.

Điểm sáng an sinh xã hội

.

Với nhiều cách làm hay, giải pháp đột phá, 20 năm qua, quận Ngũ Hành Sơn đã đạt nhiều thành tựu trong công tác an sinh xã hội, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

UBND phường Mỹ An bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách.  					              Ảnh: NAM BÌNH
UBND phường Mỹ An bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách. Ảnh: NAM BÌNH

Nâng cao đời sống người dân

Thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, quận Ngũ Hành Sơn nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung đã và đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các gia đình có công cách mạng bằng nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách. Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Hòa cho biết, đề án hỗ trợ người có công cách mạng về nhà ở đã được Quận ủy, UBND quận quan tâm chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, đơn vị và phòng, ban liên quan nỗ lực, sâu sát trong từng chi tiết triển khai thực hiện. Không chỉ bảo đảm chất lượng nhà ở vững chắc, số lượng hộ được hỗ trợ về nhà ở cũng tăng dần qua mỗi năm. Đặc biệt, nhờ sự quyết tâm của chính quyền địa phương, trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, 23 hộ gia đình chính sách thuộc diện hỗ trợ nhà ở trong năm 2017 sẽ hân hoan đón xuân mới trong những căn nhà khang trang, được sửa chữa, xây mới trước thời hạn.

Để nâng cao chất lượng đời sống người dân, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn Lê Trung Chinh chia sẻ, để giảm nghèo bền vững, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của quận là trao “cần câu” chứ không cho “con cá”; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để người nghèo có ý thức trách nhiệm tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại.

Ông Nguyễn Hòa cho biết thêm: “Quận Ngũ Hành Sơn tạo mọi điều kiện để người dân có việc làm, thu nhập ổn định bằng cách hỗ trợ vay vốn, phương tiện sinh kế, kỹ thuật trồng trọt, giới thiệu việc làm... Sau khi hỗ trợ, quận còn cử cán bộ thường xuyên theo dõi, động viên, hướng dẫn cách làm ăn để các hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo”. Song song đó, quận đặc biệt quan tâm hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề và giải quyết việc làm đối với nông hộ không còn đất sản xuất sau giải tỏa. Trong 5 năm qua, có 13.477 người trong độ tuổi lao động ở quận có việc làm mới, thu nhập ổn định nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền. Đến nay, sau 20 năm thành lập quận, đời sống người dân Ngũ Hành Sơn đã từng bước ổn định, không còn hộ nào phải ở nhà xuống cấp trầm trọng, trẻ em đều được đến trường, việc chăm sóc sức khỏe người dân được bảo đảm... Riêng đối tượng chính sách tại quận hầu hết đều có mức sống cao hơn mức trung bình tại nơi cư trú.

Chú trọng phát triển giáo dục

Từ quan điểm chỉ trao “cần câu” cho người dân cần hỗ trợ, quận Ngũ Hành Sơn đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển giáo dục. Ông Nguyễn Hòa chia sẻ: “Tuổi trẻ là thế hệ kế thừa, góp phần gìn giữ, xây dựng và phát triển quê hương. Do đó, muốn địa phương ngày càng vững mạnh, cần phải có thế hệ kế thừa giàu tri thức, kỹ năng, đủ tâm và tài. Vì vậy, quận Ngũ Hành Sơn đã, đang và sẽ triển khai nhiều biện pháp, hành động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục”.

Ông Nguyễn Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ngũ Hành Sơn bày tỏ: “Trước đây, học sinh các cấp trên địa bàn quận bỏ học nửa chừng rất nhiều vì điều kiện kinh tế không bảo đảm, sức học yếu nên mặc cảm. Trước tình hình đó, lãnh đạo địa phương đã kịp thời phát động phong trào “Tiếp sức học sinh đến trường”, chương trình “Người bạn đồng hành” với quyết tâm không để học sinh nghèo bỏ học. Bên cạnh việc dạy phụ đạo cho học sinh yếu, quận còn hỗ trợ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh con hộ nghèo, con mồ côi để các em yên tâm đến trường. Với những học sinh không đỗ vào lớp 10 trường công lập, quận và các địa phương tổ chức gặp mặt động viên, định hướng vận động các em vào học tại các trường tư thục và trung tâm giáo dục thường xuyên, hoặc học nghề”.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục quận không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, đề cao vai trò giáo viên chủ nhiệm trong quản lý, giáo dục học sinh; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong nhà trường nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh... Đồng thời, thống kê, nắm tình hình, lập danh sách học sinh hay vi phạm nội quy, có nguy cơ bỏ học gửi về các UBND phường để địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc, sát cánh với nhà trường vận động các em ra lớp.

Ông Phạm Hiền, Chủ tịch Hội Khuyến học quận Ngũ Hành Sơn cho hay, trong 18 năm qua, Hội Khuyến học quận đã vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài thành phố nhận bảo trợ dài hạn cho 6.704 lượt học sinh con hộ nghèo vượt khó và 1.115 lượt học sinh mồ côi với số tiền 5,58 tỷ đồng. Chính những giải pháp căn cơ và thiết thực này đã góp phần giúp học sinh yếu vươn lên học tốt, các em con gia đình có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đến trường, nhiều gia đình có học sinh được bảo trợ cơ bản thoát nghèo bền vững. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục dần nâng cao, tỷ lệ học sinh giỏi tăng lên hằng năm, mặt bằng chất lượng cũng từng bước được thu hẹp giữa các trường và các địa phương trong quận. Đặc biệt, đến nay không còn học sinh bỏ học nửa chừng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn như những năm trước.

“Sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự chung tay mạnh mẽ của cộng đồng, sự quyết tâm của mỗi người dân là sức mạnh to lớn giúp diện mạo đô thị quận ngày càng phát triển, đời sống người dân không ngừng được nâng cao”, Bí thư Quận ủy Lê Trung Chinh khẳng định.

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.