Chính trị - Xã hội
Ông Nguyễn Thiện Nhân: Mỗi người dân là một ''cảm biến xã hội"
Sáng 17-12, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học "Nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước."
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN) |
Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì tọa đàm.
Mỗi người dân là một ''cảm biến xã hội''
Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn tại tọa đàm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ tìm hiểu những gì người dân suy nghĩ, mong muốn vừa là nhu cầu, vừa là chức năng của Mặt trận Tổ quốc đã được hiến định và luật hóa. Luật Mặt trận Tổ quốc đã quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, điều đó yêu cầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải biết nhân dân đang nghĩ gì. Đây cũng là cốt lõi trong công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ý kiến của nhân dân về các chủ trương của Đảng, Nhà nước, những sáng kiến giúp đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc là trọng tâm của yêu cầu này.
Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định việc nắm bắt ý kiến của nhân dân là yêu cầu được Đảng, Nhà nước đề cập ngày càng sâu sắc hơn. Năm 1982, Viện nghiên cứu dư luận thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương đã được thành lập.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII và Hội nghị Trung ương 8 khóa VII cũng có yêu cầu tổ chức điều tra dư luận xã hội để nắm bắt tình hình nhân dân. Mới đây, Ban Bí thư (khóa XI) có Kết luận số 100-KL/TW về công tác điều tra nắm bắt dư luận xã hội.
Cần nghiên cứu về xu hướng, mức độ quan tâm của nhân dân, những vấn đề về xã hội đã ảnh hưởng đến tư tưởng của nhân dân. Tại mỗi kỳ họp Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc nhận được 23.000 kiến nghị nhưng chỉ có 15 phút để báo cáo, vì vậy, Mặt trận cần lựa chọn những vấn đề phản ánh được ý kiến, tâm tư của đa số hoặc những vấn đề có tính dự báo để báo cáo trước Quốc hội, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.
Đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng những kết quả thu được từ việc thu thập, đánh giá ý kiến của nhân dân, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh mong muốn nhân dân hiểu về tình hình đất nước, về sự phát triển xã hội, tình hình quốc tế, có thái độ tích cực với sự phát triển đất nước, cần phản hồi những ý kiến của nhân dân để tạo sự đồng thuận, khuyến khích nhân dân có sáng kiến hay, thay đổi nhận thức.
Nêu quan điểm ''Không phải chính sách nào cũng được người dân ủng hộ nhưng dứt khoát một chính sách tốt thì phải được đa số người dân ủng hộ," giáo sư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đối với việc xây dựng chính sách, cần nắm được suy nghĩ, nhu cầu của người dân, nhất là những đối tượng bị ảnh hưởng, chi phối bởi chính sách đó. Đối với những chính sách dài hạn 5-10 năm, trong quá trình triển khai có thể điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Nắm bắt tình hình nhân dân về góc độ chính sách phải được quan tâm thực hiện từ khi hình thành, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh.
Cần coi mỗi người dân là một ''cảm biến xã hội'' để thu thập được nhiều nhất ý kiến của nhân dân. Việc tiếp xúc cử tri, nhân dân của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân cũng là một kênh để tiếp nhận ý kiến của nhân dân. Việc điều tra xã hội học phải thực hiện theo chuyên đề và ở những thời điểm nhất định.
Đặc biệt, cần quan tâm đến các diễn đàn xã hội để thông qua không gian mạng, môi trường Internet thu thập được ý kiến của các tầng lớp nhân dân một cách nhanh nhất. Môi trường điện tử là một kênh tiếp nhận thông tin rất quan trọng. Về lâu dài, Mặt trận phải quan tâm đến phương tiện này. Mặt trận sẽ dựa vào những “cảm biến xã hội,” tức người dân, đồng thời đặt hàng các Viện nghiên cứu điều tra, thu thập ý kiến của nhân dân một cách khoa học nhất - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi ý.
Chia sẻ một số hạn chế trong việc điều tra, nắm bắt dư luận xã hội, thạc sỹ Nguyễn Huy Cường - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định các cấp ủy Đảng nhận thức chưa sâu sắc, chưa đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận các tầng lớp nhân dân trong công tác lãnh đạo, quản lý. Trong thời đại thông tin bùng nổ, nhiều chiều và trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự phân hóa lớn về lợi ích giữa các tầng lớp, nhóm xã hội như hiện nay, quan điểm, thái độ của các tầng lớp nhân dân đối với mọi vấn đề của đời sống xã hội thường rất đa dạng, phức tạp, thậm chí trái ngược nhau, dễ biến đổi...
Thạc sỹ Nguyễn Huy Cường cho biết Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư (khóa XI) đặt ra yêu cầu phải đổi mới, nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội.
Để thực hiện tư tưởng, chỉ đạo nêu trên, trong thời gian tới, công tác dư luận xã hội nắm bắt, tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp như nâng cao năng lực tham mưu giúp cấp ủy trong việc nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội; phản ánh, dự báo đúng, trúng tình hình tâm trạng, tư tưởng và dư luận xã hội của các tầng lớp nhân dân; đổi mới quy trình, phương thức, cách thức tổ chức, lựa chọn nội dung điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác dư luận xã hội trong hệ thống tuyên giáo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương...
Đồng thời, cần đổi mới cách thức tổ chức, duy trì hoạt động của mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội, bảo đảm yêu cầu về số lượng, chất lượng, có đại diện nhiều giai tầng xã hội trên địa bàn; đẩy mạnh công tác lý luận, đặc biệt là nghiên cứu các cơ chế hình thành dư luận xã hội để tham mưu giúp các cấp ủy Đảng cách thức định hướng dư luận xã hội có hiệu quả; quan tâm bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị làm công tác dư luận xã hội.
Việc nắm bắt, tập hợp ý kiến nhân dân phải đảm bảo kịp thời, khách quan, trung thực
Tiến sỹ Đỗ Văn Đương, Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ý kiến tại mỗi kỳ họp Quốc hội, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi tới rất nhiều, trung bình có tới trên 2.000 ý kiến/kỳ.
Để góp phần trả lời, giải đáp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Tiến sỹ Đỗ Văn Đương đề nghị Chính phủ sớm có quy định về tiêu chí và phân loại việc giải quyết kiến nghị của cử tri theo các nhóm vấn đề đã, đang, sẽ giải quyết và các kiến nghị giải trình cung cấp thông tin đến cử tri; xác định rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri; hạn chế tối đa tình trạng nợ đọng việc giải quyết; xác định việc giải quyết, trả lời đầy đủ, đúng thời hạn các kiến nghị của cử tri là một trong những tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của Bộ trưởng, Trưởng ngành. Đồng thời, cần phát huy, đổi mới vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của Điều 9 Hiến pháp 2013.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo các tổ chức thành viên thực hiện nhiệm vụ vận động, tập hợp quần chúng nhân dân, tăng cường kiểm soát hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân ngay từ cơ sở. Phải đổi mới các hình thức giám sát, đưa các hoạt động giám sát đi vào thực chất, có kiến nghị xác đáng sau giám sát, trong đó, đặc biệt quan tâm giám sát các nội dung có liên quan đến lĩnh vực mà đông đảo cử tri quan tâm, kiến nghị. Giám sát các vụ việc cụ thể mà người dân bức xúc gửi kiến nghị nhiều lần; theo dõi, đeo bám đến cùng việc giải quyết, tiến sỹ Đỗ Văn Đương nói.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mớ, theo tiến sỹ Lê Bá Trình - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Kết luận 100 của Ban Bí thư về đổi mới và nâng cao công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội; Nghị quyết 03 của Hội nghị lần thứ 2 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về đề án 01 ''Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.'
Trên cơ sở đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên cần rà soát, bổ sung, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai công tác nắm bắt, tập hợp phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Việc nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân phải đảm bảo kịp thời, khách quan, trung thực, mang tính xây dựng, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần tăng tính hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, quản lý điều hành của chính quyền các cấp.
Trong quá trình tập hợp ý kiến của nhân dân cần kết hợp với công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội để dân hiểu và thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước sát với yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Cần mở rộng, tăng cường các hình thức thu thập ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, dư luận xã hội từ Trung ương đến cơ sở thông qua việc tập hợp ý kiến của cử tri và nhân dân trước kỳ họp của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.
Thông qua hệ thống tổ chức của Mặt trận, các đoàn thể chính trị, xã hội và các tổ chức thành viên, tổ chức mạng lưới thu thập ý kiến, nguyện vọng của nhân dân của Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở. Có thể mở chuyên mục thu thập ý kiến của nhân dân trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trên mạng xã hội như Facebook, Twitter… để tập hợp, đặc biệt là những thời điểm có tình hình nóng bỏng xảy ra cần phải tập hợp thông tin kịp thời. Đối với những vấn đề lớn cần có điều tra về dư luận xã hội, cần đặt hàng Viện nghiên cứu dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương để lấy kết quả làm một kênh thông tin, tiến sỹ Lê Bá Trình đề xuất.
Theo Vietnam+