dân; trở thành chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Đảng bộ và chính quyền các cấp.

(Còn nữa)

;
.
.
.
.
.