Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ở Liên khu 5 có một tiểu đoàn vận tải biển đã chiến đấu và phục vụ chiến đấu hết sức khó khăn gian khổ và hiểm nguy. Trước sóng gió bão dông cùng sự lùng ráp, tiêu diệt của kẻ thù, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn đã kiên cường vượt qua gian khổ, mưu trí, táo bạo, anh dũng chiến đấu, hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 248 trong lần gặp mặt nhân kỷ niệm 65 năm thành lập (12-2011). |
Những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Liên khu 5 chỉ còn 4 tỉnh (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) là vùng tự do. Đáp lời kêu gọi của Bác Hồ “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quyết tâm làm thất bại âm mưu của địch và đáp ứng kịp thời trang bị vũ khí cho các lực lượng Liên khu 5, các tỉnh cực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 chủ trương xây dựng lực lượng vận tải đường biển để phục vụ kháng chiến.
Từ đó, Tiểu đoàn 248 vận tải biển ra đời trên cơ sở các thuyền của Tổng cục Việt Thắng tách ra. Quân số lúc đầu 500 đồng chí, gồm những anh em quê vùng sông nước, thạo ghe thuyền, sông nước, biết bơi lội, có tinh thần tự nguyện và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.
Chỉ huy Tiểu đoàn được Liên khu chọn các đồng chí trung kiên là Tỉnh ủy viên, cán bộ Ủy ban Hành chính kháng chiến các tỉnh như: đồng chí Thái Hựu, Tỉnh ủy viên Bình Thuận làm Tiểu đoàn trưởng; đồng chí Phạm Hồng Sơn, Tỉnh ủy viên Quảng Nam làm Chính trị viên; đồng chí Hoàng Thúc, Tỉnh ủy viên Lâm Đồng, đồng chí Trần Quang Diệu, Ủy viên Ủy ban kháng chiến Bình Thuận làm Tiểu đoàn phó.
Tiểu đoàn đóng quân ở Phú Yên, có nhiệm vụ vận chuyển tiền, vàng, tài liệu, vũ khí, đưa đón cán bộ lãnh đạo Liên khu, các tỉnh và Trung ương vào Nam, ra Bắc công tác. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Phòng Cung cấp Liên khu, đơn vị tập trung mua sắm, sửa chữa, đóng mới ghe thuyền và đồ dùng cần thiết.
Để vượt qua tuyến biển dài 400km luôn có địch tuần tra kiểm soát, Tiểu đoàn phải tổ chức 16 trạm quan sát hướng dẫn bảo vệ ven bờ từ Phú Yên đến Bà Rịa. Phương thức vận chuyển được chia làm hai mùa ứng với hai loại thuyền. Mùa bấc (mùa đông, có gió đông bắc) sử dụng loại ghe bầu chạy 3 bướm chở từ 10 - 30 tấn, cứ 3 chiếc thành một đoàn.
Khi sóng to, gió lớn, biển động, địch không tuần tra được thì đi, nguy hiểm nhưng bất ngờ. Mùa nồm (gió đông nam, biển lặng) sử dụng ghe nan hoặc thuyền ván chở từ 1,5 - 3 tấn, cứ 3 đến 6 chiếc thành một đội, đi ven bờ theo kiểu sâu đo, đêm đi ngày nấp. Phương châm phải tuyệt đối giữ bí mật, có nguy cơ bị địch bắt thì phá cho thuyền chìm, bất khả kháng thì áp sát cho nổ thuyền tiêu diệt địch, thà hy sinh không để người, hàng hóa, vũ khí, tài liệu rơi vào tay địch.
Với tinh thần ấy, suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 248 với những chiếc thuyền và bằng sức người là chính đã vượt biển ra Bắc, vào Nam hàng ngàn chuyến. Biết bao phen sinh tử chống chọi với phong ba bão táp và đấu trí thi gan với kẻ thù, đội này, chiếc này ra đi chưa về, nhưng đội khác, chiếc khác lại ra đi.
Vì vậy, có tháng vận chuyển được 100 tấn, có năm vận chuyển được 1.000 tấn và suốt 9 năm kháng chiến, tiểu đoàn đã vận chuyển được 20.000 tấn vũ khí, trang bị, lương thực, thuốc men, tiền vàng và tài liệu cho Liên khu 5, các tỉnh cực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; đưa đón hơn 100 đoàn cán bộ, trong đó nhiều đồng chí là lãnh đạo Trung ương, Liên khu ủy và các tỉnh ra Bắc, vào Nam lãnh đạo kháng chiến.
Chiến công của Tiểu đoàn 248 không những làm thất bại âm mưu chia cắt để tiêu diệt lực lượng ta của giặc Pháp mà còn góp phần tăng thêm sức mạnh cho quân và dân Liên khu 5, Đông Nam Bộ phát triển lực lượng, có thêm trang bị để tiến công tiêu diệt địch, chia lửa và phối hợp cùng cả nước đánh bại hoàn toàn quân Pháp xâm lược bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.
Chiến công của Tiểu đoàn 248 còn thể hiện tinh thần yêu nước cao cả và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đó là tinh thần kiên trì khắc phục khó khăn, sức chịu đựng gian lao, nguy hiểm, vượt qua sóng gió, bất chấp đạn bom và âm mưu quỷ quyệt của kẻ thù, sẵn sàng cảm tử vì nhiệm vụ. Bao nhiêu đồng chí nằm lại với biển cả cũng như nơi thác ghềnh, bến bãi kho, trạm ven bờ. Có chuyến đi, anh em trên thuyền hy sinh hết.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp ở Liên khu 5, đã có một đơn vị vận tải biển tồn tại, chiến đấu và phục vụ chiến đấu hết sức anh dũng và hoàn thành nhiệm vụ một cách vẻ vang. Nhân dân các tỉnh ven biển Trung Bộ và Đông Nam Bộ gọi họ là những “người lính cầm chèo”, “thủy quân cảm tử”, “người chiến sĩ vận tải anh hùng”. Còn Liên khu 5 tặng họ danh hiệu “Tiểu đoàn vận tải biển cảm tử 248”.
Có thể coi Tiểu đoàn 248 là một đơn vị tiền thân của “đoàn tàu không số” sau này. Nhưng vì sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đơn vị giải thể, mỗi người đi một đơn vị, chưa kịp tổ chức tổng kết, đề nghị tuyên dương khen thưởng.
Đến nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, những người làm nên chiến công ấy, không kể những người đã hy sinh, số còn lại tuổi đã tám, chín mươi, sức yếu, nhiều đồng chí đã qua đời, hiện còn hơn 150 đồng chí đang sống ở các tỉnh miền Trung, Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến và kỷ niệm 69 năm ngày truyền thống Tiểu đoàn 248 cảm tử Liên khu 5 anh hùng năm nay, tôi đến thăm đồng chí Trần Tường Vân - 90 tuổi và đồng chí Nguyễn Bá Hiền - 85 tuổi là Trưởng, Phó Ban liên lạc truyền thống Tiểu đoàn. Mặc dù tuổi cao, sức yếu, đi lại khó khăn nhưng các đồng chí vẫn nhớ như in những lần vượt biển, những trận đấu trí thi gan sống chết với kẻ thù.
Khi hỏi tâm tư, nguyện vọng của các đồng chí nhân ngày truyền thống năm nay, các đồng chí bộc bạch từng lời: “Hiện nay, cả nước còn khoảng 50 đồng chí còn sống, họ ở Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận, mỗi tỉnh còn 5-10 đồng chí tuổi đã 85-90. Nhiều đồng chí nằm một chỗ, anh em cũng muốn tổ chức gặp mặt nhau nhưng không thể được vì lý do sức khỏe. Mong rằng lãnh đạo và cựu chiến binh các tỉnh có anh em còn sống quan tâm thăm hỏi, động viên anh em những ngày còn sống cuối đời, nhất là dịp kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến”.
Mỗi lần chia tay các đồng chí, tôi càng thấy khâm phục những người con quả cảm của Tiểu đoàn 248 đã một thời xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc hôm nay.
Phan Văn Cúc