.

Rau sạch là khác, cái tên rau sạch là khác

.

ĐNĐT - “Hàng loạt siêu thị, cửa hàng mở ra ai cũng bán rau sạch nhưng bản chất của nó không phải là rau sạch. Rau sạch là khác, còn cái tên rau sạch là khác. Ở Đà Nẵng có hai cửa hàng rau sạch như vậy. Đại biểu nào mua tôi chỉ cho”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Phú Ban trả lời các đại biểu HĐND thành phố trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 3 của HĐND thành phố sáng ngày 8-12

Đại biểu Cao Thị Huyền Trân chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Đại biểu Cao Thị Huyền Trân chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Thành phố có hai cửa hàng rau sạch

Ông Ban chia sẻ với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) “khi cấp phép họ nói rau sạch nhưng cái đó phải nghiên cứu. Họ nói cửa hàng bán rau sạch nhưng đừng có nhầm, bản chất rau sạch phải có giấy chứng nhận một là VietGAP, hai là của cơ quan Nhà nước”. Ông Ban giới thiệu Đà Nẵng có hai cửa hàng bán rau sạch loại này (một ở 133 Quang Trung, một cửa hàng khác ông không nói rõ địa chỉ mà cho biết do một HTX rau VietGAP ở Đà Lạt cung cấp). “Đại biểu nào muốn mua, tôi chỉ cho”, ông nói.

Theo ông Ban, Sở NN&PTNT đã làm nhiều việc trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với nông sản nhưng có một số vấn đề ngoài tầm kiểm soát là hiện nay có 1.773 hoạt chất bảo vệ thực vật, gần 4.000 nhãn hiệu, 33.200 đơn vị kinh doanh nhưng đơn vị kiểm nghiệm chỉ kiểm nghiệm được 80 loại hoạt chất bảo vệ thực vật, bên cạnh đó Sở Y tế chỉ đưa vô danh mục quản lý 40 loại hoạt chất.

Đề xuất giải pháp kiểm soát ATVSTP, ông Ban đề nghị thành lập Ban quản lý chuyên trách về ATVSTP. Thứ hai, thành phố cần đầu tư ngay, tách hẳn chợ đầu mối ra khỏi chợ Hòa Cường để làm một chợ đầu mối nông sản mới. Nguồn vốn đầu tư này không nên đưa vào nguồn vốn đầu tư trung hạn từ nay đến 2020 chỉ có mấy tỉ đồng. Khu chợ nông sản đầu mối này sẽ là nơi tập trung tất cả nông sản từ các địa phương khác về đây, được kiểm tra trước khi phân phối ra khắp thành phố.

Mô hình này có thể ngăn chặn những lô hàng nông sản còn tồn dư thuốc bảo vệ thực phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Sắp tới đây, Sở sẽ tiếp tục kết nối với một số doanh nghiệp ở Đà Lạt để vừa cung cấp nông sản cho Đà Nẵng vừa truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Trả lời các ĐB về giải pháp phát triển rau an toàn của thành phố, ông Ban cho rằng không nên đặt vấn đề này ra nữa vì theo quy hoạch đến năm 2020, huyện Hòa Vang có cơ cấu nông nghiệp chỉ còn 12%, đất đâu ra mà phát triển.

Mặt khác, mô hình rau VietGAP đang áp dụng hiện nay vừa tốn ngân sách hỗ trợ đến 13 triệu đồng/ha nhưng hiệu quả không cao, rủi ro nhiều, lợi nhuận không cao. “Thành phố có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư làm rau sạch công nghệ cao, tôi đã dẫn nhiều doanh nghiệp đi khảo sát nhưng họ vẫn không làm”, ông Ban nói.

Đại biểu Lê Trung Chinh chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Đại biểu Lê Trung Chinh chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Theo ông Ban, thành phố chỉ phát triển nông nghiệp đô thị phục vụ du lịch, tạo cảnh quan cho thành phố, còn thiếu bao nhiêu thì nhập bên ngoài. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh cho rằng người dân không quan tâm rau trồng tại thành phố hay nhập mà chỉ quan tâm nó có an toàn hay không và trách nhiệm của ngành nông nghiệp phát triển nông thôn là ở đây.

Vì sao cứ mùa mưa mới khởi công công trình?

Trả lời câu hỏi của các ĐB Lê Thị Mỹ Hạnh, Phan Thị Thúy Linh vì sao các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) chậm và cứ mùa mưa mới khởi công công trình, Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Văn Sơn  cho biết: Do năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Luật Đầu tư công, quy trình, thủ tục đều thay đổi, trong khi đó văn bản hướng dẫn luật của Trung ương chậm ban hành, có những văn bản bãi bỏ hoàn toàn được thay thế bằng những quy định mới nên các thủ tục phải làm lại từ đầu dẫn đến chậm. Tình trạng này là cả nước chứ không riêng gì ở Đà Nẵng. Nguyên nhân chủ quan là do quy trình phân ra rất nhiều ngành tham gia thẩm định mất nhiều thời gian.

Ông Sơn đề nghị Sở Nội vụ hỗ trợ xây dựng quy trình thẩm định theo mô hình “một cửa” để rút ngắn hơn thời gian. Giải thích lý do những công trình thi công vào mùa mưa là những công trình phát sinh được bổ sung ngoài danh mục của UBND thành phố.

Do đó thủ tục phải làm lại từ đầu đến cuối năm là xong, khi thi công lại rơi vào mùa mưa. Giải pháp khắc phục là bố trí một nguồn vốn chuẩn bị đầu tư dành cho những công trình đã có chủ trương rồi và hoàn thành thủ tục trước một năm để sang năm sau là thi công và tránh mùa mưa.

S.TRUNG

;
.
.
.
.
.