UBND thành phố vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép thành phố điều chỉnh đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị có nhiều yếu tố phát sinh mới cần bổ sung quy hoạch và đầu tư phát triển mạnh mẽ.
Quy hoạch không gian ngầm là nội dung được đề xuất để bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong ảnh: Thi công xây dựng hạ tầng thoát nước ngầm. |
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013. Sau gần 3 năm thực hiện, Đà Nẵng đã triển khai nhiều dự án ở nhiều mức độ; đến nay nảy sinh những vấn đề mới mang tính tổng thể, tác động lớn đến sự phát triển của đô thị, ảnh hưởng đến định hướng quy hoạch chung đã được phê duyệt trước đây.
Về phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, có nhiều phát sinh mới cần điều chỉnh, chẳng hạn: Sân bay Quốc tế Đà Nẵng được thiết kế với công suất phục vụ đến năm 2020 là 6 triệu lượt khách/năm nhưng đến nay đã đạt chỉ tiêu này. Cảng Tiên Sa hiện quá tải, đồng thời lưu lượng giao thông container từ tuyến quốc lộ 14B nối ra cảng Tiên Sa đã gia tăng mạnh, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển đô thị trên địa bàn các quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà.
Năm 2015, Chính phủ tiếp tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020 và hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở để Đà Nẵng điều chỉnh quy hoạch, đáp ứng sự phát triển của thành phố trong giai đoạn mới.
Sự phát triển bùng nổ về không gian đô thị đương nhiên sẽ kéo theo nhiều vấn đề khác liên quan đến đời sống đô thị như: môi trường, năng lượng, phát triển kinh tế, chuyển đổi ngành nghề, trật tự đô thị…
Một trong những vấn đề hết sức quan trọng nữa là thách thức về giao thông. Hiện nay, diện tích đất đô thị Đà Nẵng đạt 9.000ha, tăng gấp 2 lần so với năm 2010. Với mục tiêu phát triển diện tích đất đô thị lên 37.500ha vào năm 2030, Đà Nẵng phải duy trì tốc độ phát triển hạ tầng rất lớn. Theo đó, phải điều chỉnh quy hoạch, trong đó có hạ tầng giao thông.
Việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, Đà Nẵng kết nối với tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, La Sơn - Túy Loan được bổ sung vào quy hoạch mạng đường bộ cao tốc. Đà Nẵng cũng bổ sung quy hoạch di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố để làm cơ sở nghiên cứu phát triển hệ thống đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1,435m; nâng cấp và mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng; phát triển cảng Liên Chiểu...
Vị trí của Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch phát triển vận tải của vùng khi năm 2030 xác định là 3/5 trụ cột hành lang giao thông của vùng với hành lang ven biển; hành lang giao thông Đà Nẵng - Nam Giang và Đà Nẵng - Lao Bảo để kết nối sang Lào, Thái Lan; hành lang Đà Nẵng - Tây Nguyên... Đà Nẵng gắn kết quy hoạch mạng lưới giao thông đối ngoại với đối nội để bảo đảm đến năm 2030 giao thông đô thị Đà Nẵng sẽ tốt hơn.
Quy hoạch không gian ngầm là nội dung cần sớm được điều chỉnh bổ sung. Đà Nẵng với quỹ đất hạn hẹp, lại được định hướng phát triển thành thành phố du lịch, môi trường, vậy nên nhất thiết phải khai thác mạnh về không gian ngầm.
Trong đó, công tác quy hoạch hệ thống giao thông ngầm phải được đặc biệt chú trọng, bởi đây là mấu chốt cho việc kết nối và chi phối hạ tầng đô thị. Quy hoạch không gian ngầm phải tính toán kỹ và có tầm nhìn chiến lược cho việc liên kết hệ thống các công trình ngầm với hệ thống không gian trên mặt đất, đồng thời bảo đảm việc khớp nối kỹ thuật, khớp nối không gian và cảnh quan kiến trúc đô thị.
Hiện nay, không gian ngầm là một dạng tài nguyên quý và quy hoạch hệ thống giao thông ngầm sẽ mang lại cho đô thị Đà Nẵng lượng quỹ đất không nhỏ.
Việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung được thành phố đề xuất mời tư vấn quốc tế tham gia thực hiện. Đây là thời điểm và cơ hội để Đà Nẵng cần các chuyên gia quốc tế hỗ trợ nghiên cứu.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG