Chính trị - Xã hội

Diễn đàn "Làm gì, làm thế nào hạn chế xe máy nội thị"

Tạo thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng

07:49, 19/01/2017 (GMT+7)

* Anh Trần Hữu Vỹ,  Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Đà Nẵng: Tăng cường dịch vụ xe công cộng

Tôi đồng tình với vấn đề cần hạn chế xe máy ở nội thị. Tôi cho rằng, đây là một trong những giải pháp nhằm giúp giảm ùn tắc giao thông nội thành Đà Nẵng.

Ùn tắc tại nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Hoàng Diệu. 		 Ảnh: THANH TÌNH
Ùn tắc tại nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Hoàng Diệu. Ảnh: THANH TÌNH

Khoảng 5 năm trở lại đây, tần suất xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm tại một số đoạn của tuyến đường nội thành như gần cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, Công viên 29-3; các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi… tăng dần. Mặt khác, việc đi xe máy vừa gây ồn ào, nguy cơ xảy ra tai nạn, lại vừa thải nhiều khí CO2 không tốt cho môi trường và sức khỏe.

Vì vậy, tôi xin đóng góp 4 giải pháp sau để có thể thực hiện được mục tiêu “Hạn chế mật độ xe máy nội thị”. Thứ nhất, tăng cường dịch vụ xe công cộng, trong đó chú trọng hệ thống xe buýt. Trong tương lai, Đà Nẵng có thể sử dụng các phương tiện giao thông công cộng khác như: ô-tô điện, tàu điện ngầm. Nếu sử dụng các phương tiện công cộng thuận tiện, được hỗ trợ giá rẻ và góp phần bảo vệ môi trường thì người dân sẽ đồng tình ủng hộ.

Thứ hai, nên khuyến khích đi xe đạp hoặc đi bộ, đồng thời thí điểm một số tuyến đường chỉ được di chuyển bằng xe đạp và đi bộ. Nhưng để làm được điều này, đầu và cuối tuyến đường cần có dịch vụ thuê xe đạp giá rẻ, hoặc hỗ trợ xe đạp đi trong tuyến và bãi đỗ xe máy hoặc ô-tô cá nhân.

Thứ ba, chuyển một số cơ quan Nhà nước, khu công nghiệp và một số trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội thành, bởi chính công nhân, sinh viên và người dân đến giao dịch thường là đối tượng chính sử dụng xe máy.

Thứ tư, tăng cường truyên truyền “giao thông xanh” để tạo sự thay đổi trong tất cả những người sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng.

THANH TÌNH ghi

* Ông Trần Quế (phường Thạch Thang, quận Hải Châu): Cần hạn chế xe cá nhân bằng biện pháp kinh tế

Theo tôi, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại Đà Nẵng nói riêng và các đô thị lớn nói chung, chỉ có phương pháp hữu hiệu nhất là phát triển hệ thống giao thông công cộng; do đó đòi hỏi các ban, ngành cần xây dựng một chính sách dài hạn và kiên trì thực hiện.

Cụ thể, cần khuyến khích người dân đi bộ, đi xe đạp, xe buýt và các phương thức vận tải công cộng khác; trong đó cần chú trọng chấn chỉnh không gian vỉa hè cho người đi bộ bằng việc hoàn thiện các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thiết kế vỉa hè, mặt đường để việc đi bộ của người dân được thuận tiện, an toàn.

Ngoài ra, để hạn chế phương tiện cá nhân, thành phố cần có biện pháp quyết liệt như định hướng nhận thức, quan điểm hoặc có biện pháp mang tính kinh tế như thuế, thậm chí là thu phí từ ngoài vành đai để hạn chế xe cá nhân vào trung tâm thành phố, rồi sử dụng chính nguồn thu này để tái đầu tư cho dịch vụ vận tải công cộng khác như không gian đi bộ, giao thông phi cơ giới, vận tải công cộng… Đây là biện pháp mà nhiều thành phố lớn trên thế giới đã áp dụng thành công.

* Bà Trần Thị Thùy Trâm (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu): Đầu tư hệ thống giao thông thông minh

Những năm gần đây, tại Đà Nẵng, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra với chiều hướng gia tăng, một phần do hạ tầng giao thông chưa phát triển tương xứng, trong khi phương tiện giao thông cá nhân lại tăng quá nhanh, giao thông công cộng thì chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo tôi, bên cạnh phương án giảm phương tiện giao thông cá nhân, thành phố cần tập trung đầu tư hệ thống giao thông thông minh, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực này một cách hiệu quả.

Hệ thống giao thông thông minh sẽ đóng vai trò then chốt trong việc quản lý, điều hành các phương tiện giao thông, tạo thuận lợi cho các phương tiện giao thông công cộng; giảm ùn tắc tại các điểm nóng về giao thông. Thời gian tới, thành phố cần tập trung nghiên cứu, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ và tiếp tục đầu tư nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng, cái gì chúng ta đang có thì cần sử dụng cho tốt, cần ứng dụng giao thông thông minh, xây dựng mô hình giao thông tổng thể của địa phương.

Quốc Khải ghi

* Ông Lê Văn Sơn (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu): Mở rộng quy mô các trạm dừng xe buýt

Theo tôi, thành phố có thể mở rộng quy mô các trạm dừng xe buýt. Tại đó, có bãi gửi xe máy quy mô lớn, giá rẻ hoặc miễn phí để tiện lợi cho người dân đi làm từ ngoại thành khi tới trạm dừng thì gửi xe máy ở đó rồi sử dụng xe buýt vào nội thành.

Song song đó, cần phát triển mạng lưới xe đạp ở các trạm xe buýt để người dân có thể lấy làm phương tiện đi đến các cơ quan, đơn vị hoặc đi đến những tuyến đường nhỏ, kiệt, hẻm mà xe buýt không đến được. Tất nhiên, muốn thực hiện được giải pháp này, cần có cách quản lý thông minh đối với xe đạp và người sử dụng xe đạp ở các trạm xe buýt.

Ngoài ra, cũng cần có phương án cấm ô-tô vào nội thành khung giờ cao điểm từ 7 giờ - 8 giờ và từ 17 giờ -18 giờ, như vậy sẽ giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông. Nếu không cấm thì có thể thu phí cao đối với ô-tô vào các khung giờ trên để hạn chế tối đa loại phương tiện này vào trung tâm thành phố.

Đặng Nở ghi

* Ông Nguyễn Thái Thạnh (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn): Nên có thêm nhiều đường một chiều

Theo tôi, một giải pháp đơn giản, ít tốn kém và có thể thực hiện ngay đó là chuyển thêm nhiều tuyến đường trong nội thành thành đường một chiều. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, khi thành phố chuyển thêm một số tuyến đường như: Lê Lợi, Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh thành đường một chiều thì tình trạng kẹt xe trên các tuyến đường này giảm đáng kể.

Ngoài ra, ở tất cả các ngã ba, ngã tư nên cho phép rẽ phải. Tuy nhiên, cũng cần tăng cường giáo dục nâng cao ý thức chấp hành tín hiệu giao thông của người tham gia giao thông; dừng đèn đỏ đúng làn đường, không làm ảnh hưởng đến làn rẽ phải của người tham gia giao thông.

NGỌC HÂN ghi

* Ông Nguyễn Đình Trấc (55 Nguyễn Công Sáu, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà): Quy  hoạch lại cơ sở hạ tầng khu vực trung tâm

Hiện nay, cơ sở hạ tầng Đà Nẵng thuộc vào loại tốt nhất nhì ở Việt Nam và giao thông của thành phố vẫn còn thông thoáng, do đó chưa đến mức để “tiết kiệm” phương tiện giao thông cá nhân trong lúc này.

Tuy nhiên, về lâu dài, trung tâm thành phố ngày càng phát triển, nhà cao tầng mọc lên nhiều, trong khi đó cơ sở hạ tầng không phát triển theo kịp sẽ dẫn đến ùn tắc giao thông ở khu vực nội thành. Theo tôi, trong khoảng 5 năm nữa, thành phố cần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và khuyến khích người dân đi phương tiện giao thông công cộng.

Đặc biệt, người dân ở thành phố hiện nay có xu hướng không muốn sống xa khu vực trung tâm thành phố. Nhiều đường sá tuy khang trang, sạch đẹp như đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh, Trần Phú, Lê Duẩn… nhưng khi đi vào các ngõ ngách thì rất chật hẹp.

Vì vậy, ngay từ bây giờ thành phố cần nghiên cứu quy hoạch lại cơ sở hạ tầng ở khu vực trung tâm thành phố bằng cách triển khai giải tỏa các nhà cao tầng quá cũ, di dời dân ra khu vực ngoại thành. Bên cạnh đó, thành phố cần tăng cường mở thêm các tuyến xe buýt nhanh trong nội thành với lưu lượng khoảng 5-10 phút/một tuyến để tạo thói quen cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Đ.L ghi

.