Chính trị - Xã hội

PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI THUỐC LÁ

Khi thầy thuốc là tuyên truyền viên

08:35, 14/12/2016 (GMT+7)

Mặc dù đã che kín khuôn mặt trong chiếc khẩu trang, nhưng anh T .V. T (quê Quảng Ngãi), một bệnh nhân của khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đà Nẵng cũng không giấu được sự lo âu và nỗi ân hận khi kể lại hành trình vào viện: “Mọi sự do tôi mà ra hết. Nếu như chục năm trước tôi đừng hút thuốc thì giờ đây tránh được bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, mà vợ con cũng đỡ khổ vì mỗi năm mất vài tháng ra Đà Nẵng nuôi tôi ốm đau”.

Chung tâm trạng, ông N. V. T ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) tâm sự: “Hai năm trước, tôi phải nhờ đến xe cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam đưa ra Bệnh viện Đà Nẵng mới giữ được mạng. Tuy nhiên, cái bệnh phổi do hút thuốc của tôi thì không cách gì chữa khỏi. Nằm bệnh viện, nghe nhân viên ở đây tư vấn mới biết mình đã nhầm khi nghĩ ở quê cũng có nhiều người hút thuốc nhưng có sao đâu (!)”.

Khoảng 5 năm trở lại đây, khoa Nội hô hấp Bệnh viện Đà Nẵng lồng ghép việc điều trị với tư vấn cai nghiện cho bệnh nhân có tiền sử sử dụng thuốc lá.
Khoảng 5 năm trở lại đây, khoa Nội hô hấp Bệnh viện Đà Nẵng lồng ghép việc điều trị với tư vấn cai nghiện cho bệnh nhân có tiền sử sử dụng thuốc lá.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Hứa Quảng, Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, khá nhiều bệnh nhân cứ nghĩ hút thuốc không nguy hiểm gì đến sức khỏe. Thậm chí có bệnh nhân còn “phản biện” với nhân viên của khoa rằng, nhiều người hút mỗi ngày cả gói và kéo dài cả chục năm nhưng có bệnh tình gì đâu.

Thế nhưng, những ngộ nhận này chỉ xảy ra trong thời gian mới nhập viện, sau quá trình nằm điều trị, được tư vấn hằng ngày, nhất là khi nhìn thấy những bệnh nhân nặng ở giai đoạn 4 suốt ngày phải thở bằng bình ô-xy, họ đã thay đổi suy nghĩ về tác hại của hút thuốc.

 5 năm trở lại đây, khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đà Nẵng tham gia Chương trình tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân hiểu được tác hại của thuốc lá để quyết tâm cai nghiện. Thông qua chương trình, nhiều nhân viên của khoa được tập huấn kỹ năng tư vấn cũng như được hỗ trợ tài liệu tuyên truyền phát tận tay bệnh nhân.

Hiện chương trình chưa có tổng kết đánh giá về con số cụ thể, tuy nhiên ước tính có khoảng 15% người bệnh sau khi điều trị và được tư vấn đã bỏ hẳn hút thuốc lá, số còn lại bỏ được vài tháng rồi tái nghiện. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận nhất là chương trình này có tác động rất tích cực trong việc góp phần thay đổi nhận thức về tác hại thuốc lá đối với người nhà bệnh nhân.

Theo chị Nguyễn Thị Tình, người nhà của bệnh nhân L .T, trước đây thấy chồng hút thuốc trong nhà, chị coi đó là chuyện bình thường. Thế nhưng khi vào bệnh viện, thấy tình cảnh các bệnh nhân nặng cùng với việc được tư vấn nên chị hiểu hơn về tác hại của thuốc lá. Chính vì vậy, thời gian gần đây cả nhà chị quyết tâm “đấu tranh” yêu cầu chồng phải cai nghiện thuốc lá, nếu hút phải đi đến chỗ không có người để khỏi ảnh hưởng xung quanh.

Theo bác sĩ Võ Thu Tùng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe thành phố, so với những tuyên truyền viên khác, các nhân viên y tế mà cụ thể là nhân viên của khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đà Nẵng tư vấn có hiệu quả hơn hẳn.

Vì ở vị trí thầy thuốc, những lời họ khuyên răn, tư vấn bao giờ cũng được người bệnh tin hơn và cũng mong muốn hợp tác tốt nhất có thể để việc điều trị thuận lợi. Vì vậy, việc tư vấn cai nghiện thuốc lá được lồng ghép với quá trình điều trị là mô hình rất hay, cần nhân rộng trong toàn ngành y tế.

Theo bác sĩ Nguyễn Hứa Quảng, tuyên truyền cho mọi người hiểu và quyết tâm cai nghiện thuốc lá là câu chuyện dài, nhất là phải làm liên tục chứ không đơn giản chỉ tuyên truyền trong những ngày nằm điều trị tại bệnh viện. Bên cạnh đó, một khó khăn nữa là có khoảng 80-90% bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là những người làm công việc lao động phổ thông như thợ hồ, thợ sơn, xe ôm... Đây là những đối tượng ít chủ động tìm hiểu các thông tin bảo vệ sức khỏe, trong khi họ thường làm việc trong môi trường ô nhiễm...

Bài và ảnh: THANH VÂN

.