Quận Thanh Khê được thành lập theo Nghị định số 07/1997/NĐ-CP ngày 23 tháng 1 năm 1997 của Chính phủ, trên cơ sở 8 phường của quận Nhì trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đến tháng 8 năm 2005, thực hiện Nghị định số 102/2005/NĐ-CP ngày 5-8-2005 của Chính phủ, 2 phường An Khê và Thanh Lộc Đán, mỗi phường chia tách thành 2 đơn vị hành chính mới, hiện nay quận có 10 phường.
Tuyến phố chuyên doanh Lê Duẩn (đoạn qua địa bàn quận Thanh Khê) góp phần tạo nên diện mạo mới cho quận. |
Tại thời điểm thành lập, quận Thanh Khê gặp không ít khó khăn, thách thức. Đó là, điểm xuất phát kinh tế thấp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị yếu kém, là địa bàn phức tạp về an ninh, chính trị và trật tự xã hội.
Song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, UBND thành phố, sự giúp đỡ nhiệt tình và trách nhiệm của các sở, ban, ngành thành phố cùng những nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền; sự phối, kết hợp của Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, các hội, đoàn thể; sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, các ngành, địa phương… quận từng bước tháo gỡ khó khăn và 20 năm sau đã vươn mình lớn mạnh.
Khi mới thành lập (1997), trên địa bàn quận chỉ có 115 đơn vị kinh tế, đến cuối năm 2016 có 2.976 doanh nghiệp vừa và nhỏ đủ các loại hình, thành phần kinh tế. Theo đó, thu ngân sách năm 2016 đạt 444,65 tỷ đồng, tăng gấp 11 lần so với tổng thu ngân sách năm 1997, tốc độ tăng bình quân 13%/năm.
Điểm nhấn kinh tế của quận 20 năm qua là chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng công nghiệp và thủy sản. Tỷ trọng ngành dịch vụ tăng nhanh từ 43,68% năm 1997 lên 60,54% năm 2016.
Hoạt động của ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển và duy trì nhịp độ tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 17%. Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.000 tỷ đồng vào năm 2016, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực.
Một số ngành vẫn giữ được vị thế và có tốc độ phát triển nhanh như may mặc, sản phẩm từ kim loại, lương thực thực phẩm, bao bì giấy, nhựa, mây tre, mộc... nhờ chú trọng đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.
Thủy sản vốn là ngành nghề truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, theo dịch chuyển cơ cấu kinh tế phù hợp với thực tế hiện nay, tỷ trọng ngành thủy sản giảm xuống còn còn 5,61%, năm 2016 chỉ còn 100 tàu. Mặc dù số lượng tàu thuyền có sụt giảm lớn nhưng năng lực đánh bắt tàu thuyền tăng, công suất tàu bình quân tăng dần qua các năm, từ 137CV/tàu năm 2006 tăng lên 287CV/tàu năm 2016.
Bên cạnh phát triển kinh tế, công tác chỉnh trang đô thị cũng có bước phát triển vượt bậc. Khi mới thành lập, giai đoạn 1997 - 2000, trên 250 công trình kết cấu hạ tầng đô thị được xây dựng, chỉnh trang với tổng giá trị đầu tư hơn 140 tỷ đồng.
Do ngân sách khó khăn, nên một số công trình bê-tông hóa nền đường, cống thoát nước, điện chiếu sáng phải thực hiện việc đầu tư thông qua phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Về cơ bản, cách làm này giải quyết kịp thời nhu cầu cấp thiết của nhân dân; tuy nhiên, do kinh phí vận động từ nhân dân còn khó khăn dẫn đến quy mô và chất lượng chỉ ở mức tương đối.
Từ năm 2006 đến nay, các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư 100% từ ngân sách quận, nhờ đó, hầu hết các kiệt, hẻm trên địa bàn được bê-tông hóa, có cống thoát nước và điện chiếu sáng, hơn 70 dự án lớn nhỏ thực hiện nhằm quy hoạch và chỉnh trang đô thị.
Từ đó, nhiều khu dân cư (KDC) đô thị mới được hình thành và phát triển ổn định như: KDC Phần Lăng 1 và 2, KDC Nhà máy xay xát, KDC Huỳnh Ngọc Huệ, khu tái định cư Thanh Khê Tây… Đặc biệt, nút giao thông khác mức ngã ba Huế khánh thành và đưa vào hoạt động dịp 29-3-2015 không chỉ góp phần giải quyết “điểm đen” về tình trạng ùn tắc giao thông mà còn được biết như là điểm nhấn kiến trúc ấn tượng tại cửa ngõ trung tâm thành phố.
Bên cạnh phát triển kinh tế, Thanh Khê luôn chú trọng đầu tư cho văn hóa, xã hội. Lĩnh vực giáo dục tăng cả quy mô phát triển trường, lớp và chất lượng. Nếu năm 1997, toàn quận có 28 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 9 trường THCS, 1 trường THPT, chưa có trường đại học, cao đẳng thì đến năm 2016 có 10 trường THCS, 16 trường tiểu học, 10 trường mầm non công lập, 22 trường mầm non tư thục, 3 trường THPT, 2 đại học, 1 cao đẳng. Tất cả các trường đều có đầy đủ trang thiết bị dạy và học. Toàn quận có 4 trường mầm non, 9/15 trường tiểu học, 4/10 trường THCS đạt chuẩn quốc gia.
Hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư. Công tác tu bổ, tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa luôn được chú trọng. Qua đó, góp phần nâng cao sự hưởng thụ văn hóa của người dân, hình thành nếp sống, nếp nghĩ tốt đẹp về giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống địa phương.
Đặc biệt, năm 2015, thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, quận chỉ đạo tập trung xây dựng quan hệ giao tiếp, ứng xử văn minh nơi công cộng và trong cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị.
Vấn đề an sinh xã hội được đưa vào chương trình hành động hằng năm của quận, đặc biệt là công tác giảm nghèo. Giai đoạn từ 2006 - 2015, toàn quận có hơn 2.000 hộ được hỗ trợ vốn, phương tiện sinh kế; 956 hộ được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở; cấp gần 140.000 thẻ bảo hiểm y tế, giúp thoát nghèo 10.355 hộ, với tổng nguồn lực khoảng 400 tỷ đồng.
Hằng năm, công tác chăm sóc người có công luôn được chú trọng với tổng số tiền 413,6 tỷ đồng cho hơn 40.000 lượt người. Bên cạnh đó, Quỹ đền ơn đáp nghĩa huy động bình quân đạt hơn 1 tỷ đồng/năm. Từ nguồn quỹ này, cộng với nguồn ngân sách của thành phố và quận, Thanh Khê hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 1.469 hộ với kinh phí 20,6 tỷ đồng.
Tình hình an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội trên địa bàn quận có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác vận động quần chúng nhân dân cùng chính quyền địa phương tích cực tham gia bảo đảm ANTT có nhiều kết quả tốt, xây dựng được 23 mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Công tác quốc phòng - quân sự địa phương được giữ vững, góp phần xây dựng quận Thanh Khê thành khu vực phòng thủ vững chắc, tiếp tục xây dựng lực lượng dân quân cơ sở ngày càng vững mạnh. Đến nay, quận đã xây dựng được các Tiểu đội dân quân thường trực vững mạnh, rộng khắp tại 10/10 phường (mỗi tiểu đội 9 dân quân) và các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn quận. Công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ hằng năm đạt kết quả cao, vượt chất lượng được giao với nguồn phát triển đảng viên năm sau cao hơn năm trước…
Kế thừa kết quả đạt được, thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân quận phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa, phát huy tiềm năng, lợi thế, chủ động, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Đảng bộ quận đã đề ra.
Đến năm 2020, cơ cấu kinh tế của quận duy trì theo hướng: thương mại, dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - thủy sản. Trong đó, tỷ trọng các ngành thương mại, dịch vụ đạt 70%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 25%, thủy sản đạt 5%.
Phấn đấu tổng hàng hóa, dịch vụ bán ra tăng bình quân 8-10%/năm. Giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 60-70 triệu USD/năm. Ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng và ứng dụng khoa học công nghệ cao với mức tăng bình quân 8%/năm.
Ngành thủy sản phát triển theo hướng phát triển đội tàu khai thác xa bờ công suất lớn có trang bị các trang thiết bị hàng hải hiện đại để vươn khơi, nâng cao năng lực khai thác, an toàn và hiệu quả với mức tăng bình quân 5%/năm. Đến năm 2020, phấn đấu đóng mới 1-2 tàu dịch vụ.
Tổng thu ngân sách bình quân 450 tỷ đồng/năm. Phấn đấu đến cuối năm 2020 thu đạt khoảng 550 tỷ đồng/năm (tăng bình quân 5%/năm so với chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao). Phấn đấu trung bình mỗi năm giảm 25% hộ nghèo còn sức lao động, đến cuối năm 2019 kết thúc chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 60%, tỷ lệ lao động học nghề được giải quyết việc làm đạt 80%, giải quyết việc làm có địa chỉ cho 1.500 lao động/năm.
Lê Minh Trung
Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Thanh Khê