.

Những bài học quý từ cải cách hành chính

.

Thấm thoắt mà đã 20 năm, kể từ khi thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1997 - 2017). Quá trình phát triển không ngừng của Đà Nẵng luôn luôn gắn liền với tiến trình cải cách hành chính ở thành phố này. Trong suốt thời gian qua, Đà Nẵng cùng với các địa phương chung tay thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 và 2011 – 2020.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung tại Trung tâm Hành chính thành phố.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung tại Trung tâm Hành chính thành phố.

Trải qua 16 năm tiến hành cải cách hành chính, thành phố Đà Nẵng nỗ lực, kiên trì, quyết tâm phấn đấu không mệt mỏi và đã đạt được một số kết quả bước đầu, có thể khái quát như sau:

Thứ nhất, thể chế của nền hành chính từng bước được cải cách, hoàn thiện, cơ bản phù hợp với sự vận hành của bộ máy chính quyền các cấp trong từng thời đoạn, phù hợp với chủ trương của Đảng và cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng cao rõ nét qua việc thường xuyên rà soát, ban hành mới, kiểm soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ngày càng mở rộng hình thức, phạm vi công khai, minh bạch thủ tục hành chính và các thông tin về hoạt động quản lý. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển theo hướng bền vững.

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông ngày càng hoàn thiện; nhân rộng mô hình một cửa điện tử; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch, ngày càng thuận tiện hơn.

Chủ động tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của công dân, tổ chức bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, đề cao trách nhiệm giải trình và xin lỗi tổ chức, công dân vì hồ sơ bị trễ hẹn, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc đánh giá mức độ hài lòng, luôn xác định mức độ hài lòng là thước đo đối với chất lượng phục vụ người dân của bộ máy chính quyền các cấp.

Thứ ba, thực hiện tinh giản bộ máy hành chính theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Bộ máy chính quyền từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã đã phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; cơ bản khắc phục được tình trạng chồng chéo, trống sót chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý.

Phân định rõ hơn cơ cấu tổ chức bên trong giữa cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp. Đặc biệt quan tâm xây dựng, củng cố bộ máy chính quyền ở phường, xã, hoạt động của thôn và tổ dân phố, đồng thời ban hành những chính sách vượt trội áp dụng cho các tổ chức ở cấp hành chính này.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính Nhà nước được nâng cao, tính thống nhất, công khai, minh bạch của nền hành chính được cải thiện và phát huy được quyền làm chủ của nhân dân. Phân công, phân cấp giữa các cấp chính quyền đã có những tiến bộ, đặc biệt là phân cấp về quản lý cán bộ, công chức, viên chức…

Thứ tư, cải tiến lề lối làm việc, tập trung đầu tư mạnh mẽ và quyết liệt nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức.

Hệ thống quản lý và phát triển công vụ được tổ chức theo nguyên tắc lấy năng lực và tính chuyên nghiệp làm nền tảng, chăm lo đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đồng thời với thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; tôn vinh, trọng dụng và khuyến khích đãi ngộ đối với những cá nhân xuất sắc, tiêu biểu trong hoạt động công vụ.

Thí điểm và nhân rộng hình thức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý; đổi mới cơ chế tuyển dụng công chức, viên chức; phối hợp tổ chức thi nâng ngạch cho công chức theo nguyên tắc cạnh tranh. Đổi mới việc đánh giá, phân loại công chức, viên chức thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng công cụ hỗ trợ bằng phần mềm đánh giá.

Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, biên soạn giáo trình, tài liệu, cập nhật thông tin nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, hình thành tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ năm, công tác quản lý tài chính, ngân sách có nhiều chuyển biến rõ nét. Việc giám sát chi bằng quy chế chi tiêu nội bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tăng tính hiệu quả của cải cách tài chính công, hạn chế lãng phí, tham nhũng trong việc sử dụng ngân sách Nhà nước, từng bước tăng cường tính minh bạch trong chi tiêu công.

Ưu tiên bảo đảm cho các khoản chi nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đơn giản hóa các thủ tục cấp phát ngân sách; công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra tài chính được tăng cường. Đẩy mạnh và mở rộng thực hiện cơ chế tự chủ một phần và tự chủ hoàn toàn về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp, thực hiện khoán biên chế và chi phí hành chính, góp phần cải thiện thu nhập bình quân cho người lao động.

Thứ sáu, tập trung đầu tư thỏa đáng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực về công nghệ thông tin; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố; chủ động tích cực thực hiện mục tiêu “xây dựng chính quyền điện tử”, tiêu biểu là hệ thống một cửa điện tử từ cấp thành phố (Trung tâm Hành chính) đến cấp quận, huyện và phường, xã.

Hệ thống xác thực hồ sơ điện tử của công dân thông qua các giao dịch hành chính, mạng lưới kết nối thông tin giữa các cơ quan, đơn vị, giao dịch trực tuyến, tư vấn trực tuyến, đánh giá trực tuyến, góp ý hoặc phản ánh kiến nghị trực tuyến dần được mở rộng và phổ biến. Hiện đại hóa nền hành chính đã thực sự góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ công tại thành phố Đà Nẵng.

Từ khi Bộ Nội vụ bắt đầu xếp hạng về cải cách hành chính (2012), thành phố Đà Nẵng đã vinh dự 4 năm liền đứng đầu cả nước về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index)… cùng với niềm tự hào vì 9 năm Đà Nẵng được xếp ở tốp đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 7 năm liền đứng đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT), 4 năm giữ các thứ hạng cao trong các trục nội dung thuộc chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI)... Nhiều mô hình mới, cách làm mới của thành phố Đà Nẵng đã được Trung ương và các tỉnh, thành phố bạn trong cả nước ghi nhận, đánh giá cao và cùng trao đổi, nghiên cứu.

Từ quá trình thực tiễn, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm về cải cách hành chính tại thành phố Đà Nẵng như sau:

Thứ nhất, sự chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt, kiên trì và quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đến lãnh đạo các cấp, các ngành. Đây là yếu tố tiên quyết dẫn đến thành công trong công tác cải cách hành chính.

Sự quan tâm lãnh đạo của Thành ủy, UBND đối với công tác cải cách hành chính được cụ thể hóa bằng nhiều văn bản, gần đây nhất là Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 6-11-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tiếp tục đẩy mạnh CCHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng thành phố trong tình hình mới.

Nội dung chỉ thị này nhằm tập trung cải cách công chức-công vụ, định hướng cụ thể cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nội dung các chuẩn mực về “5 xây”: trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, gương mẫu và “3 chống”: quan liêu, tiêu cực, bệnh hình thức.

Có thể nói, tốc độ, kết quả và hiệu quả của quá trình cải cách hành chính phụ thuộc rất lớn vào mức độ quyết tâm của lãnh đạo các cấp. Thực tế cho thấy, ở đâu người đứng đầu quan tâm, sâu sát, chỉ đạo quyết liệt trong công tác cải cách hành chính thì ở đó đơn vị thường được xếp ở vị thứ hạng cao trong bảng đánh giá, xếp hạng kết quả cải cách hành chính hằng năm của thành phố.

Thứ hai, để có được những kết quả, sản phẩm cụ thể như mong muốn về cải cách hành chính, phải thực sự quan tâm và coi trọng yêu cầu về thời gian, nội dung và chất lượng của việc xây dựng kế hoạch thực hiện cải cách hành chính từ thành phố đến các sở, ban, ngành, quận, huyện và phường, xã.

Phải căn cứ vào mục tiêu tổng quát, nội dung và lộ trình thực hiện Chương trình tổng thể Cải cách hành chính Nhà nước để xây dựng kế hoạch 10 năm, 5 năm và hằng năm về CCHC của thành phố. Từ đó hằng năm, Sở Nội vụ đều chủ động tham mưu cho UBND thành phố ban hành Kế hoạch công tác cải cách hành chính của Đà Nẵng cho năm sau ngay từ cuối năm trước; trong đó xác định cụ thể nội dung công việc cần thực hiện, phân công cơ quan chủ trì và phối hợp, xác định rõ thời gian bắt đầu và kết thúc, dự kiến kết quả hoặc sản phẩm cụ thể sẽ đạt được, dự toán và cân đối nguồn lực để triển khai.

Đồng thời, Sở Nội vụ có văn bản hướng dẫn cụ thể các biểu mẫu và tập huấn nghiệp vụ lập kế hoạch cải cách hành chính cho các cơ quan, đơn vị, yêu cầu từng cơ quan, đơn vị thường xuyên theo dõi, kiểm tra, cập nhật tiến độ thực hiện và báo cáo kết quả trực tuyến qua mạng về Sở Nội vụ.

Thứ ba, công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra về CCHC phải được tiến hành thường xuyên, có thể lặp đi lặp lại ở những đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém nhằm tạo kết quả chuyển biến thực sự và rõ nét về kỷ luật, kỷ cương hành chính, năng lực quản lý, điều hành và chất lượng dịch vụ công.

 Không chỉ tiến hành các cuộc kiểm tra thường xuyên, đột xuất tại cơ sở, Sở Nội vụ còn tham mưu nhiều hình thức theo dõi, kiểm tra, bằng việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thông qua các phần mềm cải cách hành chính tại địa chỉ cchc.danang.gov.vn, phần mềm quản lý văn bản, điều hành, phần mềm một cửa điện tử tập trung tại địa chỉ egov.danang.gov.vn... góp phần nâng cao tính hiệu quả, toàn diện, kịp thời của công tác này.

Nhờ đó, những hạn chế, tồn tại trong công tác cải cách hành chính tại các đơn vị, địa phương được phát hiện kịp thời và khắc phục nhanh chóng, từng bước củng cố, cải thiện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác cải cách hành chính.

(Còn nữa)

Chế Viết Sơn

Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.