Chính trị - Xã hội

PHONG TRÀO XÂY DỰNG "CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, DOANH NGHIỆP ĐẠT CHUẨN VĂN HÓA"

Tạo bước chuyển mới

08:22, 14/12/2016 (GMT+7)

Năm 2016, thành phố Đà Nẵng tổng kết, đánh giá 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH), đề ra phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020; trong đó, đặt nhiều kỳ vọng phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ, tạo dấu ấn mới trong phong trào chung.

Cuộc thi “Công chức, viên chức, người lao động thành phố Đà Nẵng với cải cách hành chính” do Công đoàn Viên chức phối hợp Sở Nội vụ tổ chức nhằm tìm nhiều giải pháp cải cách hành chính - một trong những tiêu chí của phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”.
Cuộc thi “Công chức, viên chức, người lao động thành phố Đà Nẵng với cải cách hành chính” do Công đoàn Viên chức phối hợp Sở Nội vụ tổ chức nhằm tìm nhiều giải pháp cải cách hành chính - một trong những tiêu chí của phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”.

Từ nhiều năm nay, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đà Nẵng được giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức thực hiện phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” ở các cơ quan, trường học, bệnh viện, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp... trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Lê Quốc Linh, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố, người nhiều năm theo dõi phong trào này, đánh giá: “Nằm trong phong trào chung, việc xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đến nay đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của lãnh đạo chính quyền, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở và là mục tiêu phấn đấu vì sự phát triển bền vững của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Đây là động lực thúc đẩy mỗi cán bộ, viên chức, công nhân, người lao động (CNVCLĐ) hăng hái hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao”.

Thực tế, hầu hết lãnh đạo chính quyền và Công đoàn cơ sở các đơn vị đều làm tốt công tác tuyên truyền thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát động các phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao; tổ chức triển khai và thực hiện có kết quả việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với hàng trăm triệu đồng mỗi năm tiết kiệm từ điện, nước, văn phòng phẩm, xăng xe..., góp phần đáng kể vào việc cải thiện đời sống cán bộ, CNVCLĐ.

Nhiều hội thao, hội diễn từng bước nâng cao đời sống tinh thần thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao mang tính nghệ thuật cao, thu hút hàng ngàn lượt CNVCLĐ tham gia thi đấu, biểu diễn và cổ vũ.

Các chuyên mục “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” trong chương trình “Thành phố 3 có”, chương trình giáo dưỡng trẻ em hư, xây dựng các tuyến đường văn minh; phong trào làm sạch đẹp đường phố, ven biển; phong trào khu dân cư không có tệ nạn xã hội... cùng hàng nghìn tờ gấp về xây dựng tiêu chuẩn người cán bộ gương mẫu, văn hóa, người công nhân văn hóa... được các cơ quan, đơn vị phát động, triển khai sâu rộng và chặt chẽ đã góp phần đáng kể trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH.

Nhiều cơ quan, đơn vị đã mạnh dạn sắp xếp nơi làm việc hợp lý, khoa học; cải cách thủ tục hành chính, hạn chế tối đa thủ tục rườm rà, khó hiểu, phải đi lại nhiều lần làm mất thời gian của người dân, doanh nghiệp; nhiều trang tin điện tử, văn phòng điện tử được tổ chức và duy trì tốt.

Đặc biệt, khi Trung tâm Hành chính thành phố hình thành, các sở, ban, ngành tập trung làm việc ở trung tâm này đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức khi đến liên hệ công tác. Các hoạt động xã hội từng bước mở rộng cả về phạm vi, đối tượng và được sự quan tâm hưởng ứng của CNVCLĐ.

Cán bộ, đảng viên, đoàn viên ngày càng thực hiện tốt các tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa, mẫu mực, tiến bộ. Đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong cưới hỏi, tang lễ, tránh gây lãng phí; đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ công nhân, lao động nhập cư tổ chức đám cưới vui vẻ, tiết kiệm, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động bằng việc hỗ trợ hầu hết các khoản chi phí để tổ chức đám cưới tập thể cho công nhân lao động. Nhiều thiết thế văn hóa mới được xây dựng, các tủ sách pháp luật dần được đầu tư...

Qua 15 năm triển khai, trên toàn thành phố có 833 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký xây dựng danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”.Qua kiểm tra, bình xét, có 742/833 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, đạt 89,1% tổng số đăng ký.  

Bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan, đơn vị nhằm xây dựng cơ quan thực sự đạt chuẩn văn hóa theo yêu cầu mới đặt ra, còn có đơn vị chưa thực hiện triệt để. Đây đó vẫn còn việc lập bàn thờ, thắp hương; hút thuốc lá trong khuôn viên công sở; một số cơ quan còn trường hợp sinh con thứ ba trở lên; tình trạng khiếu kiện vượt cấp xảy ra... Ngoài ra, qua nhiều năm thực hiện, bộ bảng điểm đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với giai đoạn mới.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Lê Quốc Linh chia sẻ: “Chúng ta đang thực hiện bộ bảng điểm được ban hành tại Quyết định số 7966/QĐ-UBND ngày 1-10-2012 và bổ sung điều chỉnh vào năm 2014 theo tinh thần Thông tư 01/2012/TT-BVHTTDL ngày 18-1-2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đến tháng 9-2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư 08/2014/TT-BVHTTDL điều chỉnh nhiều nội dung, tiêu chí về quản lý, phân cấp xây dựng danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”.

Tuy nhiên, Thông tư này lại có quá nhiều điểm bất cập, không phù hợp với cách triển khai nhiều năm qua trong phong trào chung của thành phố Đà Nẵng. Đó là lý do trên địa bàn thành phố vẫn còn sử dụng bộ bảng điểm của giai đoạn cũ. Sắp tới, tại Hội nghị tổng kết, đánh giá phong trào 15 năm ở cấp Trung ương, thành phố sẽ có những kiến nghị, đề xuất và tiến tới ban hành bộ tiêu chí, bảng điểm mới, phù hợp với tình hình mới.

Bài và ảnh: NGỌC CHÂN

.