.

Đẩy mạnh thực hiện nhiều đề án quan trọng

.

Thời gian đến, quận Thanh Khê tập trung phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững và ổn định, đặc biệt chú trọng một số đề án quan trọng. Chủ tịch UBND quận Nguyễn Văn Tĩnh đã trao đổi về vấn đề này.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ và Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Nguyễn Văn Tĩnh dự lễ ra quân đầu năm và chúc Tết động viên đội ngũ cán bộ, công nhân đang thi công công trình nút giao thông ngã ba Huế.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ và Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Nguyễn Văn Tĩnh dự lễ ra quân đầu năm và chúc Tết động viên đội ngũ cán bộ, công nhân đang thi công công trình nút giao thông ngã ba Huế.

* Thưa ông, 20 năm qua, góp phần vào thành công chung về kinh tế, xã hội trên địa bàn quận, có thể kể đến việc thực hiện một số đề án quan trọng về phát triển y tế, dịch vụ, môi trường... Xin ông cho biết thêm kế hoạch tiếp tục triển khai các đề án này trong thời gian tới?

- Những năm gần đây, quận Thanh Khê thực hiện một số đề án nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quận, trong đó có hai đề án : Đề án phát triển y tế, Đề án phát triển thương mại, dịch vụ.

Đối với đề án phát triển y tế, chúng tôi tập trung các vấn đề chính như: Triển khai thực hiện các hoạt động quản lý Nhà nước theo chức năng nhiệm vụ và đúng phân cấp quản lý gồm y tế tư nhân, khám chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo hiểm y tế, dân số kế hoạch hóa gia đình.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng thu dung điều trị nội trú, công suất sử dụng giường bệnh, các thủ thuật, phẫu thuật theo phân cấp bệnh viện hạng 2 đạt ở mức cao hơn. Khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư mua sắm mới.

Các trạm y tế đáp ứng tốt yêu cầu về chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch bệnh, quản lý các bệnh xã hội, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia. Từng bước nghiên cứu thực hiện xã hội hóa về trang thiết bị y tế. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, 100% dân số trên địa bàn quận mua bảo hiểm y tế; được chăm sóc và tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, kỹ thuật cao. Cuối năm 2020 sẽ có 50% bác sĩ về công tác thường xuyên tại trạm y tế…

Đối với đề án phát triển thương mại-dịch vụ: Phấn đấu phát triển ngành thương mại-dịch vụ thành lĩnh vực mũi nhọn của quận, theo hướng chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn. Tập trung và thứ tự ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng góp phần thúc đẩy khu vực dịch vụ của quận phát triển nhanh và bền vững.

Phấn đấu đến năm 2020, Thanh Khê là quận trung tâm có kinh tế, xã hội phát triển nhanh và bền vững, cơ cấu kinh tế theo hướng: Dịch vụ 67%-70%, công nghiệp, xây dựng 25%-27%, nông nghiệp (thủy sản) 5%-8%; gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Cơ cấu kinh tế của quận đối với tỷ trọng ngành dịch vụ tăng dần đều trong 5 năm 2016-2020. Mục tiêu tổng quát phát triển dịch vụ sau năm 2020: ngành thương mại - dịch vụ vẫn là ngành mũi nhọn của quận Thanh Khê. Trong cơ cấu kinh tế của quận, dịch vụ đạt từ 70% trở lên. Quận Thanh Khê trở thành một trong những trung tâm dịch vụ lớn của thành phố Đà Nẵng.

* Phát triển đô thị luôn đi kèm với áp lực duy trì không gian văn hóa, giá trị văn hóa. Quận Thanh Khê đã chủ động và đạt ra kế hoạch gì để dung hòa vấn đề này, thưa ông?

- Thời gian qua, quận Thanh Khê chú trọng công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn như: trùng tu Nhà lưu niệm Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê, Đình làng Thạc Gián, viết chữ nhụ các bia di tích trên địa bàn quận, duy trì tổ chức Lễ hội Cầu ngư, Lễ hội Đình làng Thạc Gián…

Để nắm rõ thực trạng di tích trên địa bàn quận, quận đã phối hợp với Trung tâm Di sản văn hóa thành phố tổ chức điều tra, khảo sát di tích, biên soạn thành một tập tài liệu phục vụ tốt công tác quản lý. Hiện nay, quận Thanh Khê có 11 di tích (cấp quốc gia và thành phố).

Năm 2016, UBND quận ban hành Kế hoạch số 1129/KH-UBND ngày 30-9-2016 về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể Lễ hội Cầu ngư quận Thanh Khê giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, quận đã có văn bản đề nghị thành phố xếp hạng Di tích cấp thành phố đối với Đình làng An Khê.

Cùng với đó, việc tập trung thực hiện bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa được lồng ghép trong phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” bằng cách phân công các trường tham gia bảo quản, bảo vệ các điểm di tích. Từ đó giáo dục các em về lịch sử văn hóa địa phương và ý thức bảo tồn các giá trị truyền thống.

* Để Thanh Khê phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững và ổn định, góp phần vào thành quả chung xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, văn minh, quận đề ra những giải pháp gì, thưa ông?

- Dựa trên cơ sở Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ quận, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI của Đảng bộ thành phố và định hướng chiến lược từ Nghị quyết số 33/NQ-BCT của Bộ Chính trị, đồng thời nhằm bảo đảm vai trò một trong những quận trung tâm của thành phố, với chủ trương chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế tích cực theo hướng dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - thủy sản, trước hết, Quận ủy, UBND phải bám sát mục tiêu và định hướng chiến lược, bảo đảm thực hiện đúng với quá trình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh và hội nhập sâu rộng.

Quận đề ra những giải pháp cụ thể để vừa phát huy nội lực và tận dụng triệt để những lợi thế đang có để phát triển bền vững và ổn định. Đồng thời tiếp tục chú trọng xây dựng văn hóa gồm: công sở văn hóa, cơ quan văn hóa, đoàn thể văn hóa, phường văn hóa.

Quận cũng sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy vai trò của các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, chú trọng hoạt động theo chiều sâu; chú trọng nguồn lực cán bộ. Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu có dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

PV: Xin cảm ơn ông!

NGỌC HÀ thực hiện

;
.
.
.
.
.