Chính trị - Xã hội

Một tháng chiến đấu giữ thành Thái Phiên

08:03, 21/12/2016 (GMT+7)

Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám  thành công, quân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23-9, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ. Sau Hiệp định sơ bộ 6-3, chúng đổ quân vào Đà Nẵng để xây dựng thành khu căn cứ quân sự, làm bàn đạp tấn công đánh chiếm các tỉnh miền Trung và tiến qua Lào. Quảng Nam-Đà Nẵng là một trong các chiến trường chính.

Đáp lại lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, các đơn vị  lực lượng vũ trang Đà Nẵng khẩn trương thực hiện công tác chuẩn bị chiến đấu theo phương án được xác định. Trung đoàn 96 ém sát các vị trí đóng quân của địch, tạo thành một vòng cánh cung từ trụ sở Ủy ban hành chính, nhà bưu điện, ngã Năm, Cổ viện Chàm đến khu vực chợ Mới.

Tiểu đoàn 18 chiếm lĩnh khu vực cầu Vồng, nhà ga, ngã ba Cai Lang. Tiểu đoàn 17 phong tỏa cụm quân địch ở sân bay. Tiểu đoàn 19 trấn giữ khu vực Nghi An, đèo Hải Vân. Trung đoàn bộ đóng tại ngã tư Yên Khê. Ở tuyến phòng thủ phía nam sông Cẩm Lệ, Trung đoàn 93 cũng triển khai xong đội hình chiến đấu, bố trí từ Non Nước, Cẩm Lệ đến Thanh Quýt, Vĩnh Điện, sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho Trung đoàn 96 tại Đà Nẵng…

Không khí chuẩn bị chiến đấu vô cùng khẩn trương. Đà Nẵng - mảnh đất kiên cường từng gây sóng gió cho quân Pháp năm 1858, nay lại cùng cả nước đứng lên chiến đấu với tinh thần quyết tử: “Thành Thái Phiên tắm mình trong máu lửa/ Đất anh hùng một lần nữa quyết hy sinh”.

Ngày 19-12-1946, sau khi nhận được điện của Thường vụ Trung ương Đảng và điện của Tư lệnh Quân khu 5 ra lệnh nổ súng, đúng 6 giờ 30 ngày 20-12, Trung đoàn 96 nổ phát súng đầu tiên, cùng với hệ thống loa truyền thanh phát lại lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành mệnh lệnh để quân dân thành phố quyết tử để Tổ quốc quyết sinh.

Ngay lập tức, đội tự vệ chiến đấu của Nhà máy điện liền cho nổ bom phá hoại nhà máy. Trung đoàn 93 nổ mìn phá sập các cầu Cẩm Lệ, Phong Lệ. Công binh dùng địa lôi phá cầu Thủy Tú. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Đà Nẵng thực sự bắt đầu.

Cuộc chiến đấu trong ngày 20-12 diễn ra quyết liệt. Các cánh quân của Pháp đều gặp sự kháng cự mạnh mẽ của bộ đội, du kích, tự vệ trên khắp thành phố. Lực lượng ta bám chắc công sự, trận địa, chiến đấu ngoan cường, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, giành giật từng căn nhà, góc phố, tiêu hao và tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Các đơn vị bộ đội, tự vệ dù nhỏ lẻ, quân số ít, trang bị thô sơ nhưng đối đầu, chiến đấu với hàng trăm tên lính Pháp đến viên đạn cuối cùng. Ở khu vực cầu Vồng, chợ Cồn, nhà ga, các chiến sĩ bắn hết đạn đã dùng dao găm, mã tấu, chai cháy, quả khói xông ra đánh giáp lá cà với quân Pháp và xe tăng. Ở khu đông, lực lượng tự vệ tiêu diệt quân Pháp đổ bộ lên cảng I-ốt và đốt cháy 14 chiếc thủy phi cơ.

Cuộc chiến diễn ra ngày càng ác liệt ở Ủy ban hành chính thành phố, Nha thuế quan, Nhà bưu điện, Cổ viện Chàm, chợ Mới, ngã ba Cai Lang.

Từ ngày 21 đến 24-12, quân Pháp phải tập trung lực lượng bộ binh, xe tăng, pháo để mở các trận tiến công vào trận địa của ta nhưng chúng càng bị đánh tan tác và tổn thất nhiều hơn. Các mũi tiến công của các tiểu đoàn 17, 18, 19 cùng tự vệ, du kích chiến đấu quyết liệt, tập kích, phản kích, phá hủy các công trình quan trọng, làm cho địch hoang mang, bị động, buộc chúng phải phân tán, đối phó khắp nơi.

Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và phương châm vừa chiến đấu, vừa bảo toàn lực lượng, quân ta rút ra và lập vòng vây thứ hai ở ngã tư Yên Khê, sân bay Đà Nẵng, tiếp tục đột nhập tiêu diệt địch làm rối loạn hậu cứ của chúng. Tuy nhiên, với sự vượt trội về lực lượng, vũ khí, phương tiện nên chúng đã chiếm được nội thành, nhưng đó chỉ còn là “thành phố chết” và phải trả một cái giá rất đắt với hơn 500 tên xâm lược bị đền tội.

Ngay sau khi rút ra, quân ta lại tổ chức tuyến phòng thủ mới từ Đò Xu, Cẩm Lệ đến Hòa Mỹ, Phước Tường để tiếp tục chiến đấu, ngăn chặn tiến công mở rộng địa bàn chiếm đóng của quân Pháp; đồng thời chủ động mở nhiều đợt tấn công làm cho địch thiệt hại đáng kể. Chúng bị bao vây, cô lập trong thành phố suốt gần một tháng. Kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của quân Pháp bị chặn lại.

Ngày 17-1-1947, quân Pháp dùng 2 tiểu đoàn cùng 12 tàu chiến đổ bộ lên Nam Ô và Lăng Cô, kiên quyết đánh khai thông đèo Hải Vân để mở đường giải vây cho đồng bọn ở Huế. Trận chiến diễn ra hết sức ác liệt trong suốt hai ngày trên đường đèo. Kết quả, 200 lính Âu-Phi bị diệt, hàng trăm tên khác bị thương. Quân Pháp chiếm được đèo Hải Vân.

Quân ta được lệnh rút lui để bảo toàn lực lượng. Thắng lợi của quân và dân Đà Nẵng được đồng chí Phạm Văn Đồng đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tặng lá cờ thêu hai chữ “Giữ vững” với lời biểu dương: “So sánh với toàn quốc, Mặt trận Đà Nẵng được liệt vào hạng đánh mạnh nhất và dẻo dai nhất”. Quân và dân Đà Nẵng đã thực hiện đúng như lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

CÁT TƯỜNG

(Tư liệu Lịch sử Lực lượng vũ trang thành phố Đà Nẵng)

.