.

Thành quả của ý Đảng lòng dân

.

LTS: 20 năm kể từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1997-2017), Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố luôn phát huy tinh thần đồng thuận, đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo thực hiện những quyết sách đi trước, đón đầu nên đã đạt những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực của đời sống. Nhân dịp này, Báo Đà Nẵng ghi nhận ý kiến, cảm nghĩ của những người dân thành phố về những đổi thay của Đà Nẵng suốt 20 năm qua.

Cầu vượt ngã ba Huế góp phần giải quyết vấn nạn về giao thông. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Cầu vượt ngã ba Huế góp phần giải quyết vấn nạn về giao thông. Ảnh: ĐẶNG NỞ

* Ông Lê Văn Cho, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà:Hạ tầng đô thị phát triển khang trang hơn

Nhìn lại thành quả 20 năm qua của thành phố Đà Nẵng, tôi rất tự hào mình là người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này. Đà Nẵng nói chung, Sơn Trà nói riêng hôm nay là minh chứng rõ nét nhất cho sức trẻ đang vươn mình. Từ một quận vùng ven nghèo với những dãy nhà chồ xiêu vẹo ngày nào, Sơn Trà nay bừng lên sức sống mới, với vóc dáng đô thị hiện đại, văn minh. Các giá trị văn hóa - lịch sử trên địa bàn quận được phát huy, những tòa nhà cao tầng mang tầm cỡ quốc tế, cùng với những khu nghỉ dưỡng cao cấp góp phần làm Đà Nẵng phát triển không ngừng.

Cùng với việc phát triển kinh tế, Đà Nẵng luôn chú trọng đầu tư xây dựng “văn hóa người Đà Nẵng”. Theo đó, chính quyền thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách và dành nhiều nguồn lực để tập trung phát triển giáo dục; xây dựng các thiết chế văn hóa gắn với đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng…

* Ông Phạm Thanh Minh, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn: Đời sống người dân thực sự nâng cao

Qua 20 năm xây dựng và phát triển, kết cấu hạ tầng của Đà Nẵng đã có bước phát triển khá ấn tượng cả về quy mô lẫn tốc độ. Đặc biệt, hạ tầng giao thông, dịch vụ thương mại, du lịch, các khu dân cư được quy hoạch, đầu tư đồng bộ và có tầm ổn định dài hạn, từ đó góp phần tạo nên diện mạo của một đô thị mới, chứa đựng sức sống mới và bảo đảm yếu tố văn minh, hiện đại.

Đối với địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, hạ tầng đô thị phát triển đồng bộ, khớp nối với các khu vực phụ cận, tạo không gian đô thị rộng lớn ở phía đông nam thành phố. Điểm nóng về ô nhiễm môi trường ở Làng đá mỹ nghệ Non Nước đã được tập trung xử lý dứt điểm. Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn được giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa- lịch sử; các thiết chế như điện chiếu sáng công cộng, nhà văn hóa, trường học, bệnh viện, chợ trên địa bàn quận cũng đã được đầu tư đúng mức, góp phần làm đời sống tinh thần cho nhân dân ngày càng khởi sắc; thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao.

* Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Liên Chiểu: Điểm sáng về an sinh xã hội

Sau 20 năm chia tách, Đà Nẵng đã đạt nhiều thành tựu to lớn trên tất cả lĩnh vực. Nhờ thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm lo người có công, người già neo đơn, hộ nghèo…, đời sống của người dân thành phố không ngừng được cải thiện, an sinh xã hội luôn được bảo đảm, thu nhập từng bước được nâng lên. Những năm qua, thành phố đã có nhiều giải pháp và cách làm thiết thực như: đối thoại với người nghèo vận động nguồn lực giúp các địa phương hỗ trợ hộ nghèo, hộ đặc biệt nghèo, nhân rộng mô hình đào tạo nghề và giải quyết việc làm tập trung…, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, từng bước đưa Đà Nẵng trở thành thành phố giàu đẹp, văn minh sau hơn 20 năm hình thành và phát triển.

Cầu Trần Thị Lý. 									 	       Ảnh: NGỌC HỢI
Cầu Trần Thị Lý. Ảnh: NGỌC HỢI

* Ông Nguyễn Văn Trung, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu: Hiệu quả của tư duy lãnh đạo mới

20 năm qua, từ một đô thị có quy mô khiêm tốn, đời sống của nhiều người dân khó khăn, ngày nay Đà Nẵng vươn lên thành đô thị hiện đại không chỉ với những tòa nhà cao tầng, những tuyến đường thoáng rộng mà đời sống mọi mặt của người dân còn được nâng cao.

Để có được sự phát triển vượt bậc trong 20 năm qua, lãnh đạo thành phố qua từng thời kỳ đã luôn quán triệt, nắm vững chủ trương của Đảng, bám sát thực tiễn, không ngừng đổi mới tư duy, thí điểm các cách làm mới, mô hình mới; góp phần hình thành đường lối đổi mới, giữ vững ổn định chính trị, đưa Đà Nẵng ngày càng phát triển xứng với tầm vóc của một thành phố trực thuộc Trung ương.

Các chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, “Thành phố 4 an”… được triển khai đồng bộ, quyết liệt qua nhiều giai đoạn, tạo sự tin tưởng, đồng thuận từ các tầng lớp nhân dân; góp phần đưa Đà Nẵng trở thành đô thị an bình, hiện đại.

* Bà Lê Thị Hồng Hạnh, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn: Chương trình “Thành phố 4 an” sẽ tạo dấu ấn

Năm 2000, thành phố triển khai thực hiện chương trình “Thành phố 5 không” và sau đó là “Thành phố 3 có” mang đậm tính nhân văn. Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục ban hành Đề án thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”.

Tôi và những người dân trong khu dân cư tin tưởng, ủng hộ và mong chính quyền thành phố hành động mạnh mẽ, quyết liệt để chương trình này thực sự là dấu ấn của Đà Nẵng trong 5-10 năm tới. Các vấn đề được đề cập trong chương trình “Thành phố 4 an” sát thực với cuộc sống hằng ngày của mỗi con người, bởi ai cũng lo tội phạm phát sinh, thực phẩm mất an toàn, giao thông tắc nghẽn, tai nạn rình rập...

Vì vậy, tôi hoàn toàn tin tưởng Đà Nẵng sẽ thành công với chương trình “Thành phố 4 an” để đạt mục tiêu cao nhất là xây dựng thành phố đáng sống và sống tốt hơn. Tôi mong rằng, Đảng bộ, chính quyền các cấp tiếp tục phát huy trí tuệ, đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, phát huy tinh thần đoàn kết trong Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân, toàn quân phát triển vượt bậc, đưa thương hiệu Đà Nẵng vươn cao, vươn xa hơn nữa trong tương lai.

* Ông Trần Văn Mạnh, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang: Tự hào diện mạo nông thôn mới Hòa Vang

Cuối năm 2015, Chính phủ công nhận huyện Hòa Vang trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, về đích sớm 5 năm so với lộ trình chung cả nước.

Kết quả này xuất phát từ tinh thần Chỉ thị số 18-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đưa bộ mặt nông thôn Hòa Vang ngày càng hiện đại với nhiều điểm sáng.

Có thể nói, tinh thần cả thành phố chung tay xây dựng Hòa Vang trở thành phong trào rộng khắp, lan tỏa đến từng cơ quan, đơn vị. Tôi thấy điều đáng tự hào nhất là thu nhập trung bình của người nông dân ngày càng tăng, đến cuối năm 2016 đã đạt khoảng 30 triệu đồng/người/năm.

Để có được con số ấy, thành phố và huyện đã tích cực thực hiện chuyển đổi mô hình kinh tế; xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình phù hợp với năng lực và kích thích người nông dân đổi mới tư duy trong sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định hơn, góp phần làm vùng đất Hòa Vang ngày càng trù phú. Tuy vẫn còn không ít khó khăn nhưng việc 11/11 xã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới sẽ mang lại động lực mới để Hòa Vang tiếp tục phát triển đi lên trong giai đoạn mới, đưa bộ mặt nông thôn thành phố khang trang hơn.

* Lê Hoàng Diệu Linh, cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng: Tôi phải lòng thành phố này

Tuy chỉ học tập và sinh sống chỉ trong thời gian ngắn ở Đà Nẵng nhưng tôi cảm nhận sự đổi thay của Đà Nẵng qua từng năm tháng và tôi càng yêu mến thành phố này hơn. Ấn tượng lớn nhất đối với tôi là những chiếc cầu bắc qua sông Hàn duyên dáng và hiện đại, đặc biệt là hình ảnh nút giao thông ngã ba Huế, Trung tâm Hành chính Đà Nẵng… tôn lên nét đẹp của thành phố.

Tôi đặc biệt ấn tượng với bộ máy lãnh đạo của Đà Nẵng, bởi họ nói được, làm được và tôn trọng ý kiến của nhân dân. Cán bộ luôn đồng hành với nhân dân trong việc xây dựng, đổi mới, phát triển và hội nhập. Dù quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh nhưng không để lại nhiều hệ lụy nặng nề về ô nhiễm môi trường… Chứng kiến sự thay da đổi thịt từng ngày của Đà Nẵng, tôi đã phải lòng thành phố này từ lúc nào không hay.

* Ông Đoàn Minh Vương, phường Thuận Phước, quận Hải Châu: Chính sách giàu tính nhân văn

Đà Nẵng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đối với khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Sau 20 năm trực thuộc Trung ương, thành phố đã đạt được nhiều thành quả. Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 3.059 USD, tăng khoảng 7 lần so với năm 1997.

Ngành dịch vụ đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là dịch vụ du lịch và thương mại, đã tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân. Đặc biệt, thành phố đã làm tốt công tác quy hoạch và chỉnh trang đô thị với sự đồng thuận mạnh mẽ của hơn 120.000 hộ dân thực hiện di dời, giải tỏa. Nhờ đó, đô thị không ngừng mở rộng, hạ tầng giao thông luôn phát triển đi trước một bước.

Thành phố thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Đến nay, thành phố không còn những ngôi nhà tranh vách đất, nhiều bệnh viện được xây dựng khang trang, hiện đại… Các chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có” và đề án “Thành phố 4 an” mang đậm tính nhân văn.

* TS. Lương Duy Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đức Trí: Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp

Cùng với sự phát triển của thành phố, ngành giáo dục Đà Nẵng nhiều năm qua có những chuyển biến tích cực với chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Để có được điều này, một phần là nhờ sự quan tâm sâu sắc của các cấp chính quyền đối với sự nghiệp trồng người. Tôi hy vọng trong những năm đến, cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng sẽ tiếp tục chú trọng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Đối với giáo dục phổ thông, tôi mong lãnh đạo thành phố tiếp tục quan tâm đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; quan tâm hơn nữa đến chất lượng đào tạo ở các cấp học. Đối với giáo dục, cao đẳng, đại học, tôi mong muốn Đà Nẵng là nơi tiên phong về chuẩn nghề nghiệp trong cả nước để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng ngày càng khắt khe như hiện nay.

Bên cạnh đó, tôi cũng hy vọng chính quyền thành phố thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp bền vững cho thanh niên, tiến đến xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia.

* Nguyễn Văn Thiện, sinh viên Trường Đại học Duy Tân Góp sức trẻ xây dựng quê hương

Tôi luôn ngạc nhiên khi chứng kiến sự phát triển, đổi thay từng ngày của quê hương mình. Là công dân trẻ của thành phố, tôi hy vọng thế hệ chúng tôi có thể góp sức dựng xây quê hương từ những điều nhỏ bé, bình dị nhất.

Đó có thể là những nụ cười mến khách, sự tự giác bảo vệ môi trường, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện… Tôi biết nhiều bạn trẻ như tôi đã và đang lặng lẽ quảng bá hình ảnh quê hương bằng nhiều cách khác nhau như: phát triển tour ẩm thực xứ Quảng, chia sẻ những thước phim đẹp về Đà Nẵng, giới thiệu văn hóa quê hương trên những trang mạng xã hội…

Tôi tin rằng, những hành động nhỏ này sẽ góp phần xây dựng hình ảnh Đà Nẵng thân thiện hơn, gần gũi hơn trong mắt du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn lãnh đạo thành phố tạo nhiều sân chơi hơn cho thanh, thiếu niên ở nhiều lĩnh vực như: học tập, âm nhạc, hội họa, khởi nghiệp, kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp...

NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ

;
.
.
.
.
.