* Mưa lũ ở miền Trung: 10 người chết
Chiều 4-12, Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ cho biết, hiện nay, bộ phận không khí lạnh đã báo đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam. Dự báo khoảng đêm 5-12, ngày 6-12, không khí lạnh tăng cường ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc nước ta.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa nhỏ vài nơi. Các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định, do ảnh hưởng kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên từ nay đến hết ngày 8-12 tiếp tục có mưa, mưa vừa, riêng khu vực Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to.
Từ đêm 5-12, gió đông bắc trên đất liền lại mạnh lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4, cấp 5. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), gió đông bắc mạnh lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Ở Vịnh Bắc Bộ, gió đông bắc mạnh lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Sóng biển cao từ 2-4m. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Thời tiết khu vực Trung Trung Bộ trong 24 giờ tới: Quảng Bình - Quảng Trị đêm có mưa, có nơi mưa vừa, ngày có mưa rải rác, lượng mưa phổ biến 10-30mm; từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to, lượng mưa phổ biến 30-70mm, có nơi cao hơn. Vùng biển có gió đông bắc mạnh cấp 4, cấp 5, giật cấp 6. Sóng biển cao từ 1-2m. Biển động nhẹ. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Đài Khí tượng cảnh báo: Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao tại khu vực Trung Trung Bộ, từ ngày 5-12 đến ngày 7-12, mưa lớn vẫn còn tiếp tục xảy ra tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, với lượng mưa phổ biến cả đợt từ 100-200mm, có nơi cao hơn.
AN NHIÊN
* Liên tiếp trong những ngày qua, tại các tỉnh thuộc khu vực Trung Trung bộ, mưa lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Theo tin từ Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung - Tây Nguyên, lượng mưa từ ngày 30-11 đến chiều 3-12 tại một số nơi rất lớn, cụ thể như ở Trà My (Quảng Nam): 438mm, Minh Long (Quảng Ngãi): 446mm, An Hòa (Bình Định): 389mm. Mưa lớn kéo dài đã làm các hồ thủy lợi đạt dung tích thiết kế, một số hồ thủy điện phải xả lũ, nhiều khu vực bị ngập sâu trên diện rộng.
Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, các địa phương đã triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống lũ lụt. Riêng tại Bình Định, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh điều động 537 cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều trang thiết bị, phương tiện tổ chức ứng cứu sơ tán hơn 500 hộ dân tại các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão ra khỏi vùng lũ ngập sâu…
Mưa lũ đã làm 10 người chết (Bình Định: 6 người, Quảng Ngãi: 4 người), 1 người ở Quảng Ngãi mất tích và 3 người ở Bình Định bị thương. Theo thống kê sơ bộ, có 50 ngôi nhà ở Bình Định, 1 ngôi nhà ở Quảng Ngãi bị sập hoàn toàn; 48 nhà khác bị hư hỏng nặng; 10.116 nhà bị ngập, hàng chục tuyến giao thông nội tỉnh bị ách tắc do lũ. Ít nhất 9.782ha lúa (Quảng Ngãi: 468ha, Bình Định: 9.314ha) ngập úng; 2.790ha hoa màu (Quảng Ngãi: 1.264ha, Bình Định 1.526ha) bị hư hỏng; 72.597 chậu hoa, cây cảnh ở Quảng Ngãi bị ngập nhiều ngày gây hư hại.
Tại hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định có 713 con gia súc, hơn 18.000 con gia cầm bị chết, bị cuốn trôi; 6 đập thủy lợi bị sạt lở khá nghiêm trọng, 1 cầu bắc qua suối bị sạt lở…
N.C