Một ngày giữa tháng 11-2016, chúng tôi có cuộc gặp gỡ ông Lê Trí Tập (ảnh), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ). Ông kể lại hồi ức về việc chia tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng với sự quyết tâm, nghiêm túc và sáng suốt của các cán bộ lãnh đạo lúc bấy giờ.
Ông Lê Trí Tập kể lại: Quảng Nam-Đà Nẵng trước đây là tỉnh rộng. Khi chia tách, lãnh đạo Quảng Nam-Đà Nẵng rất phân vân không biết nên chia như thế nào bởi trong kháng chiến, Quảng Nam-Đà Nẵng là một. Quảng Nam-Đà Nẵng là vùng đất thép anh hùng, người dân đều đồng lòng, tâm huyết với vấn đề giải phóng dân tộc, bảo vệ quê hương.
Sau khi đất nước thống nhất, bước vào giai đoạn cách mạng mới, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng tiếp tục phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, đạt nhiều thành tựu đáng kể.
Ngày 5-10-1996, tôi là người nhận tin đầu tiên từ Trung ương báo về việc chia tách tỉnh. Ngay sau đó, tôi cùng các đồng chí lãnh đạo tổ chức nhiều cuộc họp để bàn về việc chia tách. Anh Mai Thúc Lân, lúc bấy giờ là Bí thư Tỉnh ủy nói rằng, Trung ương quyết rồi, chúng ta phải chấp hành thôi. Tối hôm đó đã 21 giờ nhưng tôi vẫn điện ra Hà Nội để hỏi rõ việc chia tách như thế nào. Trung ương nói rằng chia 1 tỉnh và 1 thành phố.
Trước đây, khi còn tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, lãnh đạo tỉnh cũng đã có ý tưởng đưa huyện Hòa Vang thuộc thành phố Đà Nẵng. Từ ý tưởng 1 tỉnh và 1 thành phố mà Trung ương chỉ đạo, lãnh đạo Quảng Nam-Đà Nẵng suy nghĩ tách chia như thế nào để phát triển.
Lúc đầu, nhiều ý kiến cho rằng nên chia theo phân định Quảng Đà cũ, nhưng nếu chia như vậy, nông thôn sẽ chiếm phần lớn và Đà Nẵng sẽ không có nhiều cơ hội để phát triển đô thị hiện đại. Như vậy, chỉ có phương án đưa huyện Hòa Vang thuộc thành phố Đà Nẵng thì Đà Nẵng mới phát triển theo đúng hướng thành phố trực thuộc Trung ương.
Chỉ trong vòng gần 1 tuần, từ ngày 5-12 đến 12-10-1996, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng họp liên tục, làm việc với tinh thần nghiêm túc để thông qua phương án chia tỉnh, huyện, đơn vị hành chính cụ thể và trình phương án chia tách cho Chính phủ ngày 12-10-1996.
Ngay tối hôm đó, sau khi thống nhất phương án chia tách 1 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo tỉnh lên phương án sắp và đặt tên quận. Chỉ trong 7 ngày vừa họp Thường trực, vừa họp Ban chấp hành, HĐND, ra phương án, tôi cho rằng đây là quyết định rất sáng suốt, suy nghĩ chín chắn, có trách nhiệm.
Khi chia tách tỉnh, lúc bấy giờ, lãnh đạo của địa phương phân vân lắm, không biết nên chia như thế nào, vì Trung ương cho mình tự chia chứ không chỉ cho mình cách chia. Giờ nhìn lại mới thấy, hồi đó, quyết định của địa phương và lãnh đạo rất sáng suốt.
Khi Trung ương yêu cầu chia tách tỉnh, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng xác định ngay tư tưởng là chia để hai địa phương cùng hỗ trợ nhau và phát triển. Nhưng để chia được quả thật không dễ, phải dằn vặt, đắn đo, suy nghĩ hết sức. Nếu tách mỗi Đà Nẵng thì thành phố quá nhỏ nên quyết định nhập huyện Hòa Vang vào. Nhưng nếu đưa cả Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên vào Đà Nẵng thì thành phố lại quá rộng…
Chia như vậy để Đà Nẵng phát triển và cũng để tạo động lực cho vùng ven Quảng Nam và tỉnh Quảng Nam phát triển như bây giờ. Đà Nẵng phát triển cũng như Quảng Nam, tuy hai mà một, chúng ta phải làm ngay công tác tư tưởng ban đầu như vậy. Vấn đề là khi chia xong, lãnh đạo mới của hai địa phương phải tạo sự gắn kết và hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Ngày 12-10-1996, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng trình phương án chia tách lên Trung ương. Trung ương họp và ra quyết định chia tách vào tháng 11-1996 và tháng 1-1997 chính thức chia Quảng Nam-Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng như hiện nay.
Mới đó đã 20 năm rồi. Nhìn lại 20 năm, thấy việc chia tách rất đúng đắn, thể hiện sự sáng suốt của tập thể lãnh đạo Quảng Nam-Đà Nẵng lúc bấy giờ, cộng với quyết định của Trung ương là động lực để Đà Nẵng và Quảng Nam phát triển vượt bậc như ngày nay. Và dẫu chia, nhưng Quảng Nam-Đà Nẵng vẫn không tách.
THANH TÌNH ghi