.

Đà Nẵng với chủ quyền quốc gia tại quần đảo Hoàng Sa

.

(Tiếp theo và hết)

4. Tăng cường nhận thức cho người dân về ý thức chủ quyền tại Hoàng Sa và trên Biển Đông

Để nhân dân ta luôn ghi nhớ về mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc hiện đang bị nước ngoài cưỡng chiếm, tại kỳ họp thứ 6 Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa VII diễn ra giữa tháng 7 - 2011 đã thông qua nghị quyết đặt con đường ven biển nối bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) đến địa phận Quảng Nam mang tên đường Hoàng Sa, Trường Sa. Đường Hoàng Sa từ Bãi Bắc đến đường Nguyễn Huy Chương dài trên 10km. Ngày 12 - 8 - 2011, Sở Giao thông vận tải thành phố tiến hành gắn biển tên đường Hoàng Sa, Trường Sa.

HĐND thành phố cũng ra quyết nghị về việc lấy tên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa đặt cho các tuyến đường ở thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, đoạn đường có điểm đầu là đường Trường Sa, điểm cuối là đường Lê Văn Hiến (quận Ngũ Hành Sơn) đề nghị đặt tên đường Đảo Phú Lâm; đoạn đường có điểm đầu là đường 15m chưa đặt tên, điểm cuối là đường 7,5m chưa đặt tên thuộc khu đô thị Hòa Hải đề nghị đặt tên đường Đảo Hữu Nhật; đoạn đường có điểm đầu là đường Võ Văn Kiệt, điểm cuối là đường Nguyễn Duy Hiệu (quận Sơn Trà) đề nghị đặt tên đường Đảo Quang Ảnh; đoạn đường có điểm đầu là đường Lê Văn Thứ, điểm cuối là đường Vương Thừa Vũ đề nghị đặt tên đường Đảo Tri Tôn; đoạn đường có điểm đầu là đường Lê Văn Hiến, điểm cuối là đường Chương Dương đề nghị đặt tên đường Đảo Đá Bắc.

Việc đặt tên Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa cho các đường phố của thành phố, đặc biệt là đặt tên Hoàng Sa cho con đường chạy dọc theo các bãi biển quan trọng của thành phố Đà Nẵng, nơi thu hút nhiều du khách thường xuyên đến tham quan, là việc làm vừa mang ý nghĩa chính trị vừa quảng bá và khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Việc làm này được nhân dân thành phố Đà Nẵng nói riêng, đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài đồng tình ủng hộ và rất tâm đắc.

Tên Hoàng Sa cũng được đặt cho các trường học, các khách sạn, nhà hàng thu hút nhiều khách du lịch.

Các bản đồ, các bản tin dự báo thời tiết của các đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương đều thể hiện chủ quyền và nhắc nhở mọi người dân về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Góp phần nâng cao ý thức về chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, nhiều ca khúc của các nhạc sĩ chuyên nghiệp, nghiệp dư, đập một nhịp cùng những con tim yêu nước hướng về  biển, đảo với các ca khúc: “Nơi đảo xa”,  “Tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình”,... có ý nghĩa giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước đối với vùng đất biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bảo tàng Lịch sử thành phố tổ chức phòng chuyên đề riêng về Hoàng Sa. Các hiện vật được trưng bày tại các cuộc triển lãm có ý nghĩa quan trọng. Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Nhã: “Triển lãm rất có ý nghĩa trong việc góp phần tăng cường nhận thức cho người dân về ý thức chủ quyền Trường Sa - Hoàng Sa và biển đảo Việt Nam”(1).

Ngành giáo dục Đà Nẵng đưa nội dung giảng dạy về chủ quyền Hoàng Sa vào chương trình giảng dạy cho học sinh trong trường học.

Các cuộc triển lãm, hội sách, các cuộc thi tìm hiểu về biển, đảo nói chung, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng được tổ chức là những hoạt động thiết thực nâng cao ý thức của các thế hệ về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Biển Đông.

Đáng chú ý là các cuộc thi viết về Hoàng Sa do Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng chủ trì tổ chức; cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi với chủ đề “Biển, đảo Tổ quốc ta”. Các bài viết hay bức  tranh dự thi không chỉ thể hiện sự sinh động trong nhận thức của các em thiếu nhi trong về biển, đảo; cuộc sống lao động và bảo vệ vùng biển của ngư dân, bộ đội hải quân; mối quan hệ gắn bó quân dân, tình cảm thân thiết của bộ đội và thiếu nhi, mà qua đó còn thể hiện ý thức, tình cảm của các em trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc(2).

Thanh niên, sinh viên Đà Nẵng có những hoạt động tích cực nhằm nâng cao ý thức về chủ quyền quốc gia. Ngày 19-5-2014, hơn 1.000 sinh viên Trường Đại học Đông Á - Đà Nẵng tham gia mít-tinh và kêu gọi bảo vệ hòa bình Biển Đông.

Các bạn sinh viên đã ký tên kêu gọi “Hãy bảo vệ hòa bình biển Đông” và đồng ca những bài hát thể hiện lòng yêu nước như “Tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình”, “Nơi đảo xa”, “Khát vọng tuổi trẻ”… Cán bộ giảng viên và sinh viên nhà trường cũng đã quyên góp được 100 triệu đồng hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân đang ngày đêm kiên trì bám biển giữ vững chủ quyền.

Để giáo dục ý thức về chủ quyền quốc gia cho các thế hệ người Việt Nam, thành phố đầu tư 40 tỉ đồng xây dựng Nhà Trưng bày Hoàng Sa và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2016. Nhà Trưng bày Hoàng Sa có ba tầng với diện tích trên 400m2.

Nhà trưng bày giới thiệu các chặng đường xác lập chủ quyền của Việt Nam kéo dài từ đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18; đưa ra các bằng chứng, tài liệu, bản đồ của phương Tây và cả Trung Quốc thể hiện lãnh thổ của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam mà không hề đề cập đến Hoàng Sa-Trường Sa; các tài liệu, bản đồ của Việt Nam lại thể hiện rất rõ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa đã có từ rất lâu đời.

Việc tổ chức trưng bày sẽ được làm một cách khoa học và gây ấn tượng sâu đậm trong tâm thức người xem về quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của cha ông tại quần đảo này và nuôi dưỡng ý chí, tình cảm bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng xây dựng thư mục gồm 63 cuốn sách được xuất bản và 255 bài báo được đăng tải trên các báo, tạp chí đề cập đến chủ đề Biển Đông và hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa(3).

UBND huyện đảo Hoàng Sa, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội và Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng tổ chức triển lãm các tư liệu mới phát hiện có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng đã tổ chức sưu tầm các bản đồ cổ và tổ chức các cuộc triển lãm ở trong nước và ngoài nước nhằm làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ chính nghĩa của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của dư luận thế giới.

Một kênh quan trọng trong tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam là báo chí nước ngoài. Khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (từ 2- 5 đến 15- 7- 2014), các cơ quan có thẩm quyền Trung ương và Đà Nẵng đã tạo điều kiện cho các phóng viên báo chí của 8 tập đoàn truyền thông quốc tế như Mạng tin tức truyền hình cáp CNN, Đài Truyền hình ABC, Đài CNBC, tạp chí Wall Street Journal (Mỹ), Nhật báo Le Monde, Đài Radio France (Pháp) tại Bắc Kinh, Truyền hình Al Jazeera International (Qata, kênh tiếng Anh),… theo các tàu chấp pháp của Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa đã thông tin chính xác, kịp thời những gì xảy ra ở Biển Đông để cộng đồng quốc tế thấy rõ hành động sai trái của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

Ngoài ra, những bài viết và hình ảnh xuất hiện liên tục trên các tờ báo, hãng thông tấn hàng đầu thế giới như trang tin Bloomberg, AP, BBC, AFP, The New Time và một số hãng thông tin của Pháp, Đức giúp cộng đồng thế giới hiểu rõ hơn về tình hình Biển Đông, giúp Việt Nam thêm tiếng nói của công luận quốc tế để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của mình.

Như vậy, trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và trên Biển Đông, nhân dân Đà Nẵng đã phát huy sức mạnh tổng hợp bằng nhiều hình thức, biện pháp được tổ chức và thực hiện rộng rãi và nhận được sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo quần chúng nhân dân, thực sự tạo ra sức mạnh to lớn trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và trên Biển Đông.

Với việc ngày 12-7-2016, Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) ra phán quyết theo phụ lục VII trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, không thừa nhận đường lưỡi bò mà Trung Quốc đưa ra, người Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng không chỉ có chỗ dựa vững chắc là cơ sở lịch sử và pháp lý về chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, mà có thêm hành lang pháp lý mới trong cuộc đấu tranh khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của mình.

Đà Nẵng, tháng 12-2016

PGS, TS Trương Minh Dục Học viện Chính trị khu vực III


(1)Vietnam Net, thứ  ba, ngày 1-9-2009.

(2) Báo Thanh niên, số ra ngày 30-11-2011, tr. 9

(3) Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng (2016), Thư mục chuyên đề Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, Đà Nẵng tháng 4-2016.

;
.
.
.
.
.