Chính trị - Xã hội
Bình yên trên đảo Song Tử Tây - Bài 1: Điểm tựa nơi đầu sóng
Nằm ở phía bắc quần đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây có vẻ đẹp hùng vĩ. Tô điểm cho vẻ đẹp của đảo chính là những con người thầm lặng ngày đêm canh giữ biển trời, bảo vệ ngư dân và ươm mầm xanh cho cuộc đời...
Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân trao quà cho ngư dân gặp nạn trên biển. |
Bài 1: Điểm tựa nơi đầu sóng
Với ngư dân Việt Nam, Trường Sa là điểm tựa vững chắc của họ trong mỗi chuyến ra khơi. Nơi ấy luôn có những con người dũng cảm, gan dạ, sẵn sàng vượt sóng lớn cứu ngư dân bị nạn và giúp nối dài thêm những chuyến biển xa...
Ngư dân gặp nạn luôn có các anh
Trường Sa là ngư trường truyền thống bao đời của ngư dân Việt Nam. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, thời tiết cực đoan gây khó khăn cho ngư dân khai thác hải sản và tàu bè thường gặp sự cố trên biển. Ngày 20-12-2016, tàu PY 96256 của ngư dân Phan Trúc (quê Phú Yên) gặp nạn cách đảo Song Tử Tây khoảng 120 hải lý về phía tây bắc.
Ông Trúc đã nhờ các tàu bạn lai dắt, đồng thời liên lạc với cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đảo Song Tử Tây để được hỗ trợ. Không quản ngại khó khăn, các anh nhanh chóng lên đường đi cứu nạn. Đến ngày 22-12-2016, dù sóng lớn nhưng tàu PY 96256 được kéo về âu tàu đảo Song Tử Tây an toàn. Các ngư dân mừng rưng rưng nước mắt.
Ông Trúc bùi ngùi cho biết, tàu của ông cùng 10 lao động làm nghề câu cá ngừ đại dương, dự định xong chuyến biển dài 1 tháng rồi về ăn Tết, nhưng chưa câu được con cá nào thì gãy trục máy, tàu buộc phải thả trôi.
Chuyến biển lỗ cả trăm triệu đồng, ngư dân trắng tay. Tuy nhiên, khi nói về nghĩa cử của những CBCS đảo Song Tử Tây trong việc vượt sóng dữ, lai dắt tàu bị nạn về đảo, ông bày tỏ: “Chúng tôi bị thiệt hại nặng, may nhờ các anh lính đảo, giờ mong nhanh chóng được sửa chữa tàu để kịp thời ra biển có chút thu nhập cuối năm”.
Không chỉ tàu ông Trúc, tàu cá BĐ 91338 của ngư dân Phạm Đế (quê Bình Định) cũng bị hỏng máy cách đảo Song Tử Tây vài chục hải lý. CBCS của đảo Song Tử Tây đã ra biển để lai dắt tàu vào. “Ngư dân đánh bắt tại Trường Sa tự tin vươn khơi bởi luôn có các anh hải quân sát cánh”, ông Đế chia sẻ và cho biết, trong năm 2016, tàu của ông hoạt động ở Trường Sa hơn hai lần bị hư hỏng máy, các chiến sĩ hải quân đảo Song Tử Tây đều hỗ trợ lai dắt vào âu tàu để sửa chữa. “Các anh chính là điểm tựa vững chắc giúp chúng tôi yên tâm đánh bắt, góp phần bảo vệ chủ quyền”, ông Đế chia sẻ.
Thượng tá Trương Sỹ Nam, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây cho biết, xác định trách nhiệm của người chiến sĩ là phải gìn giữ biển đảo, làm điểm tựa cho ngư dân. Những năm qua, CBCS của đảo đã cứu, giúp đỡ hàng trăm lượt tàu cá của ngư dân bị hỏng trên biển; riêng trong năm 2016 đã giúp đỡ, hướng dẫn và cứu kéo hơn 165 lượt tàu cá của ngư dân.
“Hậu phương” vững chắc
Đánh bắt dài ngày, ngư dân luôn cần nhiên liệu, nước uống và cần sửa chữa nhanh tàu khi bị sự cố hỏng hóc. Đội dịch vụ hậu cần nghề cá nhân dân - âu tàu đảo Song Tử Tây thuộc Hải đoàn 128, Bộ Tư lệnh Hải quân ra đời đã đáp ứng mong mỏi đó.
Đến phân xưởng đóng tàu vào những ngày cuối tháng 12 thấy thợ đóng tàu đang khẩn trương sửa chữa máy tàu cho ngư dân Phạm Đế. Tiếng búa gõ, tiếng máy hàn inh ỏi và khẩn trương. Đại úy Trương Thanh Hà (quê Thanh Hóa) - nhân viên xưởng sửa chữa cho biết, do yêu cầu của ngư dân nên mọi người làm việc hết mình để tàu của ông Đế sớm trở lại đánh bắt.
Đại úy Hà cho biết thêm, điều kiện nhà máy vẫn còn khó khăn nhưng có thể đáp ứng những sửa chữa nhỏ, căn bản. Nhiều năm trong nghề, anh Hà cùng các nhân viên sửa chữa tàu thấu hiểu nỗi buồn và sự nôn nóng của ngư dân mỗi khi tàu bị hỏng.
Vì vậy, với những hư hỏng nặng, dù thiết bị sửa chữa còn hạn chế nhưng các nhân viên sửa chữa luôn động viên nhau tìm tòi, khắc phục cho bằng được. Nhờ đó, hàng chục tàu ngư dân bị hư hỏng khi vào âu tàu đều được sửa chữa kịp thời.
Bên cạnh việc sửa chữa tàu thuyền, vài năm trở lại đây, ngư dân khai thác tại ngư trường Trường Sa luôn hưởng lợi từ việc được cung cấp dịch vụ hậu cần, trong đó chủ yếu là dầu và nước ngọt - hai thứ rất quan trọng cho một chuyến biển xa.
Trung úy Nguyễn Đình Long, đội dịch vụ hậu cần nghề cá nhân dân - âu tàu đảo Song Tử Tây cho biết, bình quân mỗi tháng có khoảng 10 tàu vào âu tàu, có những tháng cao điểm thì 12-15 tàu. Nhằm bảo đảm cho ngư dân luôn đủ dầu, nước ngọt, tổ dịch vụ có 2 bồn chứa nước ngọt với tổng lượng 500m3, bể chứa dầu 350m3.
Những ngày giáp Tết và sau Tết, ngư dân vươn khơi nhiều nên những người làm dịch vụ hậu cần cũng như sửa chữa tàu thuyền thêm tất bật bởi những thời khắc này, ngư dân luôn cần sự động viên, hỗ trợ kịp thời, giúp họ bám biển, bảo vệ chủ quyền...
Ngư dân Nguyễn Văn Hiền (tỉnh Bình Định) cho biết, mỗi năm anh thường ghé vào âu tàu Song Tử Tây để lấy thêm nhiên liệu và nước ngọt. Giá cả ở đây ngang bằng ở đất liền và tiện lợi cho ngư dân. “Làm nghề câu cá ngừ như chúng tôi phải đi vài trăm hải lý.
Trong một chuyến biển, đá và lương thực còn, nhưng dầu và nước ngọt thường hết. Có những khi đến cuối chuyến mới gặp đàn cá thì lại hết nhiên liệu. Do đó, khi có tổ hậu cần, chúng tôi thường ghé vào âu tàu Song Tử Tây để tiếp nhiên liệu và nước uống”, ông Hiền nói.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ