Chính trị - Xã hội
Nhớ về thời khắc...
Thông tin về việc Trung ương đã nhất trí việc chia, tách một số tỉnh, trong đó có tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đã râm ran từ mấy tuần qua… nhưng chính thức mà nói đối với tôi thì…
Sáu năm sau ngày trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng được công nhận đô thị loại 1 cấp quốc gia. Ảnh: NHÂN MÙI |
(1) 13 giờ 30 ngày 8-10-1996, một cuộc họp theo lịch tuần của đồng chí Trương Quang Được, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, vào lúc tôi báo cáo xong về thành phần dự họp, theo thông lệ, tiếp theo sẽ là ý kiến của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì về yêu cầu, nội dung cuộc họp…
…Vào lúc ấy, đồng chí Sơn - cán bộ Phòng Cơ yếu bước vào, trình đồng chí Chủ tịch ký nhận một Công điện mật đến – sau khi ký nhận, tôi thấy anh Được đọc qua công điện một hồi lâu, sau đó dùng quyển sổ công tác đè hẳn lên công điện…
(2) Cuộc họp tiếp tục diễn ra, nhưng theo cảm nhận của mình, tôi thấy đồng chí Chủ tịch, chủ trì cuộc họp có cái gì đó không được tập trung, thỉnh thoảng hé quyển sổ công tác chăm chú đọc công điện vừa nhận…
Vào lúc này, tôi nghe điện thoại trong phòng Chủ tịch đổ khá nhiều lần – đúng ra với nhiệm vụ Thư ký Chủ tịch, thường tôi sẽ về phòng để nghe – song do cuộc họp mới vừa bắt đầu, tôi cũng ngại đi ra, nên vẫn ngồi yên trong phòng họp (lúc bấy giờ điện thoại di động chưa phổ biến như bây giờ).
Cuộc họp tiếp tục đến hơn 14 giờ một tí…, bỗng tôi thấy đồng chí Mai Thúc Lân, Bí thư Tỉnh ủy xuất hiện trước cửa phòng họp và gọi đồng chí Trương Quang Được ra bên ngoài (sau này tôi mới biết các cuộc điện thoại reo liên tục nói ở trên là của đồng chí Bí thư gọi đồng chí Chủ tịch, do không liên lạc qua điện thoại được nên đồng chí Bí thư trực tiếp sang gặp). Đồng chí Bí thư và Chủ tịch trao đổi gì đó ở bên ngoài tầm gần năm bảy phút.
Quay lại phòng họp, anh Được nêu “xin lỗi các đồng chí, do có việc đột xuất tôi phải sang họp bên Tỉnh ủy, xin dừng cuộc họp chiều nay ở đây, Văn phòng sẽ bố trí vào buổi khác…”, cuộc họp giải tán và anh Được cũng lên xe sang bên Trụ sở Tỉnh ủy.
(3) Tầm sau 16 giờ, quay lại cơ quan UBND tỉnh, anh Được bảo tôi gọi anh Hoàng Tuấn Anh, Chánh Văn phòng, anh Vũ Ngọc Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến để bàn công việc gấp.
Lúc này, anh Được đưa tôi xem nội dung Điện mật – Hỏa tốc anh đã nhận lúc đầu giờ, công điện do Phó Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký. Tôi còn nhớ góc phải công điện, có thời gian chuyển đi “Oct. 08 1996 10:34 AM P01” và bút ghi, ký nhận của anh Được “nhận 13h30 8.10.96”.
Điện mật – hỏa tốc (Số 75/CCHC ngày 8 tháng 10 năm 1996) này gửi cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh: Vĩnh Phú, Hà Bắc, Hải Hưng, Nam Hà, Bắc Thái, Quảng Nam-Đà Nẵng. Nội dung công điện: “Bộ Chính trị đã có kết luận chia các tỉnh Vĩnh Phú, Hà Bắc, Hải Hưng, Nam Hà, Bắc Thái, Quảng Nam-Đà Nẵng (Thông báo số 06/TB-TW, ngày 7-10-1996 của Bộ Chính trị). Để thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh:
(1)- Báo cáo với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh biết để tổ chức cuộc họp (theo đúng luật định) bàn phương án cụ thể chia tỉnh mình.
(2)- Phương án chia tỉnh nói trên phải gửi Thủ tướng Chính phủ trước ngày 14-10-1996 để Chính phủ kịp trình Quốc hội tại kỳ họp này. Trong phương án phải nói rõ tên tỉnh mới, tỉnh lỵ, đường ranh giới, diện tích, dân số, các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh, và kèm theo một bản đồ hành chính của tỉnh mới…”.
Như vậy, việc triển khai công điện trên là rất gấp, nhưng tôi nhớ là sau cuộc hội ý trên, các công việc được triển khai rất nhanh chóng, đặc biệt là các Báo cáo về phương án tách tỉnh, Báo cáo phân vạch địa giới hành chính tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, v.v… (thật ra các phương án và báo cáo này đã được chuẩn bị khá sớm, từ cuối năm 1994, sang năm 1995 – sau thời điểm đồng chí Trương Quang Được và đồng chí Mai Thúc Lân về công tác ở tỉnh – dự thảo ban đầu có 5 phương án chia tách, tôi được giao nhiệm vụ đặt đóng một giá treo để theo 5 phương án này tại phòng làm việc của anh Được – giá treo này có thể lật được từng phương án hoặc trượt các phương án để xem đồng thời – và tôi nhớ thỉnh thoảng những lúc rỗi, anh Được thường đứng xem và nghiền ngẫm khá lâu, và nó cũng thường xuyên như vậy).
(4) Chiều ngày 9-10-1996, Thường vụ Tỉnh ủy đã họp liên tịch với Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực UBND tỉnh, Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh bàn triển khai Công điện số 75/CCHC của Thủ tướng Chính phủ và giao UBND tỉnh báo cáo các phương án thực hiện công điện nói trên.
Song sau lúc này có một vấn đề phát sinh…
Tôi nhớ… tầm hơn 10 giờ tối ngày 9-10-1996, anh Được gọi điện cho tôi, câu đầu tiên “… cậu ngủ chưa…”, tôi trả lời “dạ chưa anh” (đây là phong cách của anh Được, một phong cách lãnh đạo nhẹ nhàng, tôn trọng, dù công việc có gấp gáp mấy, khi điện thoại yêu cầu công việc, luôn là các câu “cậu đang làm gì đấy?”, nếu tối thì “cậu ngủ chưa”, v.v… trước khi trao đổi công việc).
Anh Được nói tiếp về một số công việc và nói “nếu cậu chưa ngủ thì xuống chỗ anh có việc gấp” (anh Được ở tại Nhà khách số 4 Trần Phú trong 3 năm là Chủ tịch UBND tỉnh QN-ĐN và tiếp theo 3 năm là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng sau chia tách).
Tôi xuống chỗ anh Được khá nhanh, do nhà tôi lúc này ở số 100/1 Đống Đa, rất gần Nhà khách số 4 Trần Phú. Nội dung anh Được trao đổi là giao tôi trong tối đó hoặc sáng mai phải soạn ngay văn bản báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ rõ hơn về từ “chia tỉnh” trong Công điện số 75/CCHC nói trên? Và yêu cầu phải liên hệ đồng chí Lê Xuân Trinh, lúc này là Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giúp báo cáo Thủ tướng và có văn bản trả lời sớm, trong ngày 10-10 để kịp cho các cuộc họp bên Tỉnh ủy đã ấn định.
Tôi soạn ngay văn bản trong đêm và sang ngày 10-10 trình ký, fax theo đường cơ yếu đến Bộ trưởng Lê Xuân Trinh.
- Nội dung văn bản (Công văn số 1724/CV-UB ngày 10-10-1996) giờ xem lại thấy cũng khá thú vị về “câu, chữ”!
“… Chiều ngày 9-10-1996, tỉnh QN-ĐN đã tổ chức cuộc họp liên tịch giữa Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, Thường trực UBND, Ủy ban MTTQ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh… bàn việc triển khai công điện của Thủ tướng Chính phủ. Cuộc họp đã thống nhất chủ trương, nhưng thấy cần báo cáo xin ý kiến Chính phủ cho rõ thêm từ “chia tỉnh” là:
1- “Chia tỉnh” với nghĩa là chia QN-ĐN thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương: 1 thành phố (mở rộng thành phố Đà Nẵng và nâng cấp lên trực thuộc Trung ương) và 1 tỉnh Quảng Nam.
2- Hay là “chia tỉnh” với nghĩa chia QN-ĐN thành 2 tỉnh trực thuộc Trung ương, nếu hiểu như vậy thì có ý kiến đề nghị nên chia tỉnh QN-ĐN thành tỉnh Quảng Đà và tỉnh Quảng Nam.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong hội nghị cho rằng ta nên hiểu theo cách thứ 1, có phải không?
Kính mong đồng chí Bộ trưởng báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ (và Phó Thủ tướng Phan Văn Khải) cho ý kiến gấp trong ngày 10-10-1996 để UBND tỉnh kịp báo cáo tại Hội nghị liên tịch tối ngày 10-10-1996 và chuẩn bị báo cáo ra Hội nghị Tỉnh ủy chiều ngày 11-10-1996 và Hội đồng Nhân dân vào ngày 12-10-1996…”.
(5) Khoảng 15 giờ chiều cùng ngày, UBND tỉnh đã nhận Công điện trả lời số 78:
“… Trả lời đề nghị của UBND tỉnh (tại Công văn số 1724/CV-UB ngày 10-10-1996 như sau:
Theo ý kiến của Bộ Chính trị (tại Thông báo số 06/TB-TW ngày 7-10-1996) thì chia tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thành 2 đơn vị: Thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương và tỉnh Quảng Nam”. – Công điện do Bộ trưởng Lê Xuân Trinh ký viết tay, ký, đóng dấu và fax theo đường cơ yếu – như vậy tính ra cũng là khá nhanh.
Khẳng định trên giúp việc tiếp tục chuẩn bị các tài liệu cho Hội nghị liên tịch tối ngày 10-10, Hội nghị Tỉnh ủy chiều ngày 11-10 và Hội nghị HĐND vào ngày 12-10 diễn ra khá thuận lợi như chúng ta đã biết sau này…
Phạm Quý
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng, nguyên Thư ký Chủ tịch UBND tỉnh QN-ĐN các năm 1992-1996.