Phải làm sao để ngày 19-1 hằng năm luôn được ghi nhớ là ngày Hoàng Sa, phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc đang bị chiếm đóng. Thế hệ này chưa lấy lại được Hoàng Sa, các thế hệ sau tiếp tục đấu tranh đòi cho được Hoàng Sa. Những người dự buổi gặp mặt các nhân chứng Hoàng Sa nhân sự kiện 43 năm Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam do UBND huyện Hoàng Sa tổ chức chiều 19-1 cùng chung một tâm trạng: Còn nhớ là không mất.
TS Trần Đức Anh Sơn tặng sách tư liệu về Hoàng Sa cho UBND huyện Hoàng Sa. Ảnh: SƠN TRUNG |
Tham dự buổi gặp mặt có 12 nhân chứng từng sinh sống trên quần đảo Hoàng Sa, từng chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa trong sự kiện ngày 19-1-1974; lãnh đạo UBND huyện Hoàng Sa qua các thời kỳ.
Tại buổi gặp mặt, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Võ Ngọc Đồng khẳng định cuộc gặp mặt nhân chứng Hoàng Sa hằng năm vào ngày này nhằm nhắc nhở cho mọi người Việt Nam đều nhớ sự kiện ngày 19-1-1974 để tiếp tục kiên trì đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.
Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa thông báo kết quả hoạt động của UBND huyện trong năm 2016. Theo đó, huyện Hoàng Sa nhận được sự quan tâm đặc biệt của báo chí trong nước và thế giới như: Le Monde (Pháp), Suedeutsche Zietung (Đức), Đài NHK (Nhật Bản), Đài Truyền hình Thái Lan…
Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Võ Ngọc Đồng trực tiếp trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài về hoạt động của UBND huyện và khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Tháng 7-2016, UBND huyện Hoàng Sa phát động hiến tặng hiện vật, tư liệu cho Nhà trưng bày Hoàng Sa và đã nhận được nhiều hiện vật, tư liệu quý có giá trị về lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Công trình Nhà Trưng bày Hoàng Sa vẫn đang tiếp tục được xây dựng.
Tại buổi gặp mặt, nhân chứng Lê Lan kể lại cuộc chiến ác liệt giữ quần đảo Hoàng Sa cách đây 43 năm. “Nếu chúng tôi có thêm vũ khí có thể giữ đảo lâu hơn nữa, không dễ mất như vậy đâu”, ông bồi hồi nhớ lại. Nhân chứng Trần Hòa xúc động bày tỏ tâm sự rằng ông luôn kể cho con cháu biết về sự kiện 19-1-1974. Ông bày tỏ quyết tâm: Dù 10 năm hay 100 năm cũng phải lấy lại Hoàng Sa. Thế hệ này chưa lấy được, thế hệ sau phải thực hiện cho được quyết tâm này.
Trao đổi tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Bùi Văn Tiếng khẳng định: Còn nhớ chưa hẳn đã mất, chúng ta chỉ mất Hoàng Sa khi vĩnh viễn quên đi. Vì vậy cần phải hành động để các thế hệ sau này luôn nhớ Hoàng Sa là của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm.
Ông băn khoăn về tính chính danh của Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa phải do HĐND huyện bầu ra. Trong 6 đời Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa chỉ có ông Đặng Công Ngữ là chính danh khi được bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa khi thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Ông Tiếng đề nghị Nhà nước cần phải có cơ chế đặc biệt để Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa được chính danh. Phương án lâu dài nhất cần phải làm cho Hoàng Sa có đất, có dân bằng cách lập đơn vị hành chính cấp xã ở đất liền bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa.
Đồng tình với ý kiến của ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Đặng Công Ngữ đề xuất nên đưa Hoàng Sa trở thành đơn vị hành chính đặc biệt, có đất, có dân để Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa được chính danh và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy định pháp luật.
Ông Đặng Công Ngữ đề xuất lập quỹ Hoàng Sa để hỗ trợ việc sưu tầm tài liệu, hiện vật liên quan đến Hoàng Sa; đồng thời đề xuất ngày 19-1 hằng năm cũng là một ngày chính thức được công nhận để người Việt Nam nhớ đến sự kiện Hoàng Sa bị cưỡng chiếm. Trách nhiệm của thế hệ trước phải truyền cho thế hệ sau biết đến sự kiện này và tiếp tục sự nghiệp đấu tranh giành lại Hoàng Sa.
SƠN TRUNG