.

Gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa địa phương

.

Ngay từ khi thành lập quận vào năm 1997, nhiệm vụ phát triển kinh tế đang rất cấp thiết nhưng Quận ủy, UBND quận Thanh Khê chỉ đạo Phòng Văn hóa lưu ý gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống.

Thi viết thư pháp tại Lễ hội Đình làng Thạc Gián.
Thi viết thư pháp tại Lễ hội Đình làng Thạc Gián.

Nhiều năm qua, Lễ hội Cầu ngư ở Thanh Khê được nhiều người biết đến và được xem là Lễ hội Cầu ngư tiêu biểu của toàn thành phố, góp phần đưa Lễ hội Cầu ngư của Đà Nẵng trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016 do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) công nhận.

Để Lễ hội Cầu ngư đặc sắc như ngày nay, những cán bộ văn hóa quận Thanh Khê phải trải qua thời gian dài kiên trì, bền bỉ với công tác khôi phục, nâng cấp lễ hội. Nguyên Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin (VHTT) quận Trần Trung Ngọc chia sẻ, hồi đó, suy đi xét lại, anh em làm công tác văn hóa nhận thấy 3 phường ven biển lâu nay vẫn duy trì lễ cầu an gắn với tục thờ cúng Cá Ông là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp nên đề xuất lãnh đạo quận cho tổ chức Lễ hội Cầu ngư cấp quận.

Nhưng khi đi vào thực tế, nghi thức của mỗi làng mỗi khác và ai cũng cho mình đúng khiến anh em không khỏi “đau đầu”. Thế là phòng phải tổ chức nhiều cuộc họp với các vị cao niên trong làng để tìm tiếng nói chung trong công tác tổ chức.

Ngoài ra, phòng còn tham khảo ý kiến của Sở Văn hóa – Thể thao (lúc đó là Sở VH-TT&DL), những nhà nghiên cứu văn hóa về các bài văn tế, nghi thức lễ… Nhờ đó, từ năm 2012 đến nay, Lễ hội Cầu ngư ngày càng chuẩn mực và trở thành nét đẹp văn hóa của ngư dân miền biển nói riêng và lễ hội đặc sắc của Đà Nẵng nói chung.

Bên cạnh Lễ hội Cầu ngư, Phòng VHTT tham mưu lãnh đạo quận lập thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận di tích cấp quốc gia đối với Đình làng Thạc Gián và di tích lịch sử địa điểm nhà Mẹ Nhu. Kết quả, hai di tích này lần lượt được công nhận di tích cấp quốc gia vào năm 2007 và 2009.

Những đình làng, miếu thờ, bia di tích cũng được quan tâm sửa chữa, thực hiện thời gian qua như: miếu Tam Vị, chùa Từ Vân, đình Thanh Khê, Lăng Cá Ông, Bia di tích “Sự kiện 76 ngày đêm nhân dân Đà Nẵng làm chủ thành phố”… Cuối năm 2016, UBND quận tiến hành trùng tu, sửa chữa di tích lịch sử địa điểm nhà Mẹ Nhu nhân dịp kỷ niệm 20 thành lập quận.

“Có thể nói, tất cả lễ hội, di tích tại Thanh Khê là chứng tích về lịch sử, địa lý, văn hóa vùng đất Thanh Khê xưa. Đây chính là tài sản vô giá, bài học còn nguyên vẹn giá trị về tình yêu nước, cội nguồn đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Đó cũng là cách ứng xử đúng đắn với văn hóa của lãnh đạo quận và tâm huyết của những người làm công tác văn hóa trong việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương”, ông Ngọc nói.

Thông qua lễ hội, chính quyền địa phương còn lồng ghép phần khen thưởng học sinh nghèo học giỏi, gia đình gương mẫu, tộc họ tiêu biểu và sinh hoạt cộng đồng, tạo sự đoàn kết, đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa con người với môi trường xã hội, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái…

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.