Chính trị - Xã hội

Phát triển thủy điện: Cần nhìn nhận thấu đáo và thận trọng

08:10, 07/12/2016 (GMT+7)

Sáng 6-12, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật (KH&KT) thành phố Đà Nẵng phối hợp với Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội (CSRD) tổ chức hội nghị “Vì sự phát triển thủy điện bền vững khu vực miền Trung-Tây Nguyên”.

Ông Tâm Anh, đại diện nhóm cộng đồng xã Đại Hồng đối thoại và trình bày những hình ảnh ảnh hưởng do thủy điện gây ra.
Ông Tâm Anh, đại diện nhóm cộng đồng xã Đại Hồng đối thoại và trình bày những hình ảnh ảnh hưởng do thủy điện gây ra.

Hệ lụy từ việc xây dựng thủy điện

Tại hội nghị, ông Tâm Anh, đại diện nhóm cộng đồng xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), địa phương chịu ảnh hưởng của Thủy điện A Vương và sông Bung cho biết, từ khi có thủy điện, cuộc sống của người dân có nhiều biến đổi do những thay đổi chế độ dòng chảy của sông Vu Gia, đặc biệt từ đầu năm 2013 đến nay.

Ông Anh dẫn chứng bằng những hình ảnh cụ thể và cho biết thêm: “Các dự án thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia đã làm thay đổi nghiêm trọng chế độ dòng chảy của sông, qua đó gây những hệ quả tai hại cho cộng đồng trong những năm gần đây theo hướng ngày càng nghiêm trọng.

Mực nước sông vào thời gian kiệt thấp hơn rất nhiều so với trước đây, nước lũ trên sông diễn biến bất thường, có thể xuất hiện cả mùa nắng, khi lũ tốc độ dòng chảy mạnh, nước dâng nhanh. Những thay đổi trên cũng gây ra những tác động tiêu cực đến các hoạt động sinh kế của người dân như làm bồi lấp cát vào đồng ruộng dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp; sản lượng đánh bắt cá giảm, nhiều hộ gia đình phải bỏ nghề đánh bắt cá truyền thống; thiếu việc làm…”.

Ông Lê Văn Trọng (thôn Ea Tung, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắc Lắc), nơi có công trình thủy điện Buôn Kuốp cho biết, trước đây khi chưa có thủy điện, cuộc sống của người dân tuy vất vả nhưng yên lành, người dân có đất đai trồng trọt, chăn nuôi. Từ khi dự án thủy điện hoàn thành, kinh tế gia đình của người dân bị sụt giảm nhiều.

Nhiều gia đình chỉ còn vài trăm mét vuông đất sản xuất, có gia đình không còn đất canh tác, trong khi giá đền bù rẻ. Không những thế, việc dự án thủy điện áp dụng cách chuyển tiền đền bù nhiều lần và lượng tiền mỗi lần quá ít, không đủ để người dân có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, khiến cuộc cống của họ càng khó khăn hơn…

Bảo đảm hài hòa lợi ích các bên

Việt Nam là một trong số 14 quốc gia trên thế giới có tiềm năng lớn về thủy điện với hơn 2.372 sông, suối lớn - nhỏ có dòng chảy liên tục, tiềm năng thủy điện lý thuyết khoảng 35.000MW. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến năm 2015, Việt Nam khai thác trên 80% tiềm năng kinh tế thủy điện toàn quốc. Do chiếm tỷ lệ lớn trong hệ thống điện quốc gia, thủy điện đang có một vai trò rất quan trọng trong mạng lưới điện của Việt Nam. An ninh năng lượng quốc gia hiện tại và trong tương lai gần phụ thuộc rất lớn vào nguồn năng lượng được sản sinh từ nguồn tài nguyên nước.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, sự hiện diện rất dày của các công trình thủy điện lớn - nhỏ ở khắp hệ thống sông suối của Việt Nam, của khu vực miền Trung-Tây Nguyên là thực tế cần nhìn nhận. Các công trình thủy điện là những công trình hạ tầng lớn của xã hội, nhưng là công trình đặc biệt có tác động to lớn đến cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, môi trường sống, sự an toàn của con người trước và sau công trình thủy điện.

Ông Huỳnh Phước, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội KH&KT Đà Nẵng nhìn nhận, thời tiết diễn biến bất thường, thiên tai và những sự cố về ngập lụt ở hạ lưu do các công trình thủy điện ở miền Trung gây ra trong thời gian gần đây cho thấy, thủy điện Việt Nam nói chung và miền Trung-Tây Nguyên nói riêng tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức đối với môi trường, sinh thái, xã hội và an ninh con người; nhất là các nguy cơ gây mất an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong mùa lũ; giảm mạnh sản lượng điện vào mùa khô; gia tăng tranh chấp nước giữa các nhu cầu dùng nước hạ lưu và giảm hiệu quả kinh tế của các đập thủy điện. Ngoài ra, thủy điện còn là tác nhân làm mất rừng; tăng xói lở bờ sông hạ lưu, nguy cơ xâm nhập mặn...

Thực tiễn phát triển thủy điện khu vực miền Trung cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực, các công trình thủy điện cũng gây những tác động tiêu cực to lớn đối với môi trường và xã hội.

Phát triển thủy điện là một bài toán đánh đổi nhưng sự đánh đổi cần được nhìn nhận cặn kẽ, thấu đáo và thận trọng. Nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, vấn đề phát triển thủy điện cần phải cân nhắc thận trọng hơn để bảo đảm hài hòa an ninh nguồn nước, lương thực, năng lượng và an ninh con người, vì sự phát triển bền vững thực sự của đất nước.

Ông Đặng Ngọc Quang, cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) khuyến nghị, để giải quyết những khúc mắc cho người dân, khi thực hiện đền bù tái định cư, nhà đầu tư và chính quyền có trách nhiệm đánh giá tác động môi trường, kinh tế, xã hội đầy đủ và toàn diện; đền bù tái định cư phù hợp với lối sống, văn hóa, bảo đảm sinh kế. Đồng thời, cần cung cấp thông tin minh bạch cho người dân về mọi tác động toàn diện của thủy điện.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

.