.

Động lực để thanh niên khởi nghiệp

.

Cùng với sự ra đời của Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố và các câu lạc bộ khởi nghiệp, tại Đà Nẵng dần hình thành phong trào khởi nghiệp. Nhiều bạn trẻ tự tin nắm bắt cơ hội này và đạt được một số thành công nhất định.

Hồ Đức Thiện bên những bịch nấm bào ngư.
Hồ Đức Thiện bên những bịch nấm bào ngư.

Quyết tâm khởi nghiệp

Tốt nghiệp ngành Công nghệ hóa sinh, Trường Cao đẳng (CĐ) Nghề Đức Trí, Chế Viết Vũ (sinh năm 1991, Đà Nẵng) quyết định mạo hiểm với dự án lên men tỏi Lý Sơn. Vũ chia sẻ, thị trường tỏi đen ở Việt Nam chủ yếu được nhập từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ với giá thành cao, 2 - 5 triệu đồng/kg.

Trước thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng, Vũ bắt đầu tìm đọc nhiều tài liệu về phương pháp sản xuất tỏi đen và cách lên men cho tỏi. “Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, tôi nhận ra cách làm tỏi đen ở Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc không phù hợp với giống tỏi trồng ở Việt Nam.

Công thức về nhiệt độ, độ ẩm lên men vì thế cũng khác. Những mẻ tỏi đầu tiên ẩm mốc, bốc mùi, khô héo không như mong đợi. Liên tục thức trắng đêm để điều chỉnh nhiệt độ, tự tìm tòi công thức mới, cứ thế, đến lần thí nghiệm thứ… 46, tôi vô cùng sung sướng khi cầm được sản phẩm tỏi đen bảo đảm chất lượng trên tay”, Vũ chia sẻ.

Sau gần 3 năm, thay đổi gần 200 công thức, Vũ mới tự tin công bố quy trình hoàn thiện lên men cho tỏi từ 40 đến 60 ngày mà không sử dụng hóa chất, phụ gia mang tên “bóng đèn và ly nước”. Thành công này giúp Chế Viết Vũ mạnh dạn cùng nhóm bạn thành lập Công ty TNHH Sản xuất thương mại IamV (“Tôi là người Việt Nam”) và xây dựng thương hiệu IamV để có cơ sở, điều kiện giới thiệu sản phẩm ra thị trường.

Được biết, hiện nay mỗi tháng IamV cho ra đời khoảng 800kg tỏi đen (1,9 triệu đồng/kg) nhưng công ty vẫn phải từ chối một số đơn hàng vì cung không đủ cầu. Vũ cho biết, công ty vừa ký một hợp đồng 15 tấn với Trung Quốc và đang ấp ủ dự định mang gene tỏi Lý Sơn về đất liền trồng để chủ động nguồn nguyên liệu, đồng thời sẽ đầu tư dây chuyển sản xuất tăng gấp 3 lần công suất hiện tại.

Trong khi đó, về phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, hỏi Hồ Đức Thiện trồng nấm, ai cũng nhiệt tình chỉ nhà kèm theo câu nói cửa miệng: “Thằng Thiện hay lắm, tốt nghiệp Trường Đại học (ĐH) Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) ngành Quản trị Kinh doanh hẳn hoi mà về quê trồng nấm mang ra chợ bán. Ba má can miết không được”.

Kể lại với Thiện, anh tủm tỉm cười: “Hồi đó ra trường, cũng thất nghiệp một thời gian rồi đi làm nhân viên văn phòng ở Đà Nẵng. Được gần nửa năm thì chán, xin nghỉ việc vác ba lô về quê trồng nấm. Ba má can ngăn lắm nhưng tính Thiện đã quyết là làm. Nay thì ba mẹ xuôi rồi vì cứ nhìn mãi mấy bịch nấm cũng yêu mà”.

Thiện kể, sau nhiều tháng tìm đọc tài liệu, học hỏi kinh nghiệm từ nông dân, anh chọn trồng nấm bào ngư để cung cấp cho thị trường. Chưa kịp vui vì tìm được hướng đi cho con đường khởi nghiệp, Thiện gặp ngay cú sốc khi toàn bộ 1.000 bịch nấm bào ngư đầu tiên chưa kịp ra sản phẩm bỗng dưng chết yểu.

Thất bại làm anh lung lay đôi chút, nhưng nhìn trại nấm, nơi anh bỏ bao công sức tạo dựng, Thiện… cắn răng làm tiếp. Sự cố gắng của Thiện cuối cùng cũng cho kết quả. Hiện nay, trung bình mỗi ngày Thiện cho ra hàng trăm kilogram nấm có giá dao động 25.000-30.000 đồng/kg nấm trắng, 35.000-40.000 đồng/kg nấm tím. Kết quả đó tiếp thêm nghị lực cho chàng trai vươn lên trên con đường khởi nghiệp của mình.

Các bạn trẻ thảo luận nhóm khi tham gia khóa học Kỹ năng kinh doanh cho thanh niên thuộc Dự án S2S.   			Ảnh: TIỂU YẾN
Các bạn trẻ thảo luận nhóm khi tham gia khóa học Kỹ năng kinh doanh cho thanh niên thuộc Dự án S2S. Ảnh: TIỂU YẾN

Không đơn độc

Tại Đà Nẵng hiện có các tổ chức sẵn sàng hỗ trợ bạn trẻ khởi nghiệp như: Vườn ươm Doanh nghiệp thành phố, Quỹ khuyến khích đổi mới công nghệ Hồ Nghinh, Câu lạc bộ (CLB) Nhà sáng tạo trẻ Đà Nẵng, CLB 9Start Lab, Chương trình 100 hạt giống doanh nhân và các dự án hỗ trợ khởi nghiệp thường xuyên được tổ chức tại các trường ĐH, CĐ hay Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố…

Đơn cử, Dự án S2S đã tổ chức 25 lớp đào tạo kỹ năng mềm, 8 lớp đào tạo kỹ năng khởi nghiệp, kinh doanh và tập huấn thực tập cho 650 SV, đào tạo 20 giảng viên nguồn; đồng thời tổ chức hoạt động Góc việc làm và Ngày hội tuyển dụng việc làm cho học sinh, sinh viên các trường: CĐ Nghề Đà Nẵng, CĐ Nghề du lịch, CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) và CĐ Nghề Việt Úc.

Tham gia Dự án S2S khi trong đầu chưa hình thành ý tưởng kinh doanh nào, Lê Thị T. (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, khóa học trở thành động lực, chỗ dựa tinh thần giúp T. tự tin hơn trong suy nghĩ và tìm hướng khởi nghiệp.

Hiện tại, T. đang tìm hiểu nhu cầu thị trường rau sạch ở một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn để xây dựng ý tưởng cung ứng mặt hàng này. “Mình biết làm được điều này không hề dễ vì hầu hết các khách sạn đều có mối quen và rất khó tính trong việc lựa chọn đối tác. Trước mắt, mình sẽ lên kế hoạch cung cấp rau cho các khách sạn 2 - 3 sao, từ đó học hỏi, rút kinh nghiệm và tìm kiếm mối quan hệ để nâng tầm dịch vụ”, T. nói.

Trong hầu hết cuộc trò chuyện về khởi nghiệp được tổ chức tại Đà Nẵng thời gian qua, đa số doanh nhân đánh giá cao những ý tưởng được bạn trẻ hình thành một cách chi tiết, có kế hoạch hành động cụ thể, rõ ràng.

Ông Lu Thanh Tùng, Công ty Power Code, giảng viên Dự án Kỹ năng thành công cho thanh niên (S2S) do Tổ chức Save the Children và Hội Liên hiệp Thanh niên Đà Nẵng triển khai từ tháng 3-2014 đến 11-2015 đưa ra lời khuyên: “Với những bạn trẻ yêu thích kinh doanh, ngay khi xây dựng được ý tưởng, hãy sẵn sàng chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp với những doanh nhân bạn tin tưởng. Họ có thể là người quen, là khách mời ở những diễn đàn khởi nghiệp. Tôi tin rằng, họ sẽ có những lời khuyên hữu ích cho bạn và có thể họ chính là người giúp bạn biến ý tưởng thành hiện thực”.

Cùng với việc hỗ trợ về kiến thức và kinh nghiệm khởi nghiệp cho thanh niên, sinh viên, thành phố Đà Nẵng tổ chức các hội thi, triển lãm khởi nghiệp, tạo điều kiện để các bạn trẻ có cơ hội hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp của mình.

Bài và ảnh: TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.