.

Thủ tướng: Không để thể chế trói buộc sự phát triển nông nghiệp

.

Tập trung lắng nghe, ghi lại các ý kiến tại hội nghị tổng kết của Bộ NN&PTNT, nhất là các ý kiến phản ánh bất cập chính sách, như chính sách hạn điền, Thủ tướng nêu rõ: “Thể chế ràng buộc sự phát triển thì phải bãi bỏ ngay, đừng để các thể chế đó bắt chúng ta phải chạy theo, phải sợ nó một cách vô lý”.

Thủ tướng nêu rõ: “Thể chế ràng buộc sự phát triển thì phải bãi bỏ ngay, đừng để các thể chế đó bắt chúng ta phải chạy theo, phải sợ nó một cách vô lý” - Ảnh: VGP
Thủ tướng nêu rõ: “Thể chế ràng buộc sự phát triển thì phải bãi bỏ ngay, đừng để các thể chế đó bắt chúng ta phải chạy theo, phải sợ nó một cách vô lý” - Ảnh: VGP

Sáng nay (26/12), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2016 và triển khai kế hoạch 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Tham dự có lãnh đạo một số bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.

Ba điểm sáng lớn

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, 3 điểm sáng lớn mà ngành đạt được năm 2016 là tăng trưởng được phục hồi sau 6 tháng tăng trưởng âm (tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 1,2%); xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 32,1 tỷ USD, tăng hơn 6% so với 2015; vấn đề an toàn thực phẩm có sự chuyển biến căn bản, rõ nét, được cả hệ thống chính trị, xã hội đánh giá cao.

Năm 2017, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu tăng trưởng ngành khoảng 2,5-2,8%, kim ngạch xuất khẩu khoảng 32-32,5 tỷ USD. Bộ tiếp tục chọn đây là năm cao điểm hành động về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

Các ý kiến địa phương phát biểu tại hội nghị có cùng nhận định về sự “bứt phá ngoạn mục” của ngành nông nghiệp trong bối cảnh từ đầu năm đến nay, liên tục quý nào cũng xảy ra thiên tai và đều ở mức độ khốc liệt.

Các đại biểu nêu nhiều kiến nghị  để “cởi trói”, gỡ vướng cho việc phát triển nông nghiệp, nhấn mạnh vào việc "cởi trói" về tích tụ ruộng đất. Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, nông dân có đất, doanh nghiệp muốn làm nhưng khó đầu tư. “Đây chính là sự kìm hãm phát triển”, ông Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh.

Một số ý kiến cũng cho rằng, cần sửa đổi chính sách đất đai theo hướng để đất đai chuyển dịch dễ dàng hơn, như chuyển mục đích sử dụng đất có hiệu quả thấp sang có hiệu quả cao hơn (chuyển đất trồng lúa sang đất nuôi tôm) hay chuyển đất từ người ít tha thiết với nông nghiệp sang người có mong muốn đầu tư…

Các địa phương cũng kiến nghị về việc bộ, ngành hỗ trợ đối với một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao của mình.

Phải cảm ơn người nông dân một nắng hai sương

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nhìn nhận, với thiên tai và nhân tai nặng nề trong năm 2016, nước ta mất đi 1,7 tỷ USD, khoảng 1% GDP. Riêng đợt lũ lụt vừa qua ở 9 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên làm thiệt hại khoảng 4.000 tỷ đồng.

“Chưa bao giờ trong 10 năm qua, thiên tai dồn dập đến đất nước ta khủng khiếp như thế”, Thủ tướng nói và cho rằng, “trong bối cảnh đó, chúng ta đã đoàn kết, quyết tâm, ý chí mạnh mẽ để phát triển nông nghiệp, nông thôn”. Nông nghiệp, nông thôn tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế trong mọi hoàn cảnh, đóng góp rất lớn cho an sinh xã hội.

Có được kết quả đó, Thủ tướng nhấn mạnh có sự nỗ lực rất lớn của ngành nông nghiệp và đặc biệt, “ta phải cảm ơn người nông dân, ngư dân, diêm dân đã lăn lộn một nắng hai sương, cùng với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, khắc phục khó khăn trong điều kiện thiên tai và nhân tai".

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra các mặt tồn tại, bất cập của nông nghiệp, nông thôn hiện nay, cần khắc phục thời gian tới. Đó là hạn điền, “sản xuất li ti trong nông nghiệp còn phổ biến”. Doanh nghiệp trong nông nghiệp, hợp tác xã còn nhiều yếu kém. Khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn nhiều vấn đề. Lao động nông thôn còn quá lớn, năng suất lao động thấp. Tình trạng an toàn thực phẩm, đầu vào trong nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, giống còn bất cập, chưa quản lý tốt. Hệ thống thủy lợi, nhất là các kênh dẫn, hồ chứa xuống cấp, nguy hiểm và lãng phí nước, mà theo Thủ tướng, đây là những "quả bom nguy hiểm đang treo trên đầu người dân".

Đề cập đến tình trạng phá rừng còn phổ biến, Thủ tướng nhắc lại chủ trương kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên và yêu cầu mở đợt tấn công liên tục vào hành vi phá hoại rừng, xử lý nghiêm vi phạm.

Ảnh: VGP
Ảnh: VGP

Tầm nhìn về nông nghiệp

Đặt vấn đề tầm nhìn về nông nghiệp như thế nào, Thủ tướng cho rằng, trước hết, nông nghiệp là một thế mạnh của nước ta trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bên cạnh thế mạnh về du lịch dịch vụ và công nghệ thông tin. Đây là một lợi thế so sánh mà theo Thủ tướng, có phát huy được hay không là dựa phần lớn vào hệ thống ngành nông nghiệp, gồm Bộ, các Sở NN&PTNT.

Bên cạnh đó, tầm nhìn của nền nông nghiệp nước ta là một nền nông nghiệp chú trọng giá trị hơn là sản lượng thô, không có thương hiệu.

Một nền nông nghiệp ở Việt Nam phải trên tinh thần “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, đất đai chỉ chiếm một phần trong khi rừng, núi và biển chiếm đến 3-4 phần. Do đó, phải phát triển nông nghiệp toàn diện hơn, không chỉ dựa vào cây lúa, phải đầu tư, nghiên cứu phát triển ngành lâm nghiệp, thủy hải sản hơn nữa.

Nền nông nghiệp Việt Nam phải chống chịu được tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra khốc liệt; hội nhập quốc tế sâu rộng, hướng về xuất khẩu và phục vụ nhân dân. Phải xây dựng nền nông nghiệp thông minh, không chỉ là khoa học công nghệ mà hướng tới giá trị cao hơn; giải quyết trực tiếp an sinh xã hội.

Trước tiên là khắc phục hậu quả mưa lũ

Về các giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, trước tiên phải khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là cơ sở hạ tầng thiết yếu, quan trọng. Thủ tướng yêu cầu tổ chức một vụ Đông Xuân đặc biệt ở vùng bị thiên tai, địa phương phải vào cuộc quyết liệt để bảo đảm vụ Đông Xuân muộn này giành thắng lợi. Bên cạnh đó, phải lo Tết cho vùng thiên tai, không được để người dân đứt bữa, đói cơm.

Thủ tướng nhấn mạnh phải đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao chất lượng và giá trị, chứ không phải chạy theo sản lượng và số lượng. “Vừa phải lắng nghe người nông dân, vừa phải nghiên cứu xu hướng của thời đại trong phát triển nông nghiệp”, Thủ tướng chia sẻ. Đối với các địa phương, ngay sau hội nghị này, cần xây dựng kế hoạch cụ thể về tổ chức triển khai quyết liệt tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương mình với yêu cầu “không được tái cơ cấu trên giấy, tái cơ cấu nửa vời”.

Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo các hình thức phù hợp. Phát triển mạnh công nghệ chế biến, nâng cao giá trị. Tiếp tục khai thác hội nhập quốc tế mạnh mẽ hơn. Tiếp tục đầu tư hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt năng lực phòng chống, chống chịu với thiên tai.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, phải bảo đảm môi trường sống cho người dân ở nông thôn.

Cho rằng cả hệ thống chính trị phải quan tâm đến nông nghiệp nông thôn, Thủ tướng nhấn mạnh, Giám đốc Sở NN&PTNT phải là người giỏi, Trưởng Phòng Nông nghiệp các huyện phải là người thao lược về nông nghiệp để đưa vùng đất của mình đi lên.

Không để thể chế trói buộc sự phát triển

Một giải pháp nữa mà Thủ tướng nhấn mạnh là hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo động lực cho phát triển.

“Những thể chế nào, chính sách nào ràng buộc nông nghiệp, nông thôn không phát triển được hoặc chậm phát triển, Thủ tướng kiến nghị bãi bỏ, nhất là những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì càng phải bãi bỏ sớm, còn những việc thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, của Trung ương, của Quốc hội thì báo cáo sớm”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Thể chế là gì? Thể chế do chúng ta nghĩ ra nhưng mà chúng ta lại sợ nó. Thể chế ràng buộc sự phát triển thì phải bãi bỏ ngay, đừng để các thể chế đó bắt chúng ta phải chạy theo, phải sợ nó một cách vô lý”.

Về các kiến nghị cụ thể của Bộ NN&PTNT, Thủ tướng cơ bản đồng ý. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan tổ chức nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp; nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Đất đai theo hướng tạo thuận lợi hơn cho tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng tăng hạn mức; tài sản thế chấp (cho phép doanh nghiệp được sử dụng tài sản là nhà lưới, nhà kính được hình thành trong quá trình đầu tư làm tài sản thế chấp).

Thủ tướng cũng đồng ý việc sửa đổi chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP.

Về bổ sung vốn cho ngành nông nghiệp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, Thủ tướng đồng ý, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ NN&PTNT nghiên cứu, xem xét cụ thể vấn đề này.

Nhắc lại câu nói của Giáo sư Lương Định Của: “Có lao động cực nhọc, có đổ mồ hồi trên đồng mới thấu hiểu hết nỗi khổ của nông dân, mới biết nông dân cần gì để mà nghiên cứu ra thứ gì có tính ứng dụng”, Thủ tướng cho rằng, “ngày hôm nay, câu nói ấy tiếp tục vang vọng trong con tim và khối óc của chúng ta khi nền nông nghiệp, người nông dân Việt Nam cũng như tất cả cán bộ làm nông nghiệp đều ý thức rõ ràng những thách thức mà chúng ta đang đối diện”.

Theo Chinhphu.vn

;
.
.
.
.
.