.
Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới

Phát huy dân chủ để tạo sức mạnh đồng thuận

.

 (Tiếp theo kỳ trước)

2. Đối thoại trực tiếp  

Trong quá trình lựa chọn những phương thức thích hợp để gần dân, hiểu dân, từ đó thực hành hiệu quả vấn đề dân chủ với người dân, lãnh đạo thành phố đã kiên trì thực hiện phương thức đối thoại dân chủ trực tiếp với các đối tượng nhân dân, coi đây là biện pháp mang lại hiệu quả nhất để nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của thành phố.

Đối thoại trực tiếp được xem là hình thức công tác tư tưởng dân chủ nhất vì người nói không phải chỉ tuyên truyền một chiều mang tính áp đặt, mà người nghe có quyền phát biểu, nêu thắc mắc để hai bên cùng trao đổi, đối thoại, thỏa mãn được yêu cầu của người nghe.

Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để mỗi người dân đều cảm thấy mình có một vai trò, vị trí trong cả guồng máy thành phố đang chuyển động. Hiệu quả tích cực và tác dụng lan tỏa của phương thức đối thoại dân chủ không gì khác hơn là tạo bầu không khí chính trị lành mạnh, mà biểu hiện là sự đồng thuận cao trong xã hội, sự yên tâm, phấn khởi của người dân, là thái độ tự nguyện chấp hành những chủ trương của Đảng, Nhà nước và của chính quyền địa phương.

Qua đối thoại, người dân có điều kiện tự nhận thức sâu sắc hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, tự khám phá ra mình ở tầm cao mới của yêu cầu phát triển của thành phố để tích cực và tự giác tham gia vào quá trình phát triển đó.

Cử tri thành phố kiến nghị những vấn đề nảy sinh từ cơ sở. 		            Ảnh: VIỆT DŨNG
Cử tri thành phố kiến nghị những vấn đề nảy sinh từ cơ sở. Ảnh: VIỆT DŨNG

Qua đối thoại, người dân cảm nhận sự gần gũi giữa chính quyền và người dân; lãnh đạo có điều kiện lắng nghe, chia sẻ với họ những nhọc nhằn, lo toan, tạo ra sự phấn khởi, tin tưởng.

Một điều cũng quan trọng từ thực tế ở Đà Nẵng 20 năm qua là trải qua thời gian, niềm tin của người dân càng được củng cố bởi những lời đối thoại của lãnh đạo đã trở thành hiện thực. Những người khó tính nhất, những người ban đầu đã tỏ ra phản ứng quyết liệt với chủ trương của thành phố, cũng phải thừa nhận thực tế: việc đền bù giải tỏa cơ bản hợp tình, hợp lý, đại đa số hộ giải tỏa có cuộc sống khá hơn nơi ở cũ.

Tất nhiên trong quá trình thực hiện, một số ít gia đình có thể bị thiệt thòi nhất định về quyền lợi. Nhưng khi chứng kiến diện mạo thành phố đổi thay nhanh chóng và đầy sức thuyết phục, những người bị thiệt thòi đôi chút cũng thấy mát lòng bởi dù sao mình cũng đóng góp chút phần quyền lợi riêng cho cái chung của thành phố.

Việc gặp gỡ đối thoại trực tiếp với người dân trong một số trường hợp cũng đã giúp các cán bộ lãnh đạo tìm ra hướng giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc phức tạp nảy sinh trong đời sống cộng đồng dân cư. Bởi vì một chính sách dù nghiên cứu kỹ đến đâu khi triển khai thực hiện vẫn bộc lộ những hạn chế cần được bổ sung điều chỉnh.

Chính người dân từ thực tế cuộc sống của mình và cộng đồng chung quanh sẽ giúp chính quyền phát hiện những bất hợp lý trong một số chủ trương, chính sách; và chính quyền vì lợi ích của người dân sẵn sàng tiếp thu các ý kiến đó, đề ra những giải pháp sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện, nhất là đối với những vấn đề thiết thân, nhạy cảm như chính sách về giải tỏa đền bù ở từng mốc thời gian thực hiện khác nhau.

Qua kinh nghiệm của Đà Nẵng, càng vấp phải vấn đề phức tạp, càng phải thường xuyên gặp dân, thẳng thắn đối thoại với dân để tạo sự đồng thuận trong giải quyết các vấn đề. Nhất là từ khi có Nghị quyết của Thành ủy về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thành phố đã ra quy chế cụ thể về lịch tiếp dân của Chủ tịch UBND thành phố để giải quyết đơn thư của nhân dân.

Tham gia tiếp dân với Chủ tịch thành phố có đầy đủ lãnh đạo các ngành liên quan, sẵn sàng giải đáp, giải thích, giải quyết những thắc mắc của nhân dân và thực hiện ngay những quyết định của Chủ tịch UBND thành phố. Các Phó Chủ tịch thành phố cũng duy trì đều đặn chế độ tiếp dân, luân phiên nhau đi cơ sở chủ động đối thoại gặp gỡ, giải quyết thắc mắc của dân, coi tiếp dân là một chế độ bắt buộc đối với lãnh đạo thành phố.

Qua phương thức đối thoại dân chủ trực tiếp, có thể nói Đà Nẵng đã góp thêm một vấn đề có tính phương pháp luận trong đánh giá cán bộ, đó là năng lực xử lý tình huống của cán bộ, công chức.

Những cán bộ lãnh đạo công tâm, nắm vững nội dung công việc thì không sợ đối thoại trực tiếp, không né tránh tiếp xúc với dân, mà hơn thế còn cảm thấy luôn có nhu cầu đối thoại trực tiếp để có điều kiện gần dân, sát dân. Chỉ có những cán bộ quan liêu, lại không chịu đào sâu nghiên cứu, không nắm vững chủ trương, chính sách, thậm chí một số người chỉ quen ra lệnh, bắt dân vâng phục, mới sợ đối thoại.

Một nội dung cần đúc kết, đó là: việc đối thoại dân chủ ở Đà Nẵng được diễn ra như thế nào?

Cái được xem là khá thành công và có nét mới ở Đà Nẵng, đó là phương thức đối thoại được mở rộng đa dạng, phong phú, thường xuyên, tạo ra hiệu quả thiết thực, có tác dụng tốt.

Trước hết, đó là hình thức đối thoại giữa lãnh đạo cấp cao nhất của thành phố, quận, huyện với cấp thấp nhất là người dân thường, kể cả những đối tượng đặc thù như những người mãn hạn tù đang hoàn lương, cần có sự giúp đỡ về vốn, về kinh nghiệm làm ăn để hòa nhập cộng đồng; những thanh, thiếu niên hư cần được sự giúp đỡ của cộng đồng để tiến bộ; những người đạp xích-lô, xe thồ đang có nhu cầu hợp tác nhau lại để giúp đỡ hỗ trợ nhau về điều kiện vật chất hoặc chăm lo đời sống của nhau.

Đặc sắc trong thực hành dân chủ một cách thành tâm ở Đà Nẵng có lẽ là ở điểm này. Và tính nhân văn của quá trình dân chủ hóa trong thời kỳ đổi mới ở Đà Nẵng cũng được biểu hiện cụ thể sinh động ở đây. Những người chủ động đối thoại đã vượt qua rào cản giới hạn giữa lãnh đạo và người dân thường, thậm chí kể cả những đối tượng không bình thường để đi tìm đến những mối quan tâm chung, những tiếng nói chung.

Sức cảm hóa của hình thức đối thoại này đã khiến quá trình hoàn lương của những người đã từng phạm tội mong muốn hối cải được diễn ra nhanh chóng hơn. Hầu hết những người mãn hạn tù, qua gặp gỡ đối thoại, được vay vốn, đã làm ăn hiệu quả, trả được vốn vay, có sinh lợi. Trong số đó, có người trở thành chủ cơ sở sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, đối thoại có thể được tiến hành theo lịch định kỳ, nhưng quan trọng hơn là đối thoại đột xuất để giải quyết những vụ việc đột xuất. Có những ngày lãnh đạo thành phố tiếp và giải quyết hàng trăm trường hợp, hầu hết đều thuận lý, thuận tình. Riêng các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, cứ có đơn thư thắc mắc của nhân dân là Chủ tịch, các Phó Chủ tịch thành phố xuống tận cơ sở giải quyết, không đợi đến kỳ tiếp xúc cử tri.

Thứ ba, đối thoại có thể được diễn ra tại trụ sở của cơ quan hành chính Nhà nước theo thông lệ, mà điều quan trọng hơn là đối thoại tại địa bàn dân cư, thậm chí đối thoại tại hiện trường, nơi xảy ra những vụ việc cụ thể cần có sự can thiệp của chính quyền. Có những chi tiết đời thường mà chỉ nghe qua báo cáo hoặc xem trên bản vẽ thì không thể nào thấu hiểu được bức xúc của người dân. Đã có trường hợp lãnh đạo thành phố mời các ban, ngành cùng xuống thực địa ngay sau cuộc họp để tận mắt xem xét và quyết định ngay tại chỗ.

Thứ tư, đối thoại không theo giờ hành chính, không câu nệ thời gian, phù hợp với thời giờ làm ăn buôn bán của bà con lao động nghèo. Đã có nhiều cuộc đối thoại diễn ra đến tận khuya mới đi đến kết luận cuối cùng.

Thứ năm, đối thoại có thể tiến hành trực tiếp qua cuộc họp nhân dân, qua các buổi tiếp dân, nhưng cũng có thể thông qua các chương trình đối thoại trên vô tuyến truyền hình địa phương. Và một đường dây nóng đã được thiết lập để lãnh đạo có thể trả lời trực tuyến. Có lần đã “phá lệ” của Đài, phải cắt giảm một số chương trình thường lệ do số câu hỏi và ý kiến trả lời quá nhiều, thời gian đối thoại trực tuyến trên sóng đã vượt quá xa thời lượng chương trình cho phép.

Ngoài ra, có những hình thức đối thoại đặc biệt nhưng cũng được tổ chức định kỳ và lãnh đạo thành phố rất coi trọng, đó là đối thoại trực tiếp giữa Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố với chức sắc các tôn giáo. Hình thức đối thoại này được tiến hành định kỳ hằng năm (không kể những cuộc tiếp xúc trực tiếp để giải quyết những vụ việc cụ thể).

Tại những cuộc gặp gỡ đối thoại này, về phía thành phố cũng như phía các tôn giáo đã đặt ra không né tránh nhiều vấn đề, kể cả những vấn đề khá nhạy cảm, nhưng chính hình thức đối thoại trực tiếp đó đã giúp các tôn giáo hiểu công việc của chính quyền và ngược lại.

Đây cũng là dịp để các tôn giáo có dịp tiếp xúc với nhau; và từ cuộc tiếp xúc với chính quyền, các tôn giáo có thể đến với nhau một cách tự nhiên trong các ngày lễ trọng của một tôn giáo nào đó. Có thể coi đây là cách làm độc đáo:  những người lãnh đạo địa phương đã tạo sự gặp gỡ thân thiện giữa các tôn giáo trên địa bàn.

Một việc làm - cũng là một kinh nghiệm cần thiết ở Đà Nẵng, đó là các lãnh đạo đương chức đối thoại với các đồng chí lão thành, các cá nhân tiêu biểu để tạo sự hậu thuẫn cho những chủ trương mới được đề ra. Đã có giai đoạn gần như thành định kỳ, 3 tháng 1 lần, ở Đà Nẵng có hình thức lãnh đạo cao nhất của thành phố đối thoại với khoảng hơn 1.500 hội viên Câu lạc bộ (CLB) Thái Phiên - CLB của những người cao tuổi lão thành của thành phố.

Những buổi tiếp xúc đối thoại này đã góp phần giải quyết tư tưởng trong nhân dân bởi các đồng chí hội viên CLB là những cán bộ trung cao cấp của Đảng, kinh qua nhiều cương vị công tác, có kinh nghiệm, có kiến thức và thực sự có uy tín trong nhân dân, được nhân dân tin tưởng. Nếu có đủ thông tin, chính các bậc cao niên là những người làm công tác tư tưởng tích cực ở cơ sở.

Có thể nói, văn hóa đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với công dân như một yếu tố quan trọng của việc thực thi văn hóa chính trị; nó không dừng ở những lời nói chung chung mà thực sự đã mang lại những kết quả có thể đo đếm được bằng những số liệu cụ thể qua những công trình mang ý Đảng, hợp lòng dân.

Từ những việc làm trên, có thể nhận thấy: Những bài học thực hành dân chủ mang tính phổ quát đã được nêu từ lâu, nhưng tùy theo cách lãnh đạo, chỉ đạo sẽ cho những kết quả không giống nhau. Nếu những bài học phổ quát ấy được vận dụng một cách riết róng, đến nơi đến chốn tại một địa phương cụ thể, trong một giai đoạn cụ thể thì kết quả đạt được sẽ rất to lớn, ấn tượng; và nếu nơi nào cũng thực hành tốt dân chủ thì sẽ huy động tối đa nguồn lực xã hội, đẩy cuộc sống tiến lên nhanh chóng hơn. Có điều cần nói thêm: Thành phố rất cần những tiếng nói đồng cảm nhưng cũng có thái độ kiên quyết, công khai phê phán, thậm chí xử lý đối với những thái độ thiếu thiện chí, phản ánh sai lệch tình hình thành phố.

BÙI CÔNG MINH

(Còn nữa)

;
.
.
.
.
.