Tại hội nghị “Giải pháp nâng cao công tác quản lý quy hoạch, bảo đảm trật tự xây dựng và chống xây dựng trái phép” do UBND huyện Hòa Vang tổ chức ngày 30-11, các trưởng thôn nơi có các dự án quy hoạch đầu tư phát triển cho biết, xóm, thôn và xã đều biết việc xây dựng nhà ở trái phép xảy ra trên địa bàn.
Dự án tái định cư ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. |
Quy hoạch còn tràn lan, chậm triển khai
Huyện Hòa Vang hiện là địa bàn trọng điểm triển khai các dự án phát triển. Ông Đặng Thương, Chủ tịch UBND huyện cho biết, hiện có 242 đồ án, dự án quy hoạch được bàn giao mốc giới, công bố quy hoạch. Quy mô dự án từ hàng ngàn hecta đến những dự án chỉ vài trăm mét vuông. Đây thực sự là thách thức, nhiệm vụ nặng nề đối với chính quyền các cấp trong công tác quản lý quy hoạch, chống xây dựng nhà ở, công trình trái phép. Tình trạng dự án quy hoạch kéo dài, chậm triển khai làm ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, chính quyền phải cắt cử người để quản lý, người dân bị thiệt thòi về quyền sử dụng đất…
Trong 242 đồ án quy hoạch đang triển khai trên địa bàn huyện đã chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích 73.398ha, tác động đến đời sống, sinh hoạt của 28.000 hộ dân. Có thể nói, việc quy hoạch sử dụng đất để triển khai các dự án ở Hòa Vang diễn ra tràn lan, gây tình trạng dự án quy hoạch chậm triển khai kéo dài. UBND huyện Hòa Vang nêu rõ: Việc lập quy hoạch chưa sát với thực tế, nghiên cứu khảo sát chưa kỹ lưỡng nên điều chỉnh nhiều lần gây lãng phí, tốn kém ngân sách như quy hoạch xây dựng nông thôn mới; lấy khu dân cư hiện trạng ổn định về nhà ở hàng trăm năm chuyển qua định hướng… làm vùng sản xuất nông nghiệp (?!).
Trong quá trình thực hiện quy hoạch, xảy ra tình trạng xây dựng nhà ở trái phép, tách thửa, chuyển nhượng mua bán đất ở… “Có tay trong, tay ngoài tiếp sức xây dựng trái phép, hợp thức hóa việc xây dựng trái phép để hưởng lợi trong đền bù giải tỏa”, bà Nguyễn Thị Hiệp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang nói và nêu thẳng vụ việc khi bà tiếp nhận phản ánh của cử tri là những cán bộ công tác ở bộ phận kiểm định, áp giá đền bù giải tỏa.
Ông Ngô Văn Bảy, Đội trưởng Đội Kiểm tra quy tắc đô thị huyện Hòa Vang cho biết, việc phối hợp giữa địa phương và cơ quan chuyên môn của thành phố rất khó. Rất khó chống triệt để xây dựng trái phép, có trường hợp đập phá đôi ba lần mà người dân vẫn lén lút xây dựng lại. Hơn nữa, có tình trạng hưởng lợi rất nhiều nếu xây dựng trái phép.
Ông Bảy kể, khi kiểm tra tính giá trị đền bù dự án, nếu đúng kế hoạch thì phải kiểm định nhà ở, nhưng khi có mặt cán bộ cơ sở thì cán bộ làm công tác đền bù ở thành phố đồng đo đạc đất nông nghiệp; thấy cán bộ địa phương chứng kiến kiểm định nhà ở, cây trồng vật kiến trúc thì lảng sang nhà khác hoặc bỏ đi. Việc này diễn ra ở dự án đường vành đai phía nam Hòa Phước - Hòa Khương mà không thấy xử lý cán bộ vi phạm nên người dân ở các dự án khác rủ nhau xây dựng trái phép… Ngoài ra, chính sách đền bù giải tỏa chưa đáp ứng quyền lợi cho hộ gia đình có diện tích đất lớn cũng làm việc xây dựng trái phép, tách thửa, mua bán chuyển nhượng đất diễn ra.
Tạo điều kiện để người dân tố giác
Đại diện 119 trưởng thôn của 11 xã thuộc huyện Hòa Vang, ông Nguyễn Quang Xê, Trưởng thôn Sơn Phước (xã Hòa Ninh) cho biết, nếu chính quyền địa phương nói không biết việc xây dựng trái phép trên địa bàn là không đúng. Để xảy ra tình trạng này là do lơi lỏng quản lý. Việc xử lý vi phạm mới chỉ giải quyết phần ngọn, chưa giải quyết triệt để vấn đề.
Theo báo cáo của UBND huyện Hòa Vang, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện đã phát hiện và xử lý 771 trường hợp. Tuy nhiên, thực tế tình trạng xây dựng trái phép diễn ra ở hầu hết các dự án. “Bây giờ xây dựng trái phép không công khai, chỉ thuê ô-tô đỗ vật liệu trước. Mỗi ngày họ chuyển vài bao gạch, xi-măng, cát, sạn… Đến ngày lễ, ngày nghỉ, thậm chí ban đêm là xây xong căn nhà trái phép”, ông Xê nói.
Tuy nhiên, đại diện thôn Dương Lâm 2 (xã Hòa Phong) cho biết, người dân xây dựng trái phép cũng có những nguyên do riêng, xây dựng trái phép để hưởng lợi chạy quy hoạch nhưng cũng có nhiều trường hợp xây dựng trái phép để giải quyết nhu cầu đất ở, nhà ở bức thiết đối với những hộ gia đình đông con, hộ có con lập gia đình. Do đó, việc chống xây dựng nhà ở trái phép phải được nhìn nhận nhiều chiều và gắn với phòng ngừa, có chính sách lập quỹ đất ở cho cộng đồng dân cư thì việc chống xây dựng nhà ở trái phép mới hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Quang Xê, nên quy trách nhiệm cho lãnh đạo chính quyền, cấp ủy ở xã, thôn để nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý quy hoạch, chống xây dựng trái phép. Ông Xê hiến kế chống xây dựng trái phép là phải tạo điều kiện để mọi người dân tố giác qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Người tố giác, phản ánh đúng phải được khen thưởng.
Bà Nguyễn Thị Hiệp cũng nêu giải pháp muốn chống xây dựng trái phép, quản lý quy hoạch thì phải giải quyết tận gốc rễ sự việc. Trong đó, chú trọng vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, thường xuyên tuyên truyền để người dân nắm bắt chủ trương, chính sách của thành phố về công tác di dời, giải tỏa, đền bù và bố trí tái định cư. Lâu nay, trên địa bàn huyện khi xảy ra tình trạng xây dựng nhà ở trái phép thì chính quyền mới vào cuộc tuyên truyền vận động, thuyết phục người dân chấp hành chủ trương, chính sách. “Chúng ta cứ đang tự làm khó nhau trong công tác quản lý quy hoạch, chống xây dựng trái phép”, bà Hiệp nói.
UBND huyện Hòa Vang kiến nghị UBND thành phố có chủ trương, kế hoạch cho chủ dự án sớm triển khai dự án, không để dự án quy hoạch kéo dài; không để dự án quy hoạch “treo”; chủ dự án cũng phải có trách nhiệm trong công tác quản lý quy hoạch địa phương; nâng cao hiệu quả chất lượng đồ án quy hoạch. Huyện Hòa Vang cũng kiến nghị Sở Xây dựng hướng dẫn miễn thủ tục cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ ở vùng nông thôn. “Việc xây dựng trái phép thì địa phương có trách nhiệm nắm bắt xử lý. Song, xây dựng có phép do Sở Xây dựng cấp nhưng huyện, xã, thôn không được biết thì làm sao quản lý sau xây dựng”, ông Đặng Thương bày tỏ.
Công an điều tra hiện tượng xây dựng mộ gió - mộ giả Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang vừa chỉ đạo Công an huyện Hòa Vang vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm khắc tình trạng nghi vấn lập mộ gió để hưởng lợi về đền bù giải tỏa. Vụ việc được UBND xã Hòa Liên xác nhận khi có trên 30 ngôi mộ, nghi là đắp mộ gió, mộ giả để hưởng lợi về chính sách đền bù giải tỏa tại 5 thửa đất đã nhận tiền đền bù giải tỏa. Địa phương không có biến động về khai tử nhưng lại có mộ người chết là chuyện hy hữu. |
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG