Chính trị - Xã hội

Đà Nẵng với chủ quyền quốc gia tại quần đảo Hoàng Sa

07:36, 20/12/2016 (GMT+7)

(Tiếp theo kỳ trước)

2. Khẳng định chủ quyền quốc gia tại quần đảo Hoàng Sa và Biển Đông trên diễn đàn chính trị

Chủ quyền quốc gia tại quần đảo Hoàng Sa và trên Biển Đông không chỉ thể hiện trên thực địa mà được thể hiện trên diễn đàn chính trị.

Từ ngày 2-5 đến 17 -7 -2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ngày 10-7-2014, tại kỳ họp thứ 10, Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa VIII (nhiệm kỳ 2011 - 2016), thông qua Nghị quyết phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam. Nghị quyết khẳng định:

“1. Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam là hành động bất hợp pháp, vi phạm luật pháp quốc tế và xâm phạm thô bạo chủ quyền quốc gia Việt Nam.

Với tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã huy động nhiều tàu, máy bay liên tục cản trở hoạt động chấp pháp và tấn công lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam. Đặc biệt, đã đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân thành phố Đà Nẵng là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, là tội ác đối với ngư dân Việt Nam.

2. Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng cực lực phản đối, lên án và yêu cầu chính quyền Trung Quốc chấm dứt hoạt động và rút ngay không điều kiện giàn khoan Hải Dương - 981 cùng toàn bộ lực lượng hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

3. Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng khẳng định, trước sau như một, quần đảo Hoàng Sa là huyện đảo của thành phố Đà Nẵng, thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép bằng vũ lực từ năm 1974.

4. Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các vị đại biểu dân cử của Trung Quốc, vì sự thật lịch sử, vì công lý và luật pháp quốc tế, vì lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước, có tiếng nói mạnh mẽ yêu cầu chính quyền Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động ngang ngược, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế  và thềm lục địa Việt Nam.

5. Hội đồng Nhân dân thành phố hoan nghênh tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình nhưng rất kiên quyết của nhân dân, nhất là ngư dân thành phố chống lại hoạt động phi pháp của Trung Quốc. Hội đồng Nhân dân và các tầng lớp nhân dân thành phố luôn sát cánh cùng Cảnh sát biển, lực lượng Kiểm ngư và ngư dân đang ngày đêm đấu tranh để giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Hội đồng Nhân dân thành phố kêu gọi toàn thể nhân dân thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, chung sức, chung lòng, hăng hái lao động sản xuất cùng với chính quyền xây dựng thành phố giàu mạnh và kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong đó có huyện đảo Hoàng Sa của Tổ quốc Việt Nam” (1).

Việc Hội đồng Nhân dân thành phố - cơ quan đại diện quyền lực cao nhất của toàn thể nhân dân thành phố, ra nghị quyết thể hiện lập trường và quyết tâm của toàn thể nhân dân Đà Nẵng về chủ quyền đối với quốc gia tại huyện đảo Hoàng Sa - một địa phương do thành phố quản lý và thể hiện quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ khi bị xâm phạm.

Ngày 8-1-2015, trước việc chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ngày 6-1 tuyên bố “thành lập 4 Ban vũ trang nhân dân ở Tam Sa” cũng như việc Trung Quốc tổ chức diễn tập ở đảo Phú Lâm, nơi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trả lời các phóng viên báo chí, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cho rằng, những hành động đơn phương của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và trên Biển Đông thời gian qua đang đe dọa nghiêm trọng an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông và lợi ích trên biển của các quốc gia trên thế giới, đe dọa quan hệ hữu nghị, hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực; đồng thời, phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay các hoạt động phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng như trên Biển Đông để duy trì quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa hai nước và trong khu vực.

3. Triển khai các đề tài nghiên cứu, tổ chức nhiều cuộc hội thảo về Hoàng Sa và Biển Đông nhằm tìm kiếm nguồn tư liệu quý hiện đang được cất giữ trong quần chúng nhân dân, tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền

Đấu tranh để bảo vệ và khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là việc làm lâu dài, khó khăn và hết sức phức tạp, đòi hỏi ý chí, nghị lực và sức mạnh tổng hợp của nhiều nhân tố. Trong đó, việc hệ thống hóa các bằng chứng để chứng minh rằng “quần đảo này là vô chủ trong thời điểm Việt Nam xác lập chủ quyền” và “Việt Nam thực thi chủ quyền liên tục” (2) là những vấn đề có tính mấu chốt. Do đó, việc triển khai các đề tài nghiên cứu, tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học trong và ngoài nước về chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp bách.

Các cơ quan khoa học địa phương và trung ương trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu như: đề tài “Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua tài liệu lưu trữ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa giai đoạn 1954 – 1975”, do ThS. Võ Công Trí chủ trì nghiên cứu; Đề tài “Phông tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa - thành phố Đà Nẵng” do TS. Trần Đức Anh Sơn chủ trì nghiên cứu, đều hoàn thành năm 2011; Đề tài Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua thư tịch Việt Nam và tư liệu nước ngoài do PGS, TS Trương Minh Dục và tập thể các nhà khoa học Học viện Chính trị khu vực III thực hiện trong hai năm 2011 – 2012 và đạt xuất sắc.

Cùng với hoạt động chung của cả nước, các cơ quan khoa học tại thành phố Đà Nẵng đã tổ chức thành công nhiều hội thảo mang tầm quốc gia, quốc tế về vấn đề Biển Đông và Hoàng Sa như: Hội thảo quốc gia về Phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh ở các tỉnh duyên hải miền Trung được tổ chức ngày 23- 9- 2011. Hội thảo “Hợp tác Biển Đông – lịch sử và triển vọng” do Học viện Chính trị khu vực III, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội và Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 12-12-2012 tại Đà Nẵng.

Nhân 40 năm sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa, tháng 1-2014, Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Minh triết Đông Tây thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo nhìn lại quá trình Trung Quốc âm mưu và thực hiện cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Các báo cáo trình bày tại hội thảo đã đưa ra những tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.

Ngoài tư liệu thư tịch, các nhà khoa học chú ý khai thác, sử dụng nguồn tư liệu sống rất có giá trị là những binh sĩ, kỹ thuật viên dân sự dưới thời Việt Nam Cộng hòa từng chiến đấu và làm việc trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong thời điểm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa vào năm 1974. Họ là những nhân chứng lịch sử sống chứng minh chủ quyền của Việt Nam, cũng như là bằng chứng tố cáo hành động phi nghĩa và phi pháp của Trung Quốc.

Khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam (tháng 5-2014), Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Hoàng Sa – Trường Sa – sự thật lịch sử” được tổ chức tại Đà Nẵng đưa ra những chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Thông qua các cuộc hội thảo, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, sưu tầm, công bố tài liệu về chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các cuộc hội thảo là cách thiết thực phát huy sức mạnh trí tuệ Việt Nam trong và ngoài nước và ý kiến của bạn bè quốc tế trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền.

Các nhà khoa học quốc tế, nhất là các nước liên quan trao đổi quan điểm, giải pháp giải quyết tranh chấp trong khu vực một cách hòa bình, tránh xảy ra xung đột trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Chính những hoạt động nghiên cứu và thảo luận này đã góp phần quan trọng đưa Biển Đông vào “ra-đa” kiểm soát của cộng đồng quốc tế; bản chất của tranh chấp trên Biển Đông cũng như các vụ việc xảy ra trên Biển Đông được phân tích, đánh giá trên tình thần khoa học, khách quan để dư luận trong nội bộ từng bên liên quan đến tranh chấp và dư luận quốc tế có thông tin đầy đủ và nhiều chiều hơn. Điều này phù hợp với xu thế quốc tế và tinh thần các quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về giải quyết các vấn đề ở Biển Đông nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng.

Công tác xuất bản đã xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị về Biển Đông và chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản rộng rãi trên cả nước các công trình của các tác giả Đà Nẵng như: Kỷ yếu Hoàng Sa do UBND huyện đảo Hoàng Sa tổ chức biên soạn, ấn hành năm 2012, tái bản 2014; Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu Việt Nam và nước ngoài của Trương Minh Dục, ấn hành năm 2014, tái bản 2015; Nxb. Văn hóa Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh xuất bản công trình “Tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” do TS Trần Đức Anh Sơn chủ biên, năm 2014; Nxb Đà Nẵng xuất bản các công trình: “Huyện đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng thuộc chủ quyền Việt Nam từ thế kỷ XVI”, 2009 của tác giả Nguyễn Phước Tương; “Triều Nguyễn với công cuộc bảo vệ biển, đảo”, 2014 và “Hoàng Sa, Trường Sa chủ quyền Việt Nam”, năm 2015, tái bản 2016 do PGS, TS Đỗ Bang chủ biên; Chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông trên báo Đảng, do Báo Đà Nẵng tổ chức bản thảo, 2015...

Báo Đà Nẵng dành nhiều số chuyên đề tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa.

Ngoài ra, hàng chục bài báo được công bố trên các báo, tạp chí khoa học trung ương và địa phương, các tập san, kỷ yếu khoa học. Trong số đó, đáng chú ý là các công trình của ThS Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Khoa học Lịch sử Đà Nẵng và PGS, TS Ngô Văn Minh, Trưởng khoa thuộc Học viện Chính trị khu vực III công bố trên các tạp chí Xưa & Nay, Sinh hoạt Lý luận, Lịch sử quân sự, v.v...

Các công trình nghiên cứu có ý nghĩa bổ sung một tư liệu quan trọng có giá trị khoa học về lịch sử, pháp lý và thực tế vững chắc để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (và Trường Sa).

(Còn nữa)

PGS, TS Trương Minh Dục Học viện Chính trị khu vực III


(1) Nghị quyết Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng, khóa VIII, nhiệm kỳ 2011 - 2016, kỳ họp thứ 10 ngày 10 - 7- 2014 Phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam.

(2) Monique Cheillier – Gendreau (2011), Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 89- 99.

.