.
Kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 – 19-12-2016)

Mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng: Vang mãi bản hùng ca

.

Ở thời điểm khởi đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược lần thứ hai, quân và dân ở mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng đã chiến đấu dũng cảm, bất khuất, kiên cường, trong đó không thể không nhắc đến vai trò của Ban chỉ huy (BCH) Mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược tài tình, hiệu quả; góp phần làm thất bại kế hoạch tốc chiến, tốc thắng của giặc Pháp, tạo điều kiện cho cả nước bước vào kháng chiến lâu dài.

Tại Quảng Nam-Đà Nẵng, vào tháng 11-1946, để chuẩn bị đối phó với diễn biến tình hình ngày càng căng thẳng, phức tạp vì thực dân Pháp ngày càng lấn tới, Trung ương quyết định thành lập BCH Mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng, do đồng chí Đàm Quang Trung làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Trương Quang Giao, Bí thư Liên Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng làm Chính ủy; đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ (sau đó là đồng chí Nguyễn Quyết) làm Phó Chính ủy; các đồng chí Nguyễn Bá Phát, Nguyễn Đôn làm chỉ huy phó để thống nhất chỉ huy các lực lượng vũ trang.

Ngày 15-12-1946, BCH Mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng họp xem xét tình hình và đề ra kế hoạch, gấp rút hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, sẵn sàng đợi lệnh của Trung ương, chủ động nổ súng tiến công quân Pháp.

Cuộc họp đề ra quyết tâm chiến đấu: “Sử dụng lực lượng tích cực ngăn chặn tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch bằng cách đánh phòng ngự trận địa là chủ yếu nhằm bảo vệ cho nhân dân sơ tán, thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, bảo toàn lực lượng, chuẩn bị điều kiện để rút lực lượng ra khỏi thành phố, xây dựng căn cứ địa, bảo vệ vùng tự do để kháng chiến lâu dài”.

Theo đó, BCH Mặt trận đã thống nhất bố trí lực lượng tại các vị trí trọng yếu như: trụ sở Ủy ban Hành chính thành phố, Nhà Bưu điện, Nha Thuế quan, phía nam sông Cẩm Lệ; từ Hòa Thọ đến Non Nước vào đến Thanh Quýt, Vĩnh Điện… Bên cạnh đó, BCH còn bố trí 1 đại đội cùng Chi đội tự vệ Hoàng Hoa Thám lập chốt chặn ở đèo Hải Vân, đề phòng địch đổ bộ từ biển lên, chiếm đường giao thông nối liền với Huế. Các lực lượng còn lại được BCH tổ chức canh gác bảo vệ tài sản nhân dân, cơ quan, nhà máy…

Việc tổ chức lực lượng và thế trận chiến đấu đã hình thành một thế trận đánh địch rộng khắp để chủ động tiến công địch bằng sự kết hợp giữa lực lượng chủ lực của Mặt trận với dân quân du kích, tự vệ địa phương và huy động các nguồn lực tại chỗ để bố trí trận địa đánh địch, nhằm liên tục tiêu hao, tiêu diệt và bẻ gãy các đợt tiến công của địch, thể hiện rõ sự sáng suốt, tài tình của BCH Mặt trận trong việc bố trí trận địa, chiến lược.

Trưa 19-12-1946, BCH Mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng nhận được điện của Thường vụ Trung ương Đảng, thông báo “Giặc Pháp đã hạ tối hậu thư đòi tước vũ khí của quân đội, tự vệ và Công an ta, Chính phủ đã bác bỏ tối hậu thư đó. Như vậy, chỉ trong 24 giờ là cùng, chắc chắn giặc Pháp sẽ nổ súng. Trung ương Chỉ thị: Tất cả đã sẵn sàng”.

Đêm ngày 19-12-1946, BCH Mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng nhận được lệnh nổ súng chiến đấu của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và điện của các đồng chí Nguyễn Chánh, Cao Văn Khánh, Tư lệnh Liên khu 5 ra lệnh cho Mặt trận nổ súng.

BCH Mặt trận họp khẩn cấp, quyết định giờ nổ súng là 2 giờ, ngày 20-12-1946, lấy tiếng nổ đánh sân bay Đà Nẵng làm hiệu lệnh chung cho toàn Mặt trận và quyết định đánh phá một số cầu đường, đồng thời chặt cây hai bên đường làm chướng ngại vật.

Sáng 20-12-1946, theo nhiệm vụ đã được BCH phân công, trên các hướng, bộ đội, du kích, tự vệ đồng loạt nổ súng chặn các mũi tiến công của quân Pháp. Trên hướng Bắc thành phố, ta dùng địa lôi đánh sập cầu Thủy Tú; ở hướng Nam, ta đánh sập cầu Cẩm Lệ, cắt đứt đường giao thông chiến lược của địch, cuộc kháng chiến của quân và dân Đà Nẵng bắt đầu.

Nhân dân thành phố sát cánh cùng lực lượng vũ trang chiến đấu và mang cả bàn ghế, giường, tủ ra các ngả đường làm chướng ngại cản bước quân thù. Trong các ngày từ 21 đến 24-12, quân Pháp tập trung lực lượng hùng hậu gồm bộ binh, xe tăng, pháo các loại liên tiếp mở các đợt tiến công dồn dập vào quân ta, nhưng bị các lực lượng của ta bám sát đội hình chặn đánh quyết liệt, gây cho chúng nhiều tổn thất.

Tuy nhiên, nhờ ưu thế về lực lượng, phương tiện và trang bị nên suốt 5 ngày chiến đấu, quân Pháp đã chiếm được Chợ Mới, sân bay, ngã tư Yên Khê.

Nhận thức được tình hình trên, sau 5 ngày chiến đấu, BCH Mặt trận ra lệnh cho bộ đội, tự vệ rút lực lượng ra ngoài thành phố cùng nhân dân lập tuyến phòng ngự mới từ Đò Xu, Cẩm Lệ, Phong Lệ đến Nghi An, Hòa Mỹ, Phước Tường, Đa Phước để tiếp tục chiến đấu ngăn chặn địch.

Ta đã tổ chức đánh chiếm lại ngã tư Yên Khê; cắt đứt con đường tiến công ra Bắc của quân Pháp và đánh bại nhiều đợt xung phong của chúng. Ngoài ra, các lực lượng vũ trang còn sử dụng lực lượng từng tổ, mũi nhỏ, luồn sâu, đột nhập vào trung tâm thành phố liên tục tiến công vào các vị trí đóng quân của chúng ở chợ Cồn, chùa Phật học, Cổ viện Chàm (nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm), tiêu diệt nhiều sĩ quan và tay sai của Pháp, gây cho địch không ít khó khăn.

Cho đến đêm 6-1-1947, lực lượng địch vẫn đang nằm trong vòng vây của ta. Đến ngày 7-1-1947, sau khi tăng cường lực lượng, quân Pháp dồn sức tiến công để phá vỡ thế bao vây của lực lượng ta nhằm đánh chiếm ngã ba Huế, tiến lên Hòa Mỹ, Đa Phước, đèo Đại La và các điểm cao ở Phước Tường. Ngày 17-1-1947, quân Pháp đổ bộ lên Nam Ô và Lăng Cô nhằm chiếm đèo Hải Vân; nắm rõ ý đồ của địch, BCH Mặt trận đã chỉ huy Trung đoàn 96 cùng tự vệ, du kích lợi dụng địa hình rừng núi, liên tục tiến công quân Pháp suốt 2 ngày, tiêu diệt hơn 200 tên địch.

Sau một tháng chiến đấu bảo vệ thành Thái Phiên, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng mà trực tiếp là Liên khu ủy, Tỉnh ủy, BCH Mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng đã phối hợp với lực lượng chủ lực của khu và tỉnh chiến đấu ngoan cường bằng sức mạnh toàn dân; bước đầu hình thành thế trận chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích trong thành phố.

Đặc biệt, nghệ thuật tác chiến đặt dưới sự lãnh đạo của BCH Mặt trận cũng có sự phát triển, kịp thời điều chỉnh từ chiến thuật phòng ngự trận địa sang chiến thuật phòng ngự cơ động kết hợp đánh địch từ nhiều phía, góp phần giữ chân quân Pháp gần một tháng bên trong thành phố, bước đầu đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch.

Với chiến công trên, trong lễ tuyên dương thành tích chiến đấu của quân và dân Quảng Nam-Đà Nẵng, đồng chí Phạm Văn Đồng đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ đã nói: “So sánh với toàn quốc, Mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng được liệt vào hạng đánh mạnh nhất và dẻo dai nhất”; đồng chí tặng cho quân và dân Quảng Nam-Đà Nẵng lá cờ thêu hai chữ “Giữ vững”.

Kể từ đó, quân và dân ở mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng đã anh dũng chiến đấu, ngoan cường, làm nên chiến thắng Bồ Bồ - trận “Điện Biên Phủ tại Quảng Nam” vào ngày 20-7-1954, chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần tích cực vào cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện của dân tộc đi đến thắng lợi vẻ vang.

Q.K

(theo Tổng kết chiến tranh du kích trên chiến trường Đà Nẵng (1945-1975)-Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng)

;
.
.
.
.
.