Nghị quyết về chia tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng được Quốc hội thông qua khi những cơn gió lạnh của mùa đông từ phương bắc thổi vào làm se lòng và thổn thức bao trái tim. Vẫn hối hả dòng chảy của nhịp sống, song, trên mỗi nét mặt đều như chờ đợi một điều gì đó vừa gần vừa xa, vừa thương vừa nhớ. Đã bắt đầu xao xuyến, bâng khuâng, đong đầy cảm xúc.
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - nơi ươm mầm cho nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HỢI |
Như chưa hề có cuộc chia ly
Phiên họp cuối cùng của Hội đồng Nhân dân tỉnh ngày 11-1-1997, chuẩn bị cho việc chia đôi nhân sự, những giọt nước mắt lăn dài trên những đôi má của các đại biểu khi nghe bài phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nguyễn Đình An.
Những tên đất, tên làng của chiến trường Quảng Đà, nơi đầu sóng ngọn gió trong cuộc chiến tranh vệ quốc đã được nhắc lại. Đó là Quế Sơn cho một nhóm vũ trang soi đường đi ngang Khu dồn Khánh Bình men đồn Cà Tang về xuôi, kịp cho công việc của Đà Nẵng vào đầu xuân 1969 Kỷ Dậu.
Đó là vùng B Đại Lộc tìm đường đưa cán bộ qua sông Vu Gia về thành phố. Đó là tấm lòng và sự hy sinh của các mẹ, các chị ở Điện Tiến, Điện Thọ, Điện Hòa, Gò Nổi, thầm lặng chuẩn bị cho cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, chi viện cho Đà Nẵng những người con ưu tú nhất.
Ngày đó, như câu thơ của Thu Bồn: “Đà Nẵng gọi ta như người mẹ gọi con/ Như người yêu gọi người yêu xa cách”. Đà Nẵng là cái gì đó vô cùng gần gũi và thiêng liêng với mỗi người dân xứ Quảng… (Xem Nguyễn Đình An, Ngày ấy, NXB Đà Nẵng, 2004, trang 234, 235). Bài phát biểu kết thúc bằng một dòng thơ trong bài Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ, nhà thơ đã ngã xuống ở núi rừng Trà My, Quảng Nam. Cả người đọc và người nghe như ngưng lại trong nước mắt.
Và rồi, vào ngày Nguyên tiêu của năm Đinh Tỵ, khi trời còn mờ lạnh, đoàn xe tiễn đoàn cán bộ, công chức tỉnh Quảng Nam vào thị xã Tam Kỳ, tái lập tỉnh khởi hành. Hai bên đường, dọc theo quốc lộ 1A, dân chúng đứng chen nhau, vẫy tay đón chào. Có những người vợ, chở con đằng sau, bằng mô-tô, đi cạnh đoàn.
Thỉnh thoảng, đứa con đưa tay lên, gọi bố, cả hai mím môi, không dám nhìn nhau. Cảnh tượng ấy khó nhòa trong bao người, dẫu đến hôm nay. Nhưng, cuộc sống vẫn băng về phía trước, vẫn phải ổn định để đi tới và phát triển, để xứng đáng với công lao mở cõi của cha ông, kể từ năm 1471, khi Lê Thánh Tông lập đạo thừa tuyên Quảng Nam, dưới vương triều Hồng Đức.
20 năm qua, nhiều lứa học sinh vào đời, trưởng thành. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh. Ảnh: PHAN NGUYỆT |
Những mùa quả ngọt
Nhớ lại những năm tháng đầy ấn tượng ấy, những người làm giáo dục không thể nào quên bao bộn bề, bao trăn trở. Vẫn còn đó những khó khăn của các xã miền núi, cả về cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo. Vẫn còn đấy những đêm đỏ đèn thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học-xóa mù chữ tại những xóm nghèo nằm ở phía nam chân đèo Hải Vân của phường Hòa Hiệp Bắc, của các thôn thuộc xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang.
Vẫn còn đó những ngày lũ tràn về của năm 1998, 1999, cả cánh đồng Hòa Xuân, Hòa Châu chìm trong biển nước. Thương quá chị cán bộ thư viện Trường THCS Hòa Nhơn, cả đêm dầm mình trong nước, lạnh cóng, đưa hồ sơ, sách vở lên gác.
Vẫn còn đó bao nhiêu khó khăn của các gia đình chính sách ở một vùng đất gan góc, anh hùng, nổi tiếng cả nước (số liệt sĩ/Mẹ Việt Nam anh hùng của Quảng Nam: 53.763/11.659, Đà Nẵng: 11.494/2.020) đang lo từng ngày miếng ăn, việc học cho con em. Vẫn còn đó những đóng góp thầm lặng của 13.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, góp phần cho thành tựu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài”. Vẫn còn đó những trái tim nhân hậu của các thầy cô giáo nuôi và dạy tại Trường Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, Tương Lai, Làng Hy Vọng, phấn đấu thực hiện tốt Tuyên ngôn về Quyền của những người khuyết tật của Liên Hợp Quốc.
Hai mươi năm qua, tùy tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học và thực tiễn của thành phố, ngành đã kiên trì kiến nghị các cấp, từ địa phương đến Trung ương đầu tư về những lĩnh vực xây dựng cơ bản, thiết bị giáo dục, chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, đổi mới giáo dục phổ thông…
Sau những trận lũ lịch sử, rồi đến hai cơn bão Xangsane, Chanchu (2006), ngành đã tham mưu tầng hóa trường học các xã/ phường như Hòa Xuân, Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Khương, Hòa Quý…
Những công trình trường lớp được kiên cố hóa không chỉ đem lại sự thay đổi bộ mặt giáo dục ở nông thôn, mà sâu xa hơn, nơi đó còn là địa điểm tránh bão lũ của người dân, góp phần làm giảm thiệt hại về người và của.
Những công trình trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, theo lộ trình, đã được xây dựng trên toàn địa bàn thành phố. Tổng diện tích xây dựng, tính đến năm 2016: 872.000m2. Nhiều trường trọng điểm chất lượng cao được đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho mỗi trường như THCS Nguyễn Khuyến, THPT chuyên Lê Quý Đôn, THPT Phan Châu Trinh.
Hai mươi năm qua, nhiều trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT ra đời, đáp ứng nhu cầu học tập của con em, nhất là những vùng khó khăn, miền núi, vùng có đồng bào tôn giáo, dân tộc, nổi bật là việc xây dựng trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, một mô hình giáo dục tiên tiến, góp phần không nhỏ cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố. Đà Nẵng có một hệ thống trường lớp hoàn chỉnh, trong đó chú trọng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia các bậc học.
Hai mươi năm qua, trình độ dân trí của thành phố nâng lên rõ rệt, góp phần to lớn vào chương trình “Thành phố 5 không”, trong đó, có mục tiêu: không có người mù chữ (bây giờ nâng mục tiêu: Không có trẻ em bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn). Kết quả này góp phần đưa HDI (chỉ số phát triển con người) của Đà Nẵng xếp vị trí thứ ba, thứ tư của cả nước.
Nhiều năm liền, Báo Đà Nẵng số Xuân đã bình chọn giáo dục là một trong mười sự kiện của thành phố. Hai mươi năm qua, có một nét son đáng trân trọng, đó là kết quả học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Đà Nẵng đã tạo nên Những gương mặt vàng nổi bật ở nhiều bộ môn, nhiều lĩnh vực, có thể sánh với những địa phương có truyền thống giáo dục của cả nước.
Hai mươi năm, chặng đường chưa dài, song, có thể nói, những mục tiêu quan trọng về dân trí, nhân lực, thì giáo dục - đào tạo Đà Nẵng đã bứt phá, vượt lên phía trước, về đích sớm hơn so với nhiều tỉnh, thành của cả nước.
Nhiều thầy cô giáo, với nỗ lực không ngừng của bản thân cộng với sự hỗ trợ của đồng nghiệp, với quá trình cống hiến cho sự nghiệp trồng người, Chủ tịch nước đã phong tặng Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Huân chương Lao động cho các nhà giáo làm công tác giảng dạy và quản lý giáo dục. Nhiều đơn vị trường học đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba và Bằng khen của Thủ tướng. Hai mươi năm, bao mái đầu bạc trắng, thức với từng trang giáo án, từng bài tập hay, đốt cháy mình để thổi bùng ngọn lửa tin yêu và hy vọng, gửi khát khao của cuộc đời cho bao thế hệ trẻ. Không có những điều như thế, sẽ không có hoa thơm quả ngọt hôm nay.
Hai mươi năm. Biết bao nhiêu tình, bao nhiêu nghĩa, bao nhiêu lứa học sinh vào đời, trưởng thành, cống hiến cho khoa học, cho quê hương, đất nước. Chắc trong trái tim, trong vùng sâu thẳm nhất của mỗi người thầy, vẫn còn đó những kỷ niệm khó quên của sự nghiệp trồng người. Chúng ta biết ơn các thế hệ lãnh đạo thành phố đã chăm lo công tác giáo dục. Chúng ta tri ân những bè bạn gần xa, bao năm đã kề vai, chung tay vì một Đà Nẵng thân yêu.
Những ngã đường năm xưa, giờ đã thay da đổi thịt. Cuộc sống tươi mới hơn. Những bước chân đến trường không phải băng qua các con đường lầy lội, nhỏ hẹp. Những chiếc cầu đã nối các bờ vui, xôn xao bao niềm hạnh phúc. Những chuyến đò ngang sớm chiều qua sông Hàn đã lùi vào quá vãng. Những ngôi trường với trang thiết bị hiện đại mọc lên trên từng năm học.
Hai mươi năm, đồng hành với thành phố, giáo dục-đào tạo cũng có những chuyển biến to lớn và nhân văn. Ước gì được đi lại những thôn làng, phố xá của Hòa Vang, Liên Chiểu, Sơn Trà, sẻ chia cùng đồng nghiệp về những năm tháng đáng nhớ của một đời người, năm tháng làm công tác giáo dục.
HUỲNH VĂN HOA